Tạo mối liên kết trong tiêu thụ hàng nông sản

Dịch Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất, nhất là vấn đề tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước bằng mối liên kết cung - cầu, được coi là chìa khóa giúp nâng cao giá trị và bảo đảm đầu ra ổn định cho hàng nông sản.

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm ở phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2020. Ảnh: TUẤN HẢI
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm ở phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2020. Ảnh: TUẤN HẢI

Tại một số vùng sản xuất rau, quả khu vực ngoại thành cũng như chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, dù nguồn cung rau, quả dồi dào, nhưng việc tiêu thụ trầm lắng và giá cả giảm sâu. Bà Nguyễn Thị Tươi ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, gia đình bà trồng 1,3 mẫu rau an toàn gồm các loại bắp cải, cải thảo, lơ xanh, cà chua… tuy sản lượng rau vẫn thu hoạch ổn định khoảng 2 tấn/ngày, nhưng tiêu thụ rất chậm. Còn ông Nguyễn Tấn, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp đóng trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) thông tin: Với diện tích 15 ha rau an toàn, trước đây mỗi tháng hợp tác xã cung cấp ra thị trường 30 đến 40 tấn rau, củ các loại, nhưng hơn một tháng nay hợp tác xã  chỉ bán được khoảng 20 tấn. Số còn lại phải bỏ, hoặc đem đi cho, vì nếu thuê nhân công mang rau ra chợ bán với mức 200 nghìn đồng/người/ngày thì không đủ chi phí. 

Các hộ dân trồng cây ăn quả cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà Trần Thị  Hoàn ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết: “Gia đình tôi có một mẫu ổi Đài Loan và ổi bo xù. Cùng kỳ năm trước, ổi bo xù có giá tám đến chín nghìn đồng/kg, nhưng nay chỉ còn bốn đến năm nghìn đồng/kg; ổi Đài Loan trước có giá sáu nghìn đồng/kg nay chỉ còn ba nghìn đồng/kg, nhưng tiêu thụ cũng rất khó khăn. Tiểu thương  cũng không đến mua tại vườn, mà gia đình phải tự mang ra chợ bán”. Từ việc mua bán khó khăn tại vườn, kéo theo việc tiêu thụ rau, quả ở chợ đầu mối cũng ảm đạm. Ông Trần Hoàng, một tiểu thương bán rau ở chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày cửa hàng của ông bán khoảng năm tấn rau, củ các loại, nay chỉ còn khoảng hai tấn. Còn theo bà Thu  Hà ở chợ đầu mối Long Biên cho biết, do nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm, cho nên mỗi ngày cửa hàng của bà chỉ bán được khoảng năm tạ quả gồm bưởi, táo, xoài… trong khi đó trước đây, con số này thường gấp hai lần, gấp ba lần. 

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, dịch Covid-19 khiến nông sản hàng hóa gặp khó khăn, thị trường trong nước trở thành “đầu ra” quan trọng của nhiều DN. Nhằm kết nối cung - cầu hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản giữa Hà Nội với các địa phương trong cả nước, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa... Theo đó, từ ngày 30-5 đến 30-6, Sở Công thương Hà Nội và siêu thị Big C đã tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản 2020. Tuần hàng thu hút 17 tỉnh, thành phố tham dự như Sơn La, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Điện Biên, Hưng Yên… qua đó giới thiệu hàng chục mặt hàng trái cây, nông, thủy sản tới người dân Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là dịp tạo cơ hội cho các tỉnh, thành phố kết nối, hợp tác với siêu thị Big C và các hệ thống bán lẻ tiêu thụ, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản. Trao đổi về vấn đề kết nối cung - cầu hàng nông sản, bà Lan cũng thông tin, không phải chỉ khi có dịch Covid-19, Hà Nội mới tổ chức kết nối cung - cầu đưa hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ. Những năm qua, ngành công thương Hà Nội liên tục tổ chức hoạt động này. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018 - 2019, thành phố đã ký hợp tác giao thương, cung ứng hàng hóa với 44 tỉnh, thành phố, qua đó hỗ trợ DN đưa 350 sản phẩm vào hệ thống bán lẻ Hà Nội tiêu thụ. Đến nay, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn tấn nông sản của các tỉnh, thành phố chuyển về tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội thông qua các siêu thị, chợ đầu mối. Quan trọng hơn, hoạt động này còn giúp nông dân cách thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, cải tiến mẫu mã bao bì…

Thực tế cho thấy, mặc dù ngành công thương Hà Nội cùng các địa phương đã nỗ lực kết nối giao thương cho DN các tỉnh, thành phố và đã có những bước tiến khả quan, song theo đánh giá chung, hiện nay, quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thật sự bền vững. Nhiều địa phương với những đặc sản vùng, miền vẫn chưa được nhiều người biết đến, hoặc có biết đến nhưng khó có cơ hội đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng khi thiếu sự liên kết trong lưu thông, phân phối với các DN. Bên cạnh đó, việc nắm bắt nhu cầu thị trường của một số DN, địa phương chưa sát thực tế, dẫn đến dư thừa sản phẩm, khiến người nông dân thua lỗ. Một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp còn lỏng lẻo, manh mún cho nên chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều; tỷ lệ sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ còn thấp, phần lớn sản phẩm vẫn tiêu thụ ở chợ đầu mối của Hà Nội dưới hình thức không tem, nhãn mác. Mặt khác, công tác dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như việc cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào, ra giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội và ngược lại chưa theo kịp với tình hình sản xuất. Do vậy, giữa nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, các ngành chức năng cần có sự phối hợp, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các DN trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương khác ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu. Cùng với đó cần quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương mình, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với các DN để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội... 

Nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn ứ nông sản là do công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời, thiếu sự hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất. Hay nói cách khác, người nông dân vẫn bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần...

Ông NGUYỄN PHAN HIỀN (Chuyên gia kinh tế)

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn, cùng với ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất - tiêu thụ được xem là khâu quan trọng trong nỗ lực tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa nông sản an toàn và bền vững. Làm tốt điều này sẽ giúp giải bài toán “được mùa mất giá” cho các hộ nông dân.

Ông TRẦN VĂN SỬU (Xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội)