Khai thác đá làm ảnh hưởng cuộc sống người dân

Nhiều năm qua, các hộ dân ở thôn 8, xã Hồng Thái Tây, thị xã Ðông Triều (Quảng Ninh) khốn khổ vì nạn khai thác, vận chuyển đá của Công ty TNHH Ngọc Thắng (Công ty Ngọc Thắng) ở núi Chũng. Không chỉ đoạn đường bê-tông liên thôn bị xe tải trọng lớn quần nát mà còn hàng chục ao nuôi cá, tôm bị ảnh hưởng; hàng chục ngôi nhà bị "đá bay, bụi phủ" và có nguy cơ bị vùi lấp bất cứ lúc nào.

Những ngôi nhà có nguy cơ bị vùi lấp ở mỏ đá núi Chũng.
Những ngôi nhà có nguy cơ bị vùi lấp ở mỏ đá núi Chũng.

Nổ mìn bất chấp quy định an toàn

Từ quốc lộ 18, dò dẫm trên con đường bê-tông liên thôn đen ngòm, lỗ chỗ ổ gà, ổ voi khoảng 5 km, chúng tôi mới đến được khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản của thị xã Ðông Triều tại thôn 8, xã Hồng Thái Tây. Trước mắt chúng tôi, nhiều ngôi nhà kiên cố lẫn nhà tạm xen lẫn giữa hơn chục héc-ta ao nuôi tôm, cá gần khoảnh núi rải đầy đá mồ côi to nhỏ đủ loại từ đỉnh núi xuống sát bờ ao. Ðây là các hộ dân và diện tích nuôi trồng thủy sản nằm trong phạm vi 300 m trở lại, tức là nằm trong phạm vi nguy hiểm không được phép nổ mìn.

Hàng chục năm nay, các hộ dân nơi đây đã gửi đơn đến nhiều cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh kiến nghị dừng việc nổ mìn khai thác đá núi Chũng làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như an toàn của họ. Cho dù chính quyền cũng như các cấp ngành của địa phương đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra; lập nhiều đội giám sát; báo cáo nhiều lần tới các cấp cao hơn, nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Cung cấp cho chúng tôi những đoạn phim ghi lại cảnh nổ mìn phá đá của doanh nghiệp trong các ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay, bà Hoàng Thị Mằn phản ánh: "Họ (doanh nghiệp) đục ruỗng bên phía nam núi rồi, bây giờ họ khai thác dần sang phía bắc, gần với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Mỗi lần nổ mìn là đá bay, đá lăn xuống ao và nhà của chúng tôi; cá tôm cứ nhảy vọt lên mặt nước rồi chết hàng loạt".

Ông Nguyễn Văn Ảnh, ở thôn 8 cho biết: "Dựa vào những kiến thức từ ngày còn làm thợ mỏ, tôi thấy doanh nghiệp xây dựng phương án nổ mìn, khoan lỗ để kích nổ lượng thuốc nổ tối đa 300 kg/lần là quá lớn, tạo rung chấn rất mạnh. Trong phạm vi dưới 300 m, có nhà bị nứt, vỡ ngói, hầu hết ao cá đều phải dừng sản xuất. Cán bộ kiểm tra, giám sát lúc đó có mặt đâu mà biết, chỉ người dân chúng tôi là chịu hậu quả thôi".

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Tây, khu vực thôn 8 trước năm 2003 là đất trồng lúa. Sau đó, vì không hiệu quả cho nên được quy hoạch làm khu nuôi trồng thủy sản. Năm 2003, Công ty Ngọc Thắng được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép đầu tư dự án khai thác khoáng sản ở mỏ đá núi Chũng giáp với khu nuôi trồng thủy sản này. Từ đó đến nay, khúc mắc giữa doanh nghiệp và người dân xảy ra liên tục nhưng các biện pháp giải quyết đều chưa hiệu quả. Cũng theo ông Tâm, các hộ dân ở khu nuôi thủy sản được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được xây dựng nhà kiên cố mà chỉ được phép dựng nhà, lán tạm để phục vụ sản xuất. Về nguyên tắc, khu vực này không phải là khu dân cư, không có dân cư sinh sống.

Thực tế, trong số 27 hộ nằm trong phạm vi nguy hiểm, có chín hộ xây dựng nhà kiên cố, ăn ở và sinh hoạt như một hộ gia đình. Các hộ còn lại đều làm nhà tạm cấp bốn và thường xuyên có người ở trông coi sản xuất. Vì vậy, mặc dù không phải khu dân cư, nhưng đây là nơi có người ở, có nhà cửa và phương tiện sản xuất. Việc nổ mìn phá núi cần phải bảo đảm các quy định an toàn.

Cần xem lại phương án khai thác mỏ đá núi Chũng

Mỏ đá núi Chũng được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định giao cho Công ty Ngọc Thắng tổ chức khai thác từ năm 2003 đến năm 2013 và tiếp tục được gia hạn đến năm 2022. Theo đánh giá ban đầu, mỏ đá núi Chũng cách khu dân cư từ 400 m đến 500 m trở lên cho nên không ảnh hưởng đến các hộ dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng "bỏ quên" 27 hộ có nhà và diện tích sản xuất trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương. Thời kỳ đầu, do doanh nghiệp tổ chức khai thác ở phía nam cho nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Những năm gần đây, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng khai thác sang phía bắc với công suất và cường độ cao, nhất là sau khi Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1745/GP-SCT ngày 25-6-2018 cho phép Công ty Ngọc Thắng sử dụng vật liệu nổ để phá núi.

Ðiều đáng nói là Quyết định số 1745/GP-SCT lại có ngay sau khi Kết luận thanh tra số 3506/KL-TNMT ngày 20-6-2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty Ngọc Thắng. Cụ thể là: Trong phạm vi đất được thuê còn tồn tại một lò nung vôi thủ công trái quy hoạch và mục đích sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường; chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất không được cấp thẩm quyền cho phép; khai thác không đúng trình tự, hệ thống theo thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; chưa thực hiện cắm mốc điểm khai thác; chưa đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ; chưa đăng ký kế hoạch khai thác; bản vẽ mặt cắt hiện trạng khai thác không đúng quy định, không đủ cơ sở bảo đảm độ chính xác đối với số liệu thống kê, kiểm kê trữ lượng. Ngoài ra, Công ty Ngọc Thắng cũng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về kho chứa, phân loại chất thải nguy hại; thiếu một số vị trí quan trắc môi trường; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hết hạn…

Theo kiến nghị của người dân và kiểm tra thực địa, UBND thị xã Ðông Triều đã có Văn bản số 199/UBND ngày 1-8-2018, trong đó khẳng định có 27 hộ dân đang sống và sản xuất trong phạm vi khai thác an toàn dưới 300 m. Ðồng thời, văn bản cũng yêu cầu Công ty Ngọc Thắng: Dừng việc khai thác đá, cắt phần ngọn núi khu vực khai thác (50 m tính từ đỉnh xuống); nghiên cứu phương án khai thác hợp lý, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; xem xét đền bù thiệt hại do hoạt động khai thác; thực hiện khai thác đúng quy định; thực hiện nghiêm các nội dung giấy phép sử dụng vật liệu nổ: Thời gian, có thông báo, cử cán bộ giám sát cảnh báo…

Ngày 20-2-2019, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản báo cáo kết quả thanh tra quá trình khai thác đá mỏ núi Chũng. Vào thời điểm đó, báo cáo cho biết, trong số 27 hộ vẫn có sáu hộ dân nằm trong phạm vi không an toàn theo phương án nổ mìn do Công ty Ngọc Thắng xây dựng và thực hiện. Theo đó, một số sai phạm nêu tại Kết luận số 3506/KL-TNMT đã được Công ty Ngọc Thắng khắc phục. Thế nhưng, khi tất cả những yêu cầu tại Văn bản số 199/UBND của thị xã Ðông Triều còn chưa thực hiện xong thì Sở Công thương Quảng Ninh lại ban hành tiếp Văn bản số 2519/QÐ-SCT ngày 30-9-2019, điều chỉnh nội dung giấy phép sử dụng vật liệu nổ ban hành trước đó. Theo văn bản này, khối lượng thuốc nổ Công ty Ngọc Thắng được sử dụng để phá núi được nâng gấp hơn ba lần, từ tối đa 90 kg/lần lên 300 kg/lần kích nổ.

Với khối lượng thuốc nổ này, mỗi lần kích nổ thì rung chấn lan xa hàng trăm mét, bụi đá bay, đá lăn trong phạm vi 300 m là không tránh khỏi. "Họ nổ mìn mà ngồi trong nhà là ù tai, cốc chén cứ rung bần bật. Ao nhà tôi cách chân núi hơn 100 m mà cá thi nhau nhảy lên khỏi mặt nước", ông Hoàng Văn Ðích nhớ lại. Từ thời điểm đó đến nay, các hộ dân ở đây cũng không thể nhớ hết Công ty Ngọc Thắng đã nổ mìn bao nhiêu lần.

Ðề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh và thị xã Ðông Triều nhanh chóng vào cuộc để xác minh, làm rõ bất cập trong việc cấp phép, quản lý, giám sát Công ty Ngọc Thắng khai thác đá tại núi Chũng. Ðồng thời, sớm có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân.