Linh hoạt, đồng bộ trong giới thiệu việc làm cho người lao động

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, kéo theo hàng triệu lao động mất việc làm, ảnh hưởng đời sống, kinh tế - xã hội. Để gỡ khó cho thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp linh hoạt, đồng bộ trong việc kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Tìm việc qua sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.Ảnh: THU HẰNG
Tìm việc qua sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.Ảnh: THU HẰNG

Đang làm nhân viên công ty chuyên về hoạt động trong lĩnh vực điện tử tại Hà Nội, chị Trần Thị Minh, quê ở Vũ Thư (Thái Bình), không thể ngờ mình rơi vào tình cảnh thất nghiệp nhanh đến vậy. Chị Minh cho biết: “Tôi và hơn 100 lao động khác vừa mất việc làm tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ở Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Sau Tết Nguyên đán, do khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa nên công ty cho nhân viên nghỉ luân phiên. Thu nhập của tôi trước đây tám triệu đồng/tháng, giảm xuống còn hơn ba triệu đồng, với mức thu nhập này không thể trang trải tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống… Đến đầu tháng 3, tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp, công ty tiếp tục thông báo cho nghỉ vô thời hạn, chưa biết bao giờ đi làm lại. Để tồn tại ở Hà Nội, tôi chỉ còn cách đi tìm việc khác”. Trường hợp của anh Trần Văn Huy, nhân viên kế toán của một công ty du lịch ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), sau khi bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Huy đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Tại đây, anh Huy được tư vấn đăng ký tuyển dụng việc làm qua mạng (online) và ngay sau đó, anh đã tìm được công việc mới. “Tôi không nghĩ mình lại được tuyển dụng ở thời điểm này. Có thể do người lao động ít đi tìm việc, nên tôi lại thành người may mắn. Khi phỏng vấn online, tôi có thể kết nối, lựa chọn nhiều công việc cùng một lúc, để có thể tìm được nơi phù hợp nhất. Trong mùa dịch Covid-19, so với tìm việc trực tiếp, tìm việc online giúp hạn chế đến chỗ đông người, tiếp xúc với nhiều người, tránh được rủi ro lây dịch bệnh”, anh Huy chia sẻ.

Theo lãnh đạo Trung tâm DVVL Hà Nội, dịch Covid-19 đã tác động rất nhiều đến thị trường lao động. Tính đến cuối tháng 3-2020, toàn TP Hà Nội có khoảng 40% số doanh nghiệp, trong tổng số hơn 240.000 doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động; hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm. Những ngành, nghề chịu tác động nhiều nhất là du lịch, dịch vụ, nhà hàng - khách sạn, vận tải, may mặc… Người lao động bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm tập trung ở nhóm lao động thời vụ, lao động phổ thông, trình độ chuyên môn, tay nghề thấp. Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị, doanh nghiệp cắt giảm nguồn lực lao động thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động. Do vậy, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay, Trung tâm DVVL Hà Nội đã chủ động phối hợp các đơn vị, địa phương tiến hành thu thập thông tin, triển khai bằng hình thức kết nối online giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp người lao động không phải đi lại, di chuyển nhiều trong quá trình tìm việc. Đối tượng tuyển dụng tập trung chủ yếu trong các ngành nghề: kinh doanh, cơ khí điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật… Để người lao động tiếp cận được thông tin về các phiên giao dịch việc làm, trung tâm đã gửi tin nhắn đến hàng nghìn người lao động các thông tin về tuyển dụng tại các phiên định kỳ thứ ba, thứ năm hằng tuần, phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lưu động. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin truyền thông về Sàn giao dịch việc làm qua mạng xã hội Facebook và các fanpage, group…

Thời gian qua, không chỉ ở Hà Nội, hệ thống các trung tâm DVVL ở nhiều địa phương trên cả nước cũng đã đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, chú trọng tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động, chủ yếu là thanh niên tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp. Tại tỉnh Bắc Ninh, một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp và số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao trong cả nước, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động ngày một lớn. Do dịch Covid-19, thị trường lao động, việc làm sau Tết Nguyên đán bị ảnh hưởng rõ rệt. Để thích ứng với hoàn cảnh, Trung tâm DVVL tỉnh đã và đang từng bước thay đổi cách thức hoạt động, nhằm bảo đảm vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Nếu như trước đây, công tác giới thiệu việc làm được trung tâm thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức sàn giao dịch tập trung vào thứ năm hằng tuần, mở các sàn lưu động tại nhiều huyện, thị xã, cơ sở đào tạo nghề… thì từ khi xuất hiện dịch Covid-19, đơn vị này đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giới thiệu việc làm qua website, phỏng vấn online. Đây là hình thức giới thiệu việc làm đơn giản, nhưng kết quả đạt được khá tích cực. Cách thức hoạt động được diễn ra theo hai chiều, có sự tương tác qua lại giữa doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng để đăng tải trên website của Trung tâm DVVL, đồng thời cắt cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ. Còn về phía người lao động, chỉ cần có kết nối in-tơ-nét như máy tính hoặc điện thoại… là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với các hình thức giới thiệu việc làm cho người lao động được triển khai nêu trên, số lao động tìm kiếm việc làm cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua hệ thống các trung tâm DVVL đều tăng, cho thấy hiệu quả hoạt động DVVL ngày càng phát huy vai trò của mình trong việc kết nối cung cầu lao động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở mỗi địa phương. Thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm, các trung tâm đã tạo môi trường thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động gặp nhau. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá chung, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện nay chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước. Mặt khác, hoạt động của các trung tâm DVVL còn thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết trở thành một hệ thống kết nối trên phạm vi toàn quốc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động DVVL còn hạn chế; tần suất, phạm vi các hoạt động giao dịch việc làm chủ yếu ở khu vực thành phố và các khu vực có đông người lao động.

Để tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động trong lúc đang bị giãn việc, ngừng việc... do dịch Covid-19, các trung tâm DVVL cần tiếp tục đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động, việc làm; phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng như: Cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, các phương tiện thông tin đại chúng... nhằm phục vụ các giao dịch việc làm thuận lợi, tạo cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao hiệu quả hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn thành phố tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động tra cứu, kết nối thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động đã được thu thập, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động.

Để hỗ trợ người lao động tiếp cận với thông tin tuyển dụng chính thức của các doanh nghiệp dễ dàng, bảo đảm thống nhất và linh hoạt về thị trường lao động, các trung tâm DVVL cần thường xuyên kết nối với doanh nghiệp nắm bắt thông tin về vị trí việc làm cần tuyển dụng và cập nhật liên tục thông tin trên website, trang fanpage chính thức và niêm yết tại bảng tin của trung tâm. Từ đó, giúp người lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm trước yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

“Các trung tâm DVVL ở địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại sàn giao dịch việc làm để các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động có thể chủ động đăng ký thông tin tuyển dụng, ứng tuyển qua hệ thống in-tơ-nét, giảm mức thấp nhất thời gian, chi phí đi lại. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn, các tổ chức đoàn thể tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối đầu ra cho lao động sau đào tạo”.

NGUYỄN CẨM GIANG Giám đốc Công ty TNHH Da giày Hà My