Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Người lính biên phòng được dân tin quý

Ở Ðồn Biên phòng Bát Xát (Lào Cai), chúng tôi gặp Thiếu tá Phạm Công Khanh, khi anh vừa từ thôn San Lùng, cách trung tâm xã Bản Vược 12 km đường rừng, trở về đồn sau chuyến "ba cùng" kéo dài cả tuần với đồng bào dân tộc Dao ở đây, để hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Tốt nghiệp Trường trung cấp Biên phòng (BP) ở tỉnh Bắc Giang, anh Khanh được phân công về công tác tại Ðồn BP Tả Gia Khâu. 24 năm công tác, anh có mặt ở hầu hết các đồn BP nơi khó khăn của tỉnh Lào Cai. Năm 2015, anh Khanh được phân công về Ðội công tác vận động quần chúng ở Ðồn BP Bát Xát, trực tiếp phụ trách xã Bản Vược, với phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, Mông, Giáy… Anh thường xuyên bám nắm địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để cùng tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp đồng bào có cuộc sống tốt hơn.

Ngoài việc tuyên truyền pháp luật về an ninh biên giới, phòng, chống ma túy, bài trừ hủ tục lạc hậu, Thiếu tá Khanh đề xuất với lãnh đạo Ðồn BP Bát Xát nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; mở lớp xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc Dao. Ðược đơn vị giao phụ trách việc xây nhà tình nghĩa do doanh nghiệp và Ðồn BP Bát Xát hỗ trợ kinh phí, cán bộ Khanh cứ ngoài giờ công tác lại lặn lội đến thôn Sơn Hà để chỉ đạo, giám sát nhà thầu, bảo đảm công trình được thi công đúng thời gian và chất lượng. Hôm nhận nhà tình nghĩa, ông Trần Xuân Thịnh xúc động: "Bộ đội biên phòng Khanh đúng là người con của dân bản, làm nhà cho dân như làm cho chính mình".

Ông Thịnh là nạn nhân chất độc da cam, bị lòa hai mắt, đã được ở trong ngôi nhà mới kiên cố, vững chắc. Ở thôn San Bang có gia đình chị Phàn Thị Hằng, một mình nuôi hai con nhỏ, ruộng ít, sức lao động hạn chế cho nên đời sống khó khăn, thiếu thốn. Thiếu tá Khanh đề xuất với Chỉ huy Ðồn quyên góp tiền, vật tư, công sức của cán bộ, chiến sĩ xây bếp, mua tặng lợn giống và cày bừa ruộng giúp. Nhờ vậy, gia đình chị Hằng đã ổn định, đang vươn lên khá hơn.

Ở thôn San Bang, nhiều phụ nữ gọi Thiếu tá Khanh là "thầy giáo", bởi anh đã đem đến cho họ "cái chữ", giúp họ biết đọc thông viết thạo để có thể sử dụng điện thoại, giao tiếp thuận tiện hơn trong làm ăn và sinh hoạt hằng ngày. Thiếu tá Khanh đã phối hợp Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Bát Xát và các nhà trường trên địa bàn, mở hai lớp xóa mù chữ cho 39 học viên ở thôn San Bang và thôn Km 4. Thiếu tá Khanh được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Ðào tạo tặng Bằng khen về thành tích xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.