Nỗi lo nông dân ồ ạt trồng ớt

Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đưa cây ớt chỉ thiên vào trồng trong vụ đông xuân với diện tích không ngừng tăng. Hầu hết sản phẩm được xuất bán tại thị trường thiếu ổn định, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn trồng ớt để tìm “vận may” được giá...

Người dân xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn làm đất để trồng ớt.
Người dân xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn làm đất để trồng ớt.

Những ngày cuối tháng 12, về các xã Nhân Lý, Mai Sao, Quang Lang... (huyện Chi Lăng) trên các cánh đồng lúa vừa gặt xong ở đâu cũng thấy nông dân khẩn trương làm đất trồng cây ớt vụ đông - xuân. Anh Nông Văn Măng, ở thôn Pắc Pù, xã Bắc Thủy, cho biết, vụ ớt năm vừa rồi, gia đình anh trồng hai sào ớt thu về gần 100 triệu đồng, bình quân ớt tươi bán được từ 50 đến 100 nghìn đồng/kg, thấp nhất cũng bán được 20 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Thấy được giá năm nay gia đình anh trồng hơn năm sào ớt, cũng lo vì giá cả bấp bênh.

Anh Hoàng Văn Cao, thôn Hòa Mục (xã Mai Sao) cho biết: Năm nay mọi người ồ ạt trồng ớt vì vụ trước giá tăng vọt. Năm nay, gia đình tôi trồng năm đến sáu nghìn cây (tương đương sáu sào ruộng). Các hộ khác trong thôn, nhà nào cũng trồng từ hai nghìn đến ba nghìn cây, nhà nhiều trồng hơn tám nghìn cây... Biết phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rất rủi ro, nhưng gia đình vẫn trồng gấp đôi so với vụ trước. Chị Trần Thị Viền, ở thôn Pa Dày, xã Quang Lang (huyện Chi Lăng) cho hay: Năm vừa rồi, cây ớt được mùa, trúng giá nên nhiều hộ trong thôn chỉ trồng ba đến bốn sào ớt cũng thu về 100 đến 200 triệu đồng. Gia đình tôi trồng một sào cũng được 50 triệu đồng. Còn năm nay chưa biết thế nào, cứ “mạnh ai nấy trồng”, mặc dù chẳng có ai đến đặt thu mua trước. Khi thu hoạch, thương lái mới đến gom nhưng hiện vẫn cứ trồng được ăn cả ngã về không cũng chịu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lang Nguyễn Văn Thật cho biết: Ớt là loại cây không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc và phân bón, hơn nữa cho thu hoạch kéo dài trong hai tháng với giá trị kinh tế khá cao, cho nên nhiều hộ kiên trì với cây ớt đã có thu nhập khá. Hơn nữa, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên cây cho quả đều, đẹp, dễ bán hơn. Vụ ớt năm nay, diện tích ớt toàn xã ước hơn 50 ha. Hiện, người dân đang tiếp tục làm đất, gieo trồng ớt...

Nhiều địa phương ở các xã: Yên Khoái, Khuất Xá, Ðồng Mục, (huyện Lộc Bình), cũng hối hả làm đất trồng ớt vụ đông xuân. Anh Ðinh Văn Trọng, ở thôn Bản Khoai, Yên Khoái (huyện Lộc Bình) chuyên thu mua ớt quả và bán hạt giống ớt cho người dân trong xã cho hay: Vụ trước tôi chỉ bán được 100 túi hạt giống, nhưng vụ này tôi đã bán được 500 túi. Trung bình một túi giống gieo được khoảng hơn 1.000 cây. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình Lý Quang Ngọc cho biết: Phòng đang thống kê diện tích trồng ớt trong huyện, vụ trước có thời điểm giá khá cao; vụ này nông dân đầu tư vốn, công sức vào trồng loại cây này. Tuy nhiên, huyện khuyến cáo người dân không nên trồng ớt ồ ạt, bởi giá cả bấp bênh, đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tuyên truyền là vậy nhưng người dân vẫn cứ đổ xô vào trồng ớt... Những năm trước, có thời điểm giá ớt xuống thấp chỉ năm đến bảy nghìn đồng/kg, thậm chí có ngày thương lái ngừng thu mua ớt người dân đành để ớt rụng ngoài đồng. Ðó là bài học đắt giá.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoàng Văn Chiều cho biết: Diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh hằng năm dao động từ 800 đến hơn 1.200 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình... Các giống ớt truyền thống trước đây được thay bằng giống ớt cao sản, năng suất bình quân đạt khoảng 300 đến 500 kg/sào. Cây ớt đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng được ngành chức năng khuyến cáo không trồng đại trà.