Ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới

Theo bạn đọc phản ánh, thời gian trong và sau Tết Nguyên đán 2021, tình trạng buôn lậu hàng hóa gia tăng do lợi nhuận rất cao, không phải nộp các loại thuế theo quy định,… Ngoài ra, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn tăng cao, nhất là thị trường bán hàng trực tuyến.

Tổ công tác lưu động của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Bộ đội Biên phòng Bình Phước tuần tra, kiểm soát biên giới.
Tổ công tác lưu động của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Bộ đội Biên phòng Bình Phước tuần tra, kiểm soát biên giới.

Ðể phòng, chống tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới, các lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường,… các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, hiệu quả.

Vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chủ trì phối hợp Bộ đội Biên phòng (BÐBP) TP Ðà Nẵng kiểm tra hai công-ten-nơ hàng hóa nhập khẩu tại cảng Tiên Sa đã thông quan, đang vận chuyển đi tiêu thụ. Kiểm tra thực tế, xác định tất cả số hàng trong công-ten-nơ đều mang nhãn mác nước ngoài, không đúng với tờ khai hải quan. Ước tính tổng giá trị lô hàng hơn 20 tỷ đồng. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, các cán bộ Cục Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp các lực lượng chức năng khám xét 97 ô-tô BKS Trung Quốc chở hàng hóa nhập khẩu tập kết tại khu cách ly Cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai). Toàn bộ số hàng hóa này được tập kết quá thời gian quy định nhưng chủ hàng không đến nhận và làm thủ tục nhập cảnh phương tiện, nhập khẩu hàng hóa. Tổng trọng lượng hàng hóa khoảng 2.500 tấn, trong đó có nhiều hàng cấm và hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, giả nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Qua tìm hiểu, hằng năm vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tình trạng buôn lậu hàng hóa tại các tuyến biên giới diễn ra rất phức tạp. Do lợi nhuận từ "miếng bánh ngọt" này rất lớn… cho nên các đối tượng thường tranh thủ mọi nơi và mọi thời điểm để buôn lậu hàng hóa. Ðể đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại (BL, GLTM) thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Nếu trước đây các đối tượng lợi dụng đường mòn, lối mở biên giới để mang vác hàng hóa trái phép thì nay đã chuyển sang buôn lậu với hình thức nhập khẩu qua cửa khẩu, cảng biển để gian lận về số lượng, chủng loại hàng hóa; cất giấu hàng hóa trong các công-ten-nơ để nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam. Sử dụng CMND, hộ chiếu… trôi nổi, thất lạc của người khác để thành lập nhiều doanh nghiệp nhằm mục đích buôn lậu. Sau một thời gian hoạt động, doanh nghiệp sẽ ra thông báo phá sản để trốn tránh nghĩa vụ thuế hoặc trách nhiệm pháp lý. Bên cạnh đó, các đối tượng đứng đầu các doanh nghiệp "ma" còn lợi dụng chính sách quản lý rủi ro trong quản lý thuế được quy định tại Ðiều 9 Luật Quản lý thuế năm 2019; Ðiều 17 Luật Hải quan năm 2014. Triệt để lợi dụng chính sách thông thoáng trong làm thủ tục nhập khẩu, thông quan hàng hóa được quy định tại khoản 2, Ðiều 40 Luật Hải quan năm 2014 để khai báo sai về số lượng, chủng loại hàng hóa và các hàng hóa có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, giả nhãn mác...

 Ðể được hưởng quy chế phân "luồng xanh" hải quan, các đối tượng đã tích cực xây dựng uy tín doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thông qua hoạt động chấp hành quy định khai báo thuế định kỳ; không đăng ký in, phát hành hoặc mua bán hóa đơn của cơ quan thuế,… Khi bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm thì doanh nghiệp đã ngừng hoạt động. Tinh vi hơn, một số đối tượng buôn lậu còn tổ chức thu gom than, khoáng sản được khai thác trái phép, không rõ nguồn gốc, sau đó hợp thức hồ sơ vận chuyển tiêu thụ; "quay vòng" hóa đơn; sử dụng các xe ô-tô gắn BKS giả trùng với các xe BKS thật để vận chuyển hàng lậu. Móc nối với các đối tượng người nước ngoài mua bán xăng dầu trên biển; vận chuyển trái phép gỗ qua biên giới; lợi dụng giấy phép tận thu gỗ để hợp thức gỗ khai thác trái phép, gỗ nhập lậu. Sản xuất bao bì, nhãn mác giả, sản phẩm giả tại nước ngoài gắn thương hiệu các công ty có uy tín của Việt Nam rồi nhập lậu vào nội địa tiêu thụ.

Trao đổi với Ðại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, chúng tôi được biết, để công tác đấu tranh phòng, chống BL, GLTM đạt hiệu quả, nhất là trong và sau Tết Nguyên đán 2021, Bộ Tư lệnh BÐBP đã tập trung chỉ đạo lực lượng BÐBP các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, vùng biển, nhất là các khu vực cửa khẩu, đường mòn, khu vực có địa bàn ngoại biên tập kết hàng hóa gần biên giới. Gắn chặt với việc nâng cao chất lượng nắm tình hình, dự báo sát về hoạt động buôn lậu để xây dựng các phương án, kế hoạch tuần tra kiểm soát, mật phục, đấu tranh hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc địa bàn, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp, người làm thuê để xác lập chuyên án, vụ án. Trong đó, tập trung đấu tranh, bóc gỡ, triệt phá các đường dây, tổ chức, đối tượng buôn lậu các nhóm mặt hàng trọng yếu như xăng, dầu, than, khoáng sản, gỗ, đường, thuốc lá, pháo và các loại hàng giả. Tham mưu cho UBND các cấp thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới. Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu. Phối hợp hiệu quả với lực lượng chức năng để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở địa bàn biên giới.

Ðề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành đấu tranh chống buôn lậu. Giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo pháp luật và kỷ luật quân đội.

HỒNG THỌ và TOÀN HIẾU

Ðể thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống BL, GLTM và hàng giả, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Bình đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các hàng hóa thực phẩm, thuốc lá, xăng dầu, vật tư nông nghiệp,… Tiếp tục gắn công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ngăn ngừa vi phạm pháp luật về thương mại. Nâng cao hiệu quả, vai trò của truyền thông cơ sở trong công tác tuyên truyền đấu tranh chống các vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, GLTM. Thường xuyên tham mưu giúp UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch đấu tranh chống BL, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh…

BÙI VĂN ÐIỀN, Phó Cục trưởng QLTT tỉnh Ninh Bình

Tùy theo số lượng, giá trị của số hàng hóa được mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép qua biên giới mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 128/2020/NÐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ; Nghị định số 98/2020/NÐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ. Nếu hành vi vi phạm đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ Ðiều 188, Ðiều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý theo quy định.

Luật sư VŨ ÐÌNH QUÝ(Ðoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh)