Ngăn chặn tình trạng mua bán, cưỡng bức nam giới lao động

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay nạn nhân của tội phạm mua bán người (MBN) không chỉ là trẻ em, phụ nữ,… mà còn có cả nam giới ở độ tuổi 18 đến 25. Các đối tượng MBN thường chọn những nam thanh niên khỏe mạnh để bán sang nước ngoài lấy nội tạng và lao động cưỡng bức trong các hầm mỏ, nhà máy gạch; hoặc lừa gạt, cưỡng ép, bán cho các chủ tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Số nạn nhân được phát hiện, giải cứu tuy chưa nhiều nhưng cũng là "hồi chuông" báo động về tình trạng mua bán nam giới (MBNG).

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh kiểm soát công tác xuất, nhập cảnh phòng, chống mua bán người tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: MINH THẮNG
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh kiểm soát công tác xuất, nhập cảnh phòng, chống mua bán người tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: MINH THẮNG

Nhớ lại vụ án MBN mà nạn nhân là những nam thanh niên làm việc trên tàu cá KG 1908 TS do các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau giải cứu, Ðại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng, chống MBN (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BÐBP) chia sẻ: Khi đó, các đồng đội của chúng tôi được một thuyền viên, trú tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) thông báo: Trên tàu cá KG 1908 TS (hoạt động ở vùng biển Cà Mau), có nhiều nam thanh niên bị lừa bán làm lao động cưỡng bức. Xác định vụ việc có dấu hiệu MBN, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, xác minh thông tin. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ trinh sát của BÐBP tỉnh phối hợp Ðồn biên phòng Sông Ðốc đã xác định được vị trí hoạt động của tàu cá, giải cứu tám nam giới làm lao động cưỡng bức trên tàu. Bốn đối tượng được xác định trực tiếp tham gia môi giới, lừa bán những người này cho chủ tàu KG 1908 TS là Danh Tuấn, Nguyễn Tấn Phước và Nguyễn Văn Tập cùng ở tỉnh Kiên Giang; Hồ Thị Hiệp, ở tỉnh Cà Mau.

Trước đó, tại TP Ðà Nẵng, các cán bộ, chiến sĩ BÐBP Ðà Nẵng phối hợp Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm để truy tìm vị trí tàu cá BV-5969 TS thì nhận được thông tin cầu cứu của ông Huy Tâm, ở tỉnh An Giang. Ông Tâm đề nghị các cơ quan chức năng giải cứu bốn ngư dân bị cưỡng ép đưa xuống tàu cá BV-5969 TS để bóc lột sức lao động, không trả tiền công. Tàu cá này thường neo đậu tại khu vực công trình đá 15, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang. Sau khi tiếp nhận thông tin, xác định chính xác vị trí tàu cá nêu trên, các cán bộ BÐBP đã phong tỏa khu vực. Bước đầu xác định tàu đánh cá này do ông Trần Thế Tây, trú tại huyện Hòn Ðất (Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Sau khi làm việc với các nạn nhân và thuyền trưởng Trần Thế Tây, các cán bộ BÐBP đã xác định Trần Văn Vũ, Nguyễn Ngọc Trung, cùng ở TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) là hai đối tượng đã dụ dỗ, lừa bán các nạn nhân này. Qua xác minh và củng cố hồ sơ vụ việc, các đơn vị đã tiến hành bắt khẩn cấp hai đối tượng nêu trên về hành vi MBN. Ðây là hai trong nhiều chuyên án MBNG đã được BÐBP các địa phương phối hợp các cơ quan chức năng triệt phá thành công, xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu, hiện nay tình trạng MBNG diễn biến phức tạp và tồn tại dưới hình thức bán người sang nước ngoài để lấy nội tạng hoặc lao động cưỡng bức trong các hầm mỏ, nhà máy gạch. Có trường hợp bị lừa gạt, cưỡng ép, bán xuống các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Ðể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường xây dựng hệ thống "chân rết", rà soát, tiếp cận những nam thanh niên là sinh viên nghèo, không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn… Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các mạng xã hội Zalo, Facebook, Webchat… để dụ dỗ, đưa các nạn nhân vượt biên sang Trung Quốc, sau đó bán vào các hầm mỏ làm lao động cưỡng bức; lấy nội tạng, chủ yếu là thận và bán với giá khoảng 35 triệu đồng/quả. Trong khi những người cần thay thận phải mua lại với giá khoảng 500 triệu đồng/quả.

Ở trong nước, các nạn nhân là nam giới bị bán xuống tàu đánh cá xa bờ nhằm mục đích cưỡng bức, bóc lột sức lao động thường là các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, sống ở các vùng nông thôn Long An, Sóc Trăng, Bến Tre... Ðể dụ dỗ thành công các nạn nhân, những đối tượng MBN thường dùng "chiêu trò" xin giúp việc làm nhàn hạ với mức lương 15 đến 18 triệu đồng/tháng. Một số đối tượng còn bố trí "đàn em" ở các bến xe của TP Hồ Chí Minh để tiếp cận các thanh niên lên thành phố tìm việc làm. Sau đó dụ dỗ, lừa gạt với danh nghĩa đại diện các công ty tuyển dụng công nhân phân loại, chế biến hải sản... Khi nạn nhân không đồng ý thì chúng thực hiện hành vi thu giấy tờ tùy thân, quản thúc; đánh đập, đe dọa, tính tiền ăn, tiền ở với giá "cắt cổ" rồi bắt nạn nhân ký giấy vay nợ, điền các thông tin cá nhân vào lý lịch thuyền viên, viết đơn tự nguyện đi biển. Các nạn nhân sau khi được đưa xuống tàu đánh cá thường bị lao động cưỡng bức, đánh đập và không trả tiền công. Những đối tượng cầm đầu các đường dây này rất ít khi xuất hiện, mọi công việc như quản thúc số người mới tuyển mộ; tìm đầu mối để bán người cho các chủ tàu cá; "ứng tiền công" và bắt các nạn nhân viết giấy vay nợ,... thường được phân công cụ thể cho từng đàn em thân tín. Qua mỗi khâu môi giới, các đối tượng đàn em được nhận tiền môi giới từ 300 đến 500 nghìn đồng/lao động. Trong khi các đối tượng cầm đầu đường dây sẽ được chủ tàu cá trả công môi giới từ 15 đến 20 triệu đồng/lao động.

Phó Cục trưởng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Ðại tá Phan Thăng Long cho biết, việc đấu tranh với loại tội phạm MBNG thường gặp phải một số khó khăn, hạn chế như hành vi MBNG, bóc lột sức lao động, lấy nội tạng, nhất là giai đoạn tuyển mộ được các đối tượng che giấu bởi các hình thức hợp pháp như đi lao động trên biển hoặc sang bên kia biên giới làm ăn, du lịch,… gây khó khăn khi thu thập chứng cứ. Việc điều tra tội phạm MBNG thường phát hiện khi tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Nhiều trường hợp nạn nhân chết hoặc mất tích cho nên việc thu thập chứng cứ phạm tội rất khó nếu đối tượng không thừa nhận. Bên cạnh đó, đối với những vụ án MBN có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân hoặc nạn nhân chưa tố giác thì việc phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hầu như không được thực hiện.

Để phòng chống có hiệu quả loại tội phạm này, lãnh đạo Bộ Tư lệnh BÐBP đã chỉ đạo lực lượng BÐBP các địa phương tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện có chiều sâu các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, chú trọng nắm chắc tình hình tội phạm MBN ở nội, ngoại biên. Tổ chức điều tra xác minh, làm rõ các đường dây, đối tượng nghi vấn hoạt động MBNG, tập trung vào các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, An Giang,… Không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ BÐBP, các lực lượng và toàn dân về công tác phòng, chống MBN nói chung, phòng, chống MBNG nói riêng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN đối với nhóm người là nam giới từ 18 đến 25 tuổi ở các vùng nông thôn. Khẩn trương điều tra các công ty, văn phòng môi giới lao động có biểu hiện MBNG. Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền ra vào cảng, cửa sông, cửa lạch hoặc neo đậu tại khu vực biên giới biển; kịp thời phát hiện những thuyền viên không có hợp đồng lao động để đấu tranh, xử lý với chủ sử dụng lao động. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các tổ chức chính trị xã hội trong nước, lực lượng bảo vệ biên giới của nước láng giềng, chủ động trao đổi thông tin, điều tra, xử lý tội phạm và giải cứu nạn nhân.

Năm 2018 và chín tháng đầu năm 2019, lực lượng BÐBP các tỉnh, thành phố đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống MBN được 1.285 buổi với hơn 89.650 lượt người tham gia, cấp phát hơn 90.000 tờ rơi về phòng, chống MBN; xác lập mới 32 chuyên án; đã đấu tranh thành công 29 chuyên án; phát hiện, xử lý 91 vụ, bắt giữ 62 đối tượng; khởi tố 35 vụ án; trực tiếp giải cứu, phối hợp giải cứu, tiếp nhận 204 nạn nhân, trong đó có cả trẻ sơ sinh và nam giới.

(Nguồn: Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm)