Phát huy hiệu quả của mô hình “Chợ nhân đạo”

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 cùng thiên tai xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Trước bối cảnh đó, cùng với nhiều địa phương, Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam đã triển khai mô hình “Chợ nhân đạo” trong toàn hệ thống Hội. Không chỉ hỗ trợ kịp thời, thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, những phiên chợ này còn mang lại sự ấm áp của những tấm lòng nhân ái.

Người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Yên Đồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) lựa chọn hàng hóa tại Chợ nhân đạo. Ảnh: BÍCH HUỆ
Người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Yên Đồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) lựa chọn hàng hóa tại Chợ nhân đạo. Ảnh: BÍCH HUỆ

Gần hai tháng qua, dịch Covid-19 xuất hiện tại TP Chí Linh và nhanh chóng lan ra toàn tỉnh Hải Dương khiến người dân lo lắng, bất an. Khác với những đợt dịch trước, dịch Covid-19 lần này xuất hiện ngay trong nhà máy, xí nghiệp gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, công nhân, người lao động, người dân... Cũng chính từ đây, nhiều chương trình hỗ trợ, tặng quà, “giải cứu” nông sản cho người dân được các tổ chức thiện nguyện, tổ chức xã hội thực hiện như tiếp thêm nguồn lực để cùng chung sức đẩy lùi Covid-19. Theo Tỉnh đoàn Hải Dương, để góp phần giảm bớt khó khăn cho người nghèo và công nhân lao động, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ đứng ra tổ chức phiên chợ 0 đồng. Phiên chợ được tổ chức trong một ngày và có khoảng 1.000 phiếu đi chợ miễn phí được phát cho những đối tượng như: hộ nghèo, công nhân ở các khu nhà trọ mất việc làm do dịch Covid-19. Với mỗi phiếu, họ được tự do lựa chọn cho mình 10 món đồ theo ý muốn như: rau xanh, cà chua, mắm, muối, dầu ăn, gạo, mì tôm… Không chỉ diễn ra tại các địa phương nơi xuất hiện dịch bệnh, thời gian qua, nhằm đổi mới cách thức trao quà tặng người dân, bảo đảm thiết thực, phù hợp, thuận tiện, Hội CTÐ các tỉnh, thành phố triển khai đồng loạt các hình thức Chợ nhân đạo, hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có người nhiễm chất độc da cam, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTÐ có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương. Tại phiên chợ đặc biệt này, “người mua” và “người bán” sẽ giao dịch với nhau bằng những nụ cười ấm áp tình người, những nụ cười của sự đồng cảm, sự sẻ chia trong dịch bệnh. 

Theo lãnh đạo Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, mặc dù nước ta đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận, trở thành nước có thu nhập trung bình, tuy vậy sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng rõ rệt, đối tượng cần được trợ giúp còn nhiều. Khi xảy ra những sự cố thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng trên diện rộng như dịch Covid-19, vẫn còn nhiều người dân gặp khó khăn trong việc bảo đảm lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu… Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hỗ trợ cộng đồng tự phát của các cá nhân, nhóm thiện nguyện như: ATM gạo, ATM sách, cửa hàng hạnh phúc, siêu thị 0 đồng… Nhưng các mô hình này còn tồn tại một số hạn chế: chỉ hỗ trợ  được một số mặt hàng nhất định, phạm vi hẹp, thời gian ngắn, không xác định rõ nhóm đối tượng hưởng lợi, công tác tổ chức gặp khó khăn do không có sự tham gia, chỉ đạo của chính quyền địa phương… Xuất phát từ thực tế trên, tại “Tháng nhân đạo” năm 2020, trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, Hội CTĐ Việt Nam đã xây dựng và triển khai mô hình Chợ nhân đạo trong toàn hệ thống Hội, ở các huyện, xã của tất cả 63 tỉnh, thành phố. Mô hình này nhằm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh trên cơ sở kết nối nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện cộng đồng, được tổ chức khoa học, có sự chỉ đạo của chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, hỗ trợ đa dạng các mặt hàng cho người dân. Từ 4,5 tỷ đồng do Trung ương Hội hỗ trợ ban đầu, chỉ trong một thời gian ngắn, các cấp Hội CTĐ đã vận động, thu hút hàng trăm doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, cá nhân cùng tham gia trực tiếp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tổ chức được 451 phiên Chợ nhân đạo, cấp 111.294 phiếu mua hàng với tổng trị giá đạt gần 35 tỷ đồng. 

Với những hiệu quả thiết thực của Chợ nhân đạo có thể nhận thấy đây là mô hình bền vững, khắc phục được nhiều nhược điểm của các mô hình hỗ trợ cộng đồng tự phát. Mặt khác , mô hình Chợ nhân đạo khẳng định được giá trị to lớn khi không chỉ hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho người dân mà còn nhân lên tình yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng; phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong các biến cố thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước bằng phương thức xã hội hóa. Mong rằng, Chợ nhân đạo không chỉ xuất hiện khi có thiên tai, dịch bệnh… mà sẽ trở thành những phiên chợ thường xuyên, ngày càng phát huy hiệu quả giúp những người yếu thế trong xã hội bớt nhọc nhằn hơn trên chặng đường mưu sinh..., góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Qua các lần tổ chức, mô hình Chợ nhân đạo đã mang lại niềm vui, sự động viên, khích lệ kịp thời những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cách làm mới trong công tác CTĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tấm lòng nhân ái trong cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

TRẦN THỊ HỒNG AN

Phó Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam

Thông qua mô hình Chợ nhân đạo, nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã sẻ chia bằng hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu. Với ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của mô hình, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ để mở các phiên Chợ nhân đạo sâu rộng trên toàn tỉnh. Qua đó, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ những phiên chợ ấm áp tình người này.

NGUYỄN TRUNG VIỆT

Chủ nhiệm CLB Hoa Xuân, Hà Nội

Những món quà nhận từ Chợ nhân đạo không có giá trị lớn về vật chất, nhưng quý trọng ở chỗ đó chính là tình cảm “tương thân, tương ái”, san sẻ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn trong cuộc sống.

TRẦN ĐĂNG

Hội Cựu chiến binh quận Thanh Xuân, Hà Nội