Sớm bồi thường bảo hiểm cho tàu cá bị nạn

Gần đây, bạn đọc là ngư dân tỉnh Quảng Bình phản ánh, tàu cá của họ đều mua bảo hiểm song khi bị tai nạn trên biển thì việc bồi thường rất chậm, thậm chí đơn vị bảo hiểm cố tình dây dưa hoặc đưa ra các lý do không đúng thực tế để không đền bù.

Đầu năm 2017, ông Nguyễn Văn Thân, trú tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vay ngân hàng năm tỷ đồng và cùng với vốn huy động của gia đình để đóng một tàu cá vỏ gỗ công suất gần 1.100 CV với trang thiết bị hiện đại để vươn ra ngư trường xa. Sau khi chiếc tàu được hạ thủy và được cơ quan chức năng cấp phép ra khơi, ông Thân được Công ty Bảo Minh Quảng Bình (Tổng công ty cổ phần Bảo Minh), liên hệ ký hợp đồng mua bảo hiểm. Hai bên thỏa thuận và ký kết với nội dung mua bảo hiểm bằng 70% giá trị chiếc tàu (khoảng 5,2 tỷ đồng), kèm theo bảo hiểm rủi ro tai nạn thuyền viên với mức 30 triệu đồng/người. Với hợp đồng bảo hiểm này, tàu cá của ông Thân phải đóng gần 50 triệu đồng/năm. Nếu gặp rủi ro, phía bảo hiểm sẽ đền bù 100% số tiền trong hợp đồng đã ký. Ông Thân cho biết, tháng 6-2017, chuyến xuất bến đầu tiên của chiếc tàu do ông làm chủ mang về niềm vui cho gia đình. Các chuyến tiếp theo cũng bội thu, chủ tàu thu hàng trăm triệu đồng, mỗi lao động có thu nhập gần 20 triệu đồng/chuyến. Ông trả lãi ngân hàng đủ, đúng hạn.

Nhưng điều không may xảy ra trong chuyến câu mực và cá ngừ đại dương ở vùng biển xa ngày 13-12-2017. Tàu cá số hiệu QB-92869TS của ông Thân gặp trục trặc khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Mọi nỗ lực cứu tàu của tất cả ngư dân đều không thành, con tàu bị chìm dần. Ông Thân và sáu ngư dân được cứu hộ kịp thời và đưa về cảng Đà Nẵng an toàn. Sau khi tàu cá bị chìm, chủ tàu đã liên hệ với đơn vị bảo hiểm để được đền bù. Ông Thân cho biết: “Tôi đã làm đơn thẩm định, nộp các giấy tờ cho Công ty Bảo Minh Quảng Bình. Thế nhưng lúc thì họ nói thiếu cái này, lúc thiếu cái kia, rồi họ bảo chờ. Tôi đến hỏi nhiều lần nhưng chưa được. Đáng ra chỉ mấy chục ngày là được đền bù, nhưng sự việc đã kéo dài gần hai năm, đến nay chưa xong, chúng tôi phải đi lại nhiều lần rất tốn kém và mệt mỏi”.

Bà Nguyễn Thị Hiểu, vợ ông Nguyễn Văn Thân nói: “Tàu chìm mất nhưng tiền nợ ngân hàng gia đình vẫn phải trả, chỉ tính tiền lãi đã hơn 40 triệu đồng/tháng. Gần hai năm nay không còn tàu, hai cha con ông Thân phải xin đi làm cho tàu bạn để có thu nhập. Cơ quan bảo hiểm cứ kéo dài mãi thế này thì gia đình tôi càng kiệt quệ”.

Mặc dù mua bảo hiểm đầy đủ nhưng khi bị nạn, một tàu cá của ngư dân khác tại Quảng Bình đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cũng không được đơn vị bảo hiểm bồi thường thiệt hại. Ông Nguyễn Hải, trú xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch phản ánh, ông là chủ tàu cá vỏ gỗ số hiệu QB 92206TS được đóng mới, trong đó số vốn vay ngân hàng là hơn 9,1 tỷ đồng. Ngày 10-6-2018, khi đang đánh bắt hải sản trên biển, tàu bị va chạm dẫn đến chìm, các thuyền viên đã được hai tàu cá khác cứu sống. Sau sự việc, anh Hải báo với cơ quan chức năng và đề nghị Công ty Bảo Minh Quảng Bình bồi thường theo cam kết. Gần sáu tháng sau, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh có văn bản thông báo từ chối bảo hiểm đối với tàu bị nạn. Ngư dân Nguyễn Hải cho biết, bảo hiểm khai thác hải sản do ông Lê Quang Trung, Giám đốc Công ty Bảo Minh Quảng Bình ký vẫn còn hiệu lực nhưng sau khi sự việc xảy ra không có đại diện của đơn vị bảo hiểm đến gặp ngư dân để xác minh sự việc mà ủy quyền cho một công ty trung gian thực hiện. Theo ông Hải, đơn vị trung gian đó cũng không gặp trực tiếp hay làm việc với ngư dân mà tự tìm hiểu, xử lý. Sau đó Tổng công ty cổ phần Bảo Minh ra quyết định từ chối bồi thường, xuất phát từ căn cứ chưa rõ ràng, mang tính chủ quan. Đó là, sự cố chìm tàu xảy ra ngày 10-6-2018 nhưng đơn vị bảo hiểm lại căn cứ các hình ảnh tàu được xác định trong các ngày 18-9-2016 và 26-3-2018 để đưa ra đánh giá làm sai lệch sự việc. Vẫn theo ông Hải, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh còn tự diễn giải số lượng thuyền viên trên tàu bị nạn và lấy lời khai không có căn cứ, từ đó suy đoán rồi kết luận chủ tàu “hành động gian dối, không trung thực” và từ chối bồi thường bảo hiểm.

Bảo hiểm tàu cá và các thuyền viên hoạt động trên biển là chủ trương đúng và hết sức cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn, thiệt hại về kinh tế đối với ngư dân khi không may tai nạn xảy ra. Thời gian qua, khi triển khai các chương trình phát triển thủy sản, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đề cao trách nhiệm của các bên liên quan và cá nhân chủ tàu cá trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn tàu cá. Trong thực hiện Nghị định 67, Nhà nước đã chi kinh phí khá lớn để hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm cho tàu xa bờ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thường xảy ra những “xung đột” giữa đơn vị bảo hiểm và cá nhân được bảo hiểm. Trên đây là hai trong nhiều thí dụ vướng mắc dẫn tới mâu thuẫn trong thực hiện hợp đồng bảo hiểm tàu cá tại Quảng Bình mà phần thua thiệt thuộc về ngư dân. Chúng tôi làm việc với Giám đốc Công ty Bảo Minh Quảng Bình Lê Quang Trung thì được biết, việc giải quyết các vụ việc này đều do Tổng công ty cổ phần Bảo Minh có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh thực hiện, lãnh đạo đơn vị trực thuộc tại Quảng Bình không có quyền phát ngôn và cũng không trực tiếp giải quyết được. Trong khi người ký cấp bảo hiểm cho ngư dân vẫn là Giám đốc Công ty Bảo Minh Quảng Bình. Qua thư trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh Nguyễn Phú Thủy cho rằng, vụ giải quyết bảo hiểm cho tàu cá ông Nguyễn Văn Thân kéo dài là do chủ tàu chưa phối hợp tốt trong việc cung cấp hồ sơ tàu để công ty giám định, đánh giá nguyên nhân tổn thất. Hiện, Bảo Minh đã yêu cầu Công ty giám định Sico làm rõ một số nội dung trong biên bản giám định để ra biên bản cuối cùng. Ngay khi nhận được biên bản giám định cuối cùng, trong vòng 15 ngày làm việc, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh sẽ có thông báo kết quả về việc giải quyết cho chủ tàu. Còn đối với vụ tàu cá ông Nguyễn Hải, phía bảo hiểm cho rằng, chủ tàu cá này làm sai nghề khai thác theo giấy phép, dẫn đến vượt phạm vi hoạt động trên biển cho nên xảy ra sự cố, dẫn tới không được bồi thường. Tuy nhiên, lý do này hoàn toàn bị chủ tàu Nguyễn Hải bác bỏ vì thiếu căn cứ.

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình Lê Ngọc Linh cho biết, tai nạn tàu cá liên tiếp xảy ra tại Quảng Bình. Chỉ riêng bảy tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14 tàu cá bị nạn khi đang hoạt động trên biển, trong đó có 10 chiếc bị chìm khi đánh bắt hải sản, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Sau sự cố, nhiều chủ tàu gặp khó trong việc đề nghị bồi thường thiệt hại là do, trong quá trình ký hợp đồng, ngư dân vốn trình độ hiểu biết có hạn cho nên đọc không kỹ, hiểu chưa hết các điều khoản mà vẫn ký, khi áp vào thực tế dễ thua thiệt. Do ngư dân thường đánh bắt dài ngày trên biển và doanh thu tùy thuộc vào chuyến biển cho nên có khi chậm đóng hoặc quên đóng phí bảo hiểm, khi xảy ra sự cố thì đơn vị bảo hiểm rất dễ từ chối bồi thường. Vì vậy, bảo hiểm tàu cá là vấn đề rất quan trọng mà ngư dân cần được tư vấn và cẩn trọng hơn khi ký hợp đồng để tránh các trường hợp vướng mắc.

“Việc Công ty Bảo Minh Quảng Bình từ chối trách nhiệm với tàu cá bị nạn với những căn cứ, lý do không rõ ràng khiến gia đình tôi càng lâm vào khó khăn do không có nguồn thu để trả nợ và trang trải cuộc sống. Qua đó, ngư dân chúng tôi mất niềm tin vào đơn vị bảo hiểm”.

Ngư dân NGUYỄN HẢI

(Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)

“Khi ngư dân mua bảo hiểm, nên đến các cơ quan chức năng, chẳng hạn như Chi cục Thủy sản tỉnh hoặc văn phòng luật sư để được tư vấn cụ thể về các quy định, điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm rồi mới ký, tránh các trường hợp phát sinh vướng mắc, thậm chí mâu thuẫn khi giải quyết hợp đồng”.

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình LÊ NGỌC LINH