Tăng cường kiểm tra, đề phòng cháy nổ xe khách

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe khách giường nằm. Mặc dù, không có thiệt hại về người nhưng các vụ cháy xe khách đã dấy lên lo ngại trong dư luận về sự mất an toàn khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe khách.

Hiện trường vụ cháy xe khách giường nằm trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn qua huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: MINH HẢI
Hiện trường vụ cháy xe khách giường nằm trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn qua huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: MINH HẢI

Chỉ trong hai tuần giữa tháng 6, cả nước xảy ra bốn vụ cháy xe khách giường nằm. Riêng trong ngày 20-6, xảy ra hai vụ cháy xe khách. Cụ thể, trưa 20-6, một xe khách giường nằm loại 45 chỗ đang lưu thông trên quốc lộ 1, khi tới cầu Nguyệt Viên, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) thì bốc cháy. Do thời tiết nắng nóng, trên xe có nhiều vật dụng dễ cháy cho nên ngọn lửa bùng phát rất nhanh. Hành khách vừa kịp thoát ra ngoài thì lửa trùm lên thiêu rụi, chiếc xe khách chỉ còn trơ khung. Tối cùng ngày, trên đường vành đai 3, đoạn gần Công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng xảy ra một vụ cháy xe khách 45 chỗ. Rất may, thời điểm xảy ra cháy trên xe không có hành khách, lái xe cũng kịp thoát ra ngoài an toàn. Vụ cháy khiến nhiều người chứng kiến hoảng hốt, giao thông ùn tắc. 

Những vụ cháy xe khách kể trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao cháy nổ xe khách khi đang lưu thông trên đường. Chứng kiến vụ cháy xe khách trên cầu Nguyệt Viên trưa 20-6, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ở xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) lo lắng chia sẻ: “Gia đình tôi phải thường xuyên di chuyển Hà Nội - Thanh Hóa bằng xe khách, sự việc cháy xe khách vừa xảy ra làm tôi rất hoang mang. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, chắc chúng tôi không dám đi xe khách nữa”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố cháy xe khách. Kết quả trưng cầu giám định các vụ cháy xe thời gian qua của cơ quan chức năng cho thấy khoảng 50% trường hợp là do sự cố về điện, 20% sự cố về kỹ thuật, 15% do rơm rạ cuốn vào gầm xe tiếp xúc với ống xả. Theo các chuyên gia, việc lắp thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy xe. Do các thiết bị này nằm ngoài sự kiểm soát của xe, dẫn đến quá tải cho hệ thống điện, gây ra cháy nổ. Bên cạnh đó, hệ thống dây dẫn đến các loại thiết bị chế thêm cũng gây quá tải hệ thống điện, dễ chập, cháy. Hoặc trong quá trình sửa chữa xe, do thao tác không đúng kỹ thuật cho nên các mối nối của thiết bị điện bị hở hoặc dây điện không chuyên dụng, không đúng kích thước gây rò rỉ điện, dẫn đến chập, cháy. Tình trạng xe cũ, sử dụng lâu năm và những xe hoạt động với cường độ lớn gây ra quá trình phát sinh nhiệt, hệ thống rò rỉ nhiên liệu, hệ thống ống xả không kín cũng gây cháy nổ. Việc xe không được kiểm định, bảo dưỡng thường xuyên khiến các bộ phận xuống cấp hoặc quá tải nhiệt khi vận hành, cộng hưởng thời tiết nắng nóng, các chất này rất dễ bén lửa. Xăng dầu không bảo đảm chất lượng cũng là nguyên nhân gây ra sự cố cháy nổ.

Trên thực tế, vì lợi nhuận, nhiều nhà xe sẵn sàng “độ” xe, “độ” thiết bị điện, hoặc nhận chở nhiều hàng hóa mà không cần biết có phải vật dụng dễ cháy nổ hay không; vận hành xe không bảo đảm thời gian dừng, nghỉ, không bảo dưỡng định kỳ; một số xe chưa qua kiểm định vẫn tự do lưu thông đã gây ra những hỏa hoạn như kể trên. Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có quy định về việc không được thay đổi xe ghế thành xe giường nằm, thế nhưng, quy định này chưa được thực hiện nghiêm. Hàng nghìn xe ghế vẫn được thay đổi kết cấu thành xe giường nằm và được sử dụng, lưu thông tự do, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng phương tiện. Khác với xe khách ghế ngồi thường có thiết kế thoáng rộng, xe khách giường nằm có hệ thống giường đệm san sát cho nên khả năng cháy lan rất cao. Do thiết kế đặc thù, hầu hết các xe giường nằm chỉ có một cửa lên xuống khiến cho việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn thêm khó khăn, hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Hiện nay, thời tiết cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy xe là rất cao, nhất là đối với các xe di chuyển đường dài và liên tục phải vận hành. 

Hiện tượng một số ô-tô bị cháy khi đang vận hành thời gian qua là hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa, có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát những phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe khách, để việc di chuyển bằng phương tiện công cộng được an toàn, thuận tiện, tạo sự yên tâm cho người dân.

“Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện cần lưu ý các vấn đề sau: Thận trọng khi chở hàng hóa trong hầm hàng, khoang hành lý, phải bảo đảm không còn nhiên liệu rò rỉ có thể gây cháy; thận trọng khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ, rác ni-lông; chú ý bảo dưỡng xe định kỳ; không nên độ, chế, lắp thêm các thiết bị vào hệ thống điện của xe; kiểm tra tình trạng xe trước mỗi chuyến đi, không bơm lốp quá căng; hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao; sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn tại các cây xăng, trạm nhiên liệu hợp pháp; không sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc”.

Cục Ðăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải)