Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Những thanh niên sống đẹp

Bất chấp nguy hiểm, anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã nhanh trí cứu sống một cháu bé ba tuổi rơi xuống từ tầng 12A tòa nhà chung cư, anh Trần Văn Tròn dũng cảm lao ra biển cứu sống ba học sinh đuối nước, còn anh Lê Thế Duyệt thì lập “ngân hàng máu sống” để cứu người bệnh trong tình trạng nguy cấp. Đó là những hành động cao thượng thể hiện một lối sống đẹp của tuổi trẻ hôm nay, rất đáng ngợi khen và nhân rộng.

Sự việc xảy ra tại một tòa nhà chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào ngày 28-2. Một bé gái ba tuổi bất ngờ bò từ trong nhà, trèo qua lan can, rồi treo mình lơ lửng ở tầng 12A của tòa nhà. Một số người dân phát hiện sự việc đã kêu cứu. Đúng lúc ấy, anh Nguyễn Ngọc Mạnh, sinh năm 1990, trú tại xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội), làm nghề lái xe ta-xi tải đang ở gần đó. Ngay trong khoảnh khắc ấy, anh Mạnh đã nhanh trí leo qua tường rào, trèo lên mái che của sảnh và hứng đỡ được bé kịp thời khi bé rơi từ tầng 12A xuống. Sau đó, người dân và gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu và cháu bé không bị nguy hiểm đến tính mạng. Sự việc kể trên được người dân ghi hình lại, đoạn clip lan truyền nhanh chóng trong sự ngợi khen của nhiều người về hành động cao đẹp của anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Nhưng khi chia sẻ về việc làm này, anh Mạnh lại rất khiêm nhường cho rằng, đó chỉ là một hành động bình thường của một người bình thường, mà bất cứ ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như vậy. “Bây giờ, tôi chỉ mong cháu bé được bình an” - anh Mạnh nói.

Ngày 25-2, bốn em học sinh lớp 6, Trường THCS Lê Ngọc Giá, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) rủ nhau đi tắm ở bãi biển Điện Dương. Trong lúc tắm, không may cả bốn em bị sóng lớn cuốn ra xa. Đang đi dạo trên bờ biển, nghe tiếng kêu thất thanh, phát hiện có người bị đuối nước, anh Trần Văn Tròn, sinh năm 2001, ở khối Hà Quảng Đông, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn đã bất chấp sóng lớn lao ra biển, cứu được ba em đưa vào bờ an toàn, còn một em bị sóng cuốn trôi. Mặc dù đã dũng cảm quên mình cứu được ba em khỏi đuối nước nhưng khi kể về sự việc này, anh Tròn vẫn tỏ ra rất tiếc nuối vì không cứu được cả bốn em.

Anh Lê Thế Duyệt, sinh năm 1988, ở phường Đại Yên, TP Hạ Long (Quảng Ninh), Chủ nhiệm Câu lạc bộ ngân hàng máu sống, ngân hàng tiểu cầu tỉnh Quảng Ninh là một trong những tấm gương điển hình của phong trào hiến máu tình nguyện. Mặc dù là người khiếm thính, làm nhân viên của một khách sạn ở Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng anh Duyệt rất tích cực trong các hoạt động tình nguyện. Trong 5 năm (2015 - 2020), anh đã 18 lần hiến máu tình nguyện, trong đó tám lần trực tiếp hiến máu để cứu người bệnh trong tình trạng nguy cấp. Năm 2015, anh Duyệt thành lập Câu lạc bộ ngân hàng máu sống để giúp những người bệnh cần truyền máu. Ban đầu câu lạc bộ chỉ có năm thành viên, đến nay đã có hơn 100 thành viên và hơn 2.000 cộng tác viên. Các thành viên trong câu lạc bộ đều hoạt động tích cực, luôn sẵn sàng lên đường đi hiến máu khi người bệnh cần, không kể ngày đêm. Trong 5 năm, anh Duyệt cùng các thành viên câu lạc bộ đã vận động hiến được hơn 4.000 đơn vị máu, 3.000 đơn vị tiểu cầu. Thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 hạn chế tập trung đông người, anh cùng các thành viên đã vận động mọi người trực tiếp hiến tại các bệnh viện hơn 1.000 đơn vị máu, kịp thời giúp những bệnh nhân cần máu.   

Những nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của các anh Nguyễn Ngọc Mạnh, Trần Văn Tròn, Lê Thế Duyệt cần được phát huy, nhân rộng trở thành phong trào “thanh niên sống đẹp”, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.

MINH QUỐC (Hà Nội)

----------------------------------

Cứu trợ nông sản không bảo đảm an toàn phòng dịch 

Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương như bắp cải, su hào, cà-rốt, cà chua, ổi... đến thời điểm thu hoạch nhưng bị dồn ứ, không tìm được đầu ra. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhiều đơn vị, cá nhân và nhóm tình nguyện trẻ đang tích cực kêu gọi “giải cứu” nông sản giúp nông dân phần nào vượt qua khó khăn. Đây là những hành động kịp thời và rất đáng trân trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam. 

Tuy nhiên theo phản ánh của bạn đọc, do lượng nông sản tập trung về Hà Nội lớn, nhưng thiếu sự phân bổ và sắp xếp hợp lý, dẫn đến tình trạng nhiều người đổ xô đến để chờ đợi lấy hàng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Qua khảo sát trên một số tuyến đường như  Giải Phóng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Huyên… vài ngày qua, liên tục xuất hiện những điểm giải cứu nông sản đông người. Nhưng chỉ có một số ít điểm của các đơn vị như Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam trên phố Nguyễn Du, các tình nguyện viên được trang bị các thiết bị phòng dịch như khẩu trang, dung dịch khử khuẩn, bao tay, bảo đảm khoảng cách giữa khách hàng. Các điểm còn lại, tuy người dân tập trung khá đông, nhưng chưa thực hiện đúng theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Chị Nguyễn Thu Hà, ở đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), chia sẻ: Từ khi có tin mua nông sản ủng hộ người dân vùng dịch, chúng tôi sẵn sàng chung tay, thậm chí kêu gọi cả người nhà đến mua ủng hộ các mặt hàng rau, quả. Trong lúc khó khăn, cùng giúp nhau trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước”. Tuy nhiên, chị Hà và một số người cũng bày tỏ sự lo lắng, bởi trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn khá phức tạp, việc tập trung đông người là không nên, các tổ chức thiện nguyện nên triển khai kế hoạch hoạt động cụ thể, lựa chọn những điểm mua bán phù hợp hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc người dân Hà Nội tham gia “giải cứu” nông sản hỗ trợ bà con nông dân tại Hải Dương, Hải Phòng là hành động nhân văn, đáng khen ngợi. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để thực hiện mục tiêu “kép” vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, nhưng vẫn thực hiện đúng các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần có phương pháp tổ chức tiêu thụ nông sản vùng dịch bài bản, chuyên nghiệp hơn.  Theo đó, các tổ chức thiện nguyện nên triển khai kế hoạch hoạt động cụ thể, lựa chọn những điểm mua bán phù hợp. Mặt khác, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong việc thu mua, xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh, tránh tình trạng thu gom nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến tình trạng chen chúc đông người, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch của toàn thành phố.

CHUNG MINH (Hà Nội)