Sớm xử lý việc xả nước thải bẩn ra biển ở Ninh Thuận

Thời gian gần đây, vùng biển Nam Cương, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) bốc mùi hôi thối do nước xả thải trực tiếp từ các trại nuôi tôm thương phẩm ra biển, khiến môi trường ở khu vực này ngày càng ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Các chủ trại lắp nhiều ống nhựa hút nước thải, xả thẳng ra biển.
Các chủ trại lắp nhiều ống nhựa hút nước thải, xả thẳng ra biển.

Vài năm trở lại đây, khi con đường ven biển dài hơn 100 km từ thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc đi ngang qua các huyện Ninh Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Phước đến xã Cà Ná, huyện Thuận Nam được thông tuyến, đường giao thông thuận lợi, nên dọc theo tuyến đường này nghề sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm phát triển trở lại. Trên đoạn đường ngang qua xã An Hải, huyện Ninh Phước có hàng trăm trại sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm.

Khu vực này có một hồ chứa nước thải tập trung. Đây là nơi tiếp nhận hầu hết lượng nước xả thải từ các trại nuôi tôm qua đường ống dẫn của từng trại nuôi và dồn hết vào một cái cống thu nước dẫn về hồ để lắng lọc, xử lý tạp chất rồi mới xả thải ra biển qua cống thứ hai dẫn ra bờ biển thuộc khu vực Nam Cương. Trước đây, công trình hồ chứa nước thải tập trung được xây dựng với kỹ thuật khá bài bản. Ngay hai miệng cống có lắp đặt van khóa và mở hai chiều để xả nước thải từ ao nuôi tôm ra biển. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, khâu xử lý này hầu như bị bỏ ngỏ. Vai trò lắng lọc, xử lý tạp chất của hồ chứa nước thải tập trung bị tê liệt, mất tác dụng, cống tiếp nước xả thải bị hư van điều khiển và sập đổ. Các chủ trại xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý tuôn thẳng ra biển. Lưu lượng xả ngày càng lớn, khiến cho phần cống thoát cạnh bờ biển bị hư hỏng, nước chảy tràn lan, gây hôi thối và làm cho bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng.

Chúng tôi đi dọc khu vực bờ biển thuộc thôn Nam Cương, xã An Hải dài hơn 1km. Trên bờ biển, ngổn ngang các loại ống nhựa lớn nhỏ được lắp đặt chồng chéo nhau gắn vào hàng chục mô-tơ điện bơm hút nước từ biển vào ao nuôi tôm, xen lẫn với nhiều loại ống nhựa hư hỏng bị vứt bỏ tràn lan. Nơi đây như đống rác lớn chứa đủ các loại ống nhựa. Cống tiếp thu nước thải gần bờ biển bị sập đổ, hư hỏng; ống bê-tông lớn nối với miệng cống thoát nước xả thải ra biển bị hư hỏng, tuôn ra dòng nước đen kịt, hôi thối, gây xói lở hơn 20 m từ bờ ra đến mép nước biển, có chỗ bị xói lở rộng hơn 3 m, sâu hoắm; đất nền bờ biển bị vỡ toác, nham nhở. Trong quá trình nuôi tôm thương phẩm, lượng thức ăn cho tôm và các tạp chất dưới ao bị phân hủy. Do sợ môi trường ao nuôi phát sinh mầm bệnh trên tôm, nên các chủ trại liên tục xả trực tiếp nước thải từ ao nuôi ra biển, khiến môi trường nơi đây ngày càng bị ô nhiễm.

Phó Chủ tịch UBND xã An Hải Bùi Thế Ly cho biết, toàn khu vực nuôi tôm thương phẩm tập trung trên địa bàn rộng khoảng 184 ha, có hàng trăm hộ nuôi, các chủ trại nuôi biến động liên tục, vì khi mất mùa, làm ăn thua lỗ thì chủ trại bỏ đi khỏi địa phương, có người bán luôn hoặc cho người khác thuê lại trại, ao để nuôi… nên rất khó kiểm soát.

Khu nuôi tôm thương phẩm tập trung tại thôn Nam Cương là dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương triển khai thực hiện và do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quản lý. Ban đầu, người nuôi tôm tuân thủ việc xả nước thải về hồ chứa nước thải tập trung, nay hồ chứa này bị xuống cấp, hệ thống cửa van để khóa lưu giữ nước bị hư hỏng, nên việc thẩm thấu và lắng lọc không còn hữu hiệu, đã trở thành nơi trung gian để trung chuyển nước xả thải từ các trại nuôi tôm thẳng ra biển, làm ảnh hưởng môi trường.

Ninh Thuận là một trong những tỉnh phát triển mạnh về sản xuất tôm giống cũng như nuôi tôm thương phẩm. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường, ổn định sản xuất bền vững, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng xả thải hiện nay, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa hồ chứa nước thải tập trung, để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đơn vị có chỉ đạo Chi cục Thủy sản cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo dõi, định kỳ có xử lý hóa chất để khử mùi, tuy nhiên qua nhiều năm sử dụng, hồ chứa nước thải tập trung đã xuống cấp, trong khi kinh phí của ngành hạn chế. Rất mong được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước thải. Có như vậy, thì dự án nuôi tôm thương phẩm tập trung mới phát triển bền vững.

NGUYỄN KHẮC LÂM Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận

Dự án nuôi tôm thương phẩm tập trung do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị xử lý những trường hợp có liên quan đến môi trường khi hai cơ quan phối hợp, đơn vị không có chức năng xử lý độc lập. Sắp tới, sẽ tham mưu UBND tỉnh chương trình phối hợp giữa hai đơn vị để xử lý vấn đề này một cách bài bản, vì đây là vùng trọng điểm của tỉnh về phát triển sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm đem lại lợi nhuận cao, cần có đầu tư đúng mức để phát triển bền vững.

BÙI ANH TUẤN Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận