Quảng Bình cần bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới điện 110 kV

Gần đây, nhiều bạn đọc tại tỉnh Quảng Bình phản ánh, một số cá nhân, doanh nghiệp được các ngành chức năng cấp phép thực hiện hạ cốt nền, san gạt mặt bằng vùng gò đồi lấy đất để làm vật liệu san lấp ở các khu dân cư nhưng đã tận thu quá mức cho phép làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các cột điện cao thế. Việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống lưới điện 110 kV đi qua địa bàn.

Cột điện cao thế tại TP Đồng Hới bị khai thác đất tận thu đến sát gốc.
Cột điện cao thế tại TP Đồng Hới bị khai thác đất tận thu đến sát gốc.

Tổ dân phố 3, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới là vùng gò đồi đất sỏi, nhiều cây bụi, khó canh tác. Vì vậy, một số doanh nghiệp và hộ gia đình được các cơ quan chức năng cho phép hạ cốt nền để cải tạo vườn. Đất sỏi trong quá trình hạ cốt và san gạt nền được dùng để san lấp các công trình, dự án khu dân cư. Lượng đất tận thu này không lớn nhưng trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp, hộ gia đình đã làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường hoặc đào bới sâu, rộng hơn mức cho phép gây ảnh hưởng đến hệ thống cáp thông tin, điện chiếu sáng, nhất là hệ thống lưới điện 110 kV.

Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống lưới điện 110 kV bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình trạng tận thu đất san lấp tập trung ở các phường Bắc Lý, Bắc Nghĩa, khu vực đường tránh TP Đồng Hới. Ở các khu vực này, nhiều vị trí móng cột của hệ thống điện bị đe dọa về an toàn, kỹ thuật khi diện tích đất tiêu chuẩn dưới chân cột bị thu hẹp do việc khai thác đất tận thu quá mức cho phép. Có cột điện cao thế bị đào bới vào sát chân đế, phần đất chung quanh bị lấy đi nhiều, có nguy cơ ngã đổ khi có gió bão hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Một người dân ở phường Bắc Nghĩa cho biết, khi thấy xe máy đào đất tận thu sát chân cột điện cao thế, một số người dân ở gần đó đến trao đổi, phản ứng thì người đại diện đơn vị khai thác đất nói họ được cấp phép và vị trí tận thu đất, cải tạo mặt bằng là đúng quy định. Tuy nhiên, điều mà người dân băn khoăn là trong quá trình tận thu đất ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống điện nhưng chưa thấy đơn vị quản lý đường dây giám sát, nhắc nhở hoặc xử lý nghiêm.

Ông Hoàng Chiến Sinh, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế (Công ty Điện lực Quảng Bình) cho biết, đơn vị hiện quản lý, vận hành tuyến đường dây 110 kV, gồm mạch đơn, mạch kép với chiều dài 318 km đi qua tỉnh Quảng Bình. Từ trạm 220 kV Đồng Hới đến trạm 110 kV Bắc Đồng Hới, đoạn đi qua khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới, đường tránh TP Đồng Hới, có 30 vị trí móng cột bị ảnh hưởng, chủ yếu do việc khai thác đất tận thu. Tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, đơn vị đã có báo cáo, kiến nghị nhưng đến nay cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố vẫn chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, mỗi cột điện của hệ thống lưới điện 110 kV, tùy theo kết cấu, chất liệu (thép,bê-tông) phải bảo đảm diện tích đất dưới chân móng từ 60 m2 đến 80 m2. Tuy nhiên, trong thực tế ở mỗi vị trí móng cột (11, 28, 29 thuộc tuyến 110 kV) trong khu vực tận thu đất đều bị bóc tách đến sát chân công trình làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống của toàn tuyến đường dây này. Vào mùa mưa bão, hệ thống tiếp địa của cột điện bị đứt do nguyên nhân từ các hoạt động tận thu đất san lấp, nếu cột bị sét đánh trúng sẽ làm ảnh hưởng đến các trạm biến áp, không chỉ gây nguy cơ cháy nổ, mất điện cục bộ mà còn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp.

Không chỉ xâm hại sự an toàn của hệ thống lưới điện 110 kV mà việc đầu tư xây dựng dự án khu dân cư ở Quảng Bình cũng ảnh hưởng đến hành lang lưới điện cao thế này. Cụ thể, dự án phát triển quỹ đất tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy có diện tích khoảng 3,8 ha, được triển khai từ năm 2017 đến nay hoàn thành hệ thống hạ tầng và chuẩn bị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Khu dân cư này có vị trí khá đắc địa khi nằm cạnh quốc lộ 9C, tuyến đường huyết mạch nối trung tâm Lệ Thủy với phía tây huyện. Tuy nhiên, một phần dự án có tuyến đường điện cao thế đi qua cho nên tạo tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong khu vực dự án phát triển quỹ đất tại xã Mai Thủy có 1.251 m2 đất giao thông (làm bãi đỗ xe) nằm trong hành lang lưới điện 110 kV. Ông Hoàng Chiến Sinh cho biết, khi triển khai dự án phát triển quỹ đất tại xã Mai Thủy, dù là đơn vị được giao quản lý vận hành lưới điện cao thế 110 kV, tuyến đường dây có vị trí cột đi qua dự án nhưng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế không được mời tham gia để tư vấn về an toàn điện. Trong khi đó, việc sử dụng đất của dự án phải theo quy định của Luật Điện lực và các quy định liên quan về an toàn điện.

Trước sự phản ánh của người dân và dư luận, mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra tình trạng cải tạo mặt bằng, tận thu đất san lấp ảnh hưởng đến công trình lưới điện. UBND thành phố Đồng Hới chỉ đạo kiểm tra thực tế trên các tuyến đường dây 110 kV, 220 kV và 500 kV mạch 1 và mạch 2 qua địa bàn cho thấy, có năm vị trí cột điện bị ảnh hưởng an toàn do quá trình san gạt mặt bằng, tận thu đất san lấp gây ra. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu doanh nghiệp, cá nhân tận thu đất bồi đắp đất vào chân móng cột điện bị khai thác quá mức. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, so với hiện trạng ban đầu thì việc hoàn trả đất tại chân cột điện cao thế làm qua loa, chỉ cần một trận mưa là có thể trôi hết đất, do vậy, vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống lưới điện khi mùa mưa lũ cận kề.

Hệ thống lưới điện 110 kV nói riêng, các lưới điện cao thế nói chung có nhiệm vụ cung cấp điện cho tỉnh Quảng Bình và truyền tải điện năng cho các tỉnh, thành phố khu vực miền trung - Tây Nguyên, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, cần có các biện pháp đồng bộ, hiệu quả để bảo vệ an toàn lưới điện 110 kV vận hành an toàn, liên tục trong mọi tình huống.

Hệ thống lưới điện do Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế quản lý, vận hành nhưng khi xảy ra hiện tượng đào đất làm ảnh hưởng đến móng cột điện, dây tiếp địa, chúng tôi khó xử lý do đơn vị khai thác có giấy phép tận thu đất. Bất cập này xảy ra đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được, gây nhiều khó khăn trong quản lý an toàn lưới điện cao thế.

HOÀNG CHIẾN SINH
Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế (Công ty Điện lực Quảng Bình)