Hiểm họa từ thả diều thiếu ý thức

Tại nhiều vùng quê ở tỉnh Thái Nguyên, trước đây việc thả diều là trò chơi tao nhã vào mùa hè, trong khoảng thời gian từ cuối giờ chiều đến tám, chín giờ tối. Thế nhưng vài ba năm trở lại đây, nhiều thanh niên đua nhau thả diều suốt ngày đêm, tất cả các mùa trong năm, gây ra những hiểm họa, bức xúc xã hội.

Tai nạn giao thông
 
 Trước đây, mỗi khi mùa hè đến, tại nhiều làng quê thuần nông ở các huyện Phú Bình, Đại Từ, huyện Phổ Yên (nay là thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) xuất hiện tiếng sáo diều vi vu, lảnh lót, tao nhã, trò chơi thanh cao từ chiều tà đến tám, chín giờ tối của một vài cao niên trong làng xã. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều làng quê không còn yên ả bởi những chiếc diều lớn, đeo những chiếc sáo to cỡ bụng chân, tiếng kêu như bầy ong vỡ tổ.
 
 Về các xóm Kha Nhi, Hòa Bình, Trại Điện thuộc xã Kha Sơn (Phú Bình) có thể thấy mỗi xóm có hàng chục chiếc diều lớn nhỏ bay lượn trên không trung, tiếng sáo lớn nhỏ kêu nhức óc từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, làm người già mất ngủ, học sinh phân tâm khi học bài. Khi hết gió hoặc gặp mưa, tất cả các diều lần lượt rơi xuống, dây diều dài, dai, chắc vắt qua đường bê-tông liên xóm, liên xã, ngang tầm người đi xe máy nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn dây diều quấn cổ, vướng vào người, vào xe máy gây tai nạn, nhẹ thì trầy da sứt trán, nặng thì gãy trẹo chân tay phải đi bệnh viện. Tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn hai huyện Phú Bình, Đại Từ, thị xã Phổ Yên, vùng ven TP Thái Nguyên.
 
 Ngày 22-3 vừa qua, tại phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên xảy ra một vụ tai nạn dây diều vướng vào cổ người đi xe máy trên đường. Anh Nguyễn Văn Kiểm ở tổ dân phố Thanh Trung cho biết: “Sáng sớm hôm đó tôi vừa đi ra đến cửa thì thấy người chồng đèo theo vợ và con nhỏ ngã xe máy. Nguyên nhân do người chồng bị dây diều vướng vào cổ, bị bất ngờ nên mất lái ngã ra đường, vợ và con bị xe máy đổ đè lên bị thương, chồng bị văng ra xa trầy da chảy máu, được người dân đưa đi bệnh viện”. Nhiều người dân ở phường Đồng Tiến cho biết thêm: Đây không phải vụ tai nạn do diều đầu tiên ở địa phương, không ít người đi xe máy bị dây diều vướng vào cổ, vướng vào xe máy ngã bị thương, bị diều lao xuống trúng vào người, vào đầu khi đang đi đường.
 
 Trước đó, vào đêm 17-4-2020, Bệnh viện đa khoa Yên Bình tiếp nhận một bệnh nhân ở xã Nam Tiến (thị xã Phổ Yên) trong tình trạng đang đi xe máy thì bị dây diều cuốn vào cổ, gây ra vết rách dài hơn 20 cm, sâu, đứt cơ ức, phải mở nội quản, phẫu thuật khâu vết thương.
 
 Gây chập cháy đường dây tải điện
 
 Việc thả diều một cách tràn lan thời gian qua đã gây mất an toàn đối với lưới điện, tình trạng chập cháy đường dây tải điện, gây mất điện ở khu dân cư, diện rộng thì cả huyện, vài huyện, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống xã hội và tính mạng người dân.
 
 Đêm 7-5-2020, tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, người dân địa phương thả diều gây sự cố đối với đường dây 220 kV Hà Giang - Thái Nguyên làm bảy huyện, thị xã và một số vùng ở TP Thái Nguyên ảnh hưởng, 240 nghìn hộ và hàng trăm cơ sở sản xuất mất điện gần ba tiếng. Trước đó, vào các ngày 16-1-2020 và 30-3-2020, người dân để diều rơi khu vực Trạm điện 220 kV Phú Bình gây ra một số sự cố. Cán bộ kỹ thuật Trạm điện 220 kV Phú Bình cho biết, diều mắc vào đường dây tải điện hai, ba pha sẽ chạm vào nhau, gây ra sự cố, gây mất an toàn cho người ở phía dưới, xảy ra hiện tượng phóng điện dẫn tới chết người.
 
 Theo thống kê của Công ty Điện lực Thái Nguyên, mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra từ 30 đến 40 sự cố lớn nhỏ về điện lưới do thả diều gây ra, trong đó xảy ra nhiều nhất là ở huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của doanh nghiệp, đời sống và sản xuất của người dân. Trên địa bàn huyện Phú Bình, mỗi tháng xảy ra ít nhất là từ hai đến ba sự cố lưới điện do thả diều gây ra. Chủ tịch UBND huyện Phú Bình Dương Văn Hưng chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân không thả diều gần hành lang an toàn lưới điện; Công an huyện điều tra truy tìm các trường hợp vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục. Đồng thời, người dân khi phát hiện ra sự cố trên lưới điện cần thông tin kịp thời tới ngành điện theo đường dây nóng để có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời, không gây hậu quả lớn đối với sản xuất, đời sống”.
 
 Trước tình trạng thả diều tràn lan ảnh hưởng đến an toàn lưới điện, đơn vị Truyền tải điện Đông Bắc III (Công ty Truyền tải điện I) có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Công thương, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp đơn vị Truyền tải điện Đông Bắc III đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn lưới điện; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
 
 Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với hành vi thả diều làm mất an toàn lưới điện chỉ từ một triệu đến năm triệu đồng không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, khó xác định thủ phạm thả diều để quy trách nhiệm, xử phạt, nhất là sự cố xảy ra vào ban đêm, trong khi thiệt hại do thả diều gây ra thì không nhỏ.