Siết chặt quản lý kinh doanh, vận chuyển ga

Ga (gas) là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có tính nhạy cảm trên các lĩnh vực của đời sống và sản xuất, đồng thời cũng là một trong những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay, bên cạnh tình trạng gian lận trong kinh doanh, sang chiết ga thì việc vận chuyển ga vẫn còn tùy tiện rất dễ xảy ra cháy nổ, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân.

Những chiếc xe máy chở bình ga xuất hiện hằng ngày trên các tuyến đường Hà Nội.Ảnh: BÌNH MINH
Những chiếc xe máy chở bình ga xuất hiện hằng ngày trên các tuyến đường Hà Nội.Ảnh: BÌNH MINH

Ngày 20-11 vừa qua, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ (Hà Nội) khiến nhiều người dân chứng kiến không khỏi bàng hoàng. Chiếc xe ô-tô Mercedes đang lưu thông trên đường thì bất ngờ đâm vào nhiều xe máy đang di chuyển cùng chiều khiến một người chết tại chỗ. Theo nhiều nhân chứng tại hiện trường, lúc xảy ra tai nạn họ nghe tiếng nổ rất lớn. Vụ việc đang trong quá trình điều tra, song điều khiến người dân lo lắng, khi hằng ngày, nhiều xe máy chở ga được chằng buộc đơn giản vẫn luồn lách trên phố, tiềm ẩn gây cháy nổ. Trước đó, hồi tháng 6-2017, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, một thanh niên đang điều khiển xe máy chở theo sáu bình ga loại 12 kg/bình thì bỗng dưng bình ga xì khí và bốc cháy. Phát hiện nguy hiểm, người này đã bỏ xe giữa đường và chạy. Rất may vụ nổ không gây thiệt hại về người. Quan sát trên đường phố Hà Nội, không khó để bắt gặp những trường hợp vận chuyển bình ga bằng xe gắn máy, phóng với tốc độ cao không đội mũ bảo hiểm, lưu thông trên phố đông đúc. Có lẽ, hình ảnh những chiếc xe máy chở bình ga không có công cụ hỗ trợ, không có dây buộc từ lâu đã là nỗi ám ảnh và đã không còn xa lạ với người tham gia giao thông. Người ví những chiếc xe chở ga thiếu “chuẩn” này như những “quả bom” di động, có nguy cơ nổ bất cứ lúc nào khi tham gia giao thông. Chứng kiến những thanh niên chở bình ga mà không có dây chằng buộc, vừa đi vừa vòng một tay ra sau để giữ bình ga và không đội mũ bảo hiểm vào giờ tan tầm, ông Ngô Châu ở Trung Hòa, (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “Họ quá coi thường tính mạng người đi đường. Ga là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thì trong công tác vận chuyển, kinh doanh cũng hết sức nghiêm ngặt, doanh nghiệp kinh doanh ga phải có quy chuẩn khi vận chuyển ga”. Bà Nguyễn Thị Hoan ở phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), lo lắng: “Có rất nhiều vụ cháy có nguyên nhân từ nổ bình ga hoặc do bình ga bị va đập. Việc vận chuyển ga không đúng quy định sẽ là mối nguy hiểm cho người đi đường, trước hết là bản thân người chở ga”.

Theo phân tích của chuyên gia phòng cháy, chữa cháy, khi vận chuyển bình ga bằng xe máy nếu chẳng may rơi xuống đường sẽ làm bình ga tăng áp suất, vỏ thép ma sát lớn phát sinh lửa và gây cháy nổ. Hơn nữa trong trường hợp bị rơi xuống đường, van áp suất bình ga bị gãy, khí ga lọt ra gặp hệ thống đánh lửa của xe máy gần đó sẽ gây cháy, phát nổ. Chính vì vậy đối với việc vận chuyển ga đã có quy định rất chặt chẽ đó là: Khi vận chuyển bằng ô-tô, phải xếp đứng bình, có các vỏ nhựa ngăn cách giữa các bình để chống va đập; có các thông tin cảnh báo, biển cấm lửa trên thành xe và đặc biệt có đầy đủ phương tiện chữa cháy theo quy định từng loại hình khí hóa lỏng. Điều quan trọng nữa, chiếc xe đó phải được cấp phép chở ga theo luật định và những lái xe phải được tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, sử dụng phương tiện chữa cháy thành thạo. Xe gắn máy (hai bánh) vận chuyển bình ga phải có giá đỡ chắc chắn, bình phải luôn ở vị trí thẳng đứng, van chai hướng lên trên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận chuyển ga thường được chở bằng xe gắn máy và đặt bình nằm ngang. Không những thế, nhiều người còn chở hai đến ba bình trên xe mà không có thiết bị bảo đảm an toàn khi vận chuyển trên phố. Đáng nói, khi được hỏi về quy định trong vận chuyển ga, nhân viên chuyên chở ga của một đại lý cung cấp ga cho biết, không quan tâm tới các quy định trên. Trong trường hợp nhiều người gọi đến, nếu tiện đường thì nhân viên bán hàng có thể chở vài bình ga cùng một lúc. Bởi nếu mỗi lần chỉ chở một bình rồi lại quay về chở bình khác thì sẽ rất mất thời gian.

Thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.000 cửa hàng, cơ sở kinh doanh ga. Theo ước tính trung bình, mỗi cửa hàng có ít nhất hai nhân viên chở ga bằng xe máy. Với việc di chuyển thường xuyên trên đường phố, nếu không tuân thủ quy định nghiêm ngặt về chở ga thì khó có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Chưa kể, do đặc thù kinh doanh mặt hàng này chủ yếu là chạy theo chuyến, tính tiền theo số lượng bình, cho nên người nào cũng muốn chở được nhiều, nhanh. Từ đây, dẫn đến việc cẩu thả trong vận chuyển, buộc giữ hàng hóa, dễ gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác. Trong khi đó, theo lãnh đạo Hiệp hội Ga Việt Nam, mặc dù có nhiều biện pháp ngăn chặn xử lý, song tình trạng sang chiết nạp ga trái phép, làm ga giả, quay vòng bình ga, hoán cải các bình ga cũ thành bình mới để tái sử dụng, cũng khiến nhiều người lo lắng về chất lượng các vỏ bình ga đang lưu thông trên thị trường.

Để bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cháy, nổ, các cửa hàng kinh doanh ga cần tuân thủ nghiêm các quy định về kinh doanh, vận chuyển khí ga. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, các nhà cung cấp, nhất là giữa Cảnh sát giao thông và Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy để hướng dẫn, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm.

“Đáng lo ngại nhất hiện nay là chất lượng của các loại bình chứa ga do sử dụng nhiều lần, chỉ cần va chạm mạnh hoặc vô ý làm rơi là có thể gây xì ga và dẫn đến cháy nổ. Trong khi đó, tình trạng vận chuyển ga bằng xe máy phóng bạt mạng trên phố lại khó xử lý, bởi chưa có quy định xử phạt đối với những hành vi vi phạm này”.
NGUYỄN HẢI ĐĂNG (Công an TP Hà Nội)

“Trên thực tế có rất nhiều vụ cháy có nguyên nhân từ nổ bình ga, hoặc do bình ga bị va đập. Việc vận chuyển ga bằng các phương tiện thô sơ không đúng quy định, rõ ràng là mối nguy hại trước hết cho chính người chở ga và cả những người chung quanh”.
TRẦN VĂN AN (Hiệp hội Ga Việt Nam)

“Để bảo đảm an toàn trong việc vận chuyển, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cháy, nổ, các cửa hàng kinh doanh ga cần tuân thủ nghiêm các quy định về buôn bán, vận chuyển khí ga. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.
NGUYỄN VĂN MINH
(Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)