Nhiều sai phạm khi khai thác đá

Gần 10 năm qua, 45 hộ dân bản Tân Tường Hợp, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La khổ sở vì sống cạnh mỏ khai thác đá của hai doanh nghiệp Tản Viên và Hồng Long (nay là Minh Đức). Ngoài vi phạm các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản, nghĩa vụ thuế phí, cải tạo phục hồi môi trường thì hai đơn vị này còn khai thác đá, sử dụng vật liệu nổ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất khiến người dân ngày đêm lo lắng.

Gần đây nhất, vào ngày 18-2, Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Tản Viên cho nổ khối thuốc nổ lớn bất thường, gây rung chấn mạnh. Bụi, đất đá phủ trắng mái nhà dân gần đó, làm mọi người nháo nhác, lo sợ. Nhà của bà Lường Thị Hường nằm ngay sát mỏ đá của doanh nghiệp này, cách khoảng hơn 100 m đã bị nứt nhiều vị trí. Bà Hường cho biết, một số vết nứt hằn sâu, chạy ngang tường cầu thang rất mất an toàn.

Theo Trưởng bản Tân Tường Hợp Lường Văn Hoan, năm hộ gia đình có hiện tượng nứt tường nhà, gồm hộ các ông Hà Văn Ninh, Hà Văn Huyện, các bà Lường Thị Hường, Lò Thị Hiến và Trần Lệ Tình. Những gia đình khác không phải nhà xây, mà là nhà sàn gỗ, tuy không có vết nứt, nhưng mái nhà, chuồng lợn, bị đá rơi thủng. Bà con ở bản Tân Tường Hợp không ai không bức xúc về việc hai doanh nghiệp nêu trên nổ mìn khai thác đá nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con đã kiến nghị các cấp, các ngành của xã Mường Cơi và huyện Phù Yên về vấn đề này. Hai doanh nghiệp này có khắc phục bằng cách trước khi nổ mìn có cảnh báo cho dân, liều lượng thuốc nổ cũng ít hơn, nhưng thời gian không lâu sau mọi chuyện đâu lại vào đó.

Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cơi Hà Văn Hoàng cho biết: Việc hai công ty khai thác đá gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nứt nhà dân đã được chính quyền xã nhắc nhở. Tuy nhiên, do thẩm quyền có hạn cho nên tình trạng nêu trên vẫn tái diễn, không có biện pháp xử lý triệt để. Hậu quả là không chỉ người dân bản Tân Tường Hợp, mà hai bản khác cùng một điểm trường của xã Mường Cơi cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và khói bụi.

Được biết, tại mỏ đá Văn Cơi, UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản số 2741/GP-UBND ngày 15-10-2014, thời hạn 6 năm 2 tháng cho Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Tản Viên. Đối với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hồng Long được UBND tỉnh Sơn La cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 633/GP-UBND ngày 22-3-2016, thời hạn khai thác 17 năm 2 tháng (đến tháng 6-2033). Hai công ty này đều đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và nhiều giấy tờ khác. Về thủ tục đầu tư, quy định pháp luật đều đã đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình triển khai hoạt động khai thác đá thì đã để xảy ra một loạt các vi phạm.

Kết luận thanh tra số 459/KL-STNMT ngày 29-6-2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La chỉ rõ: Công ty Hồng Long chưa nộp đầy đủ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hai năm 2017 và 2018; chưa hoàn thành cắm mốc các điểm khép góc khu vực được cấp phép; chưa lập thiết kế bản vẽ thi công; chưa hoàn thành công trình bảo vệ môi trường... Với những sai phạm nêu trên, công ty này chỉ bị phạt hành chính 8 triệu đồng. Đối với Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Tản Viên, công ty không thực hiện quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong quá trình khai thác, sử dụng mà không được cấp phép. Công ty lập báo cáo khai thác khoáng sản năm 2019 gian dối, có nội dung sai lệch số liệu so với thực tế. Về lĩnh vực môi trường, thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường không đầy đủ. Với những lỗi vi phạm này, công ty cũng chỉ bị phạt hành chính 50 triệu đồng.

Trong các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền, điều người dân mong chờ nhất là việc đánh giá tác động tiêu cực từ hoạt động khai thác đá có nhiều sai phạm, gây ảnh hưởng tính mạng, tài sản của người dân nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Trong khi các quyết định xử phạt thiếu tính răn đe, doanh nghiệp lại tiếp tục vi phạm.

Để khắc phục thực trạng này, tỉnh Sơn La vừa thu hồi giấy phép kinh doanh và yêu cầu cả hai doanh nghiệp ngừng hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Văn Cơi. Yêu cầu doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ và giải quyết hậu quả, bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, đồng thời trả lại mặt bằng bảo đảm yêu cầu sản xuất nông nghiệp.