Hà Nam tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhất là DN vận tải, kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khó khăn mà các DN đang gặp phải là: Thiếu nguyên liệu sản xuất đầu vào, không nhập được máy móc, thiết bị cần thiết, thiếu chuyên gia nước ngoài có trình độ cao… Trước thực trạng này, tỉnh Hà Nam đã và đang triển khai các giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN ổn định sản xuất.

Sản xuất ở Công ty TNHH Fugi Electric Industry Việt Nam 23.
Sản xuất ở Công ty TNHH Fugi Electric Industry Việt Nam 23.

Sản xuất cầm chừng

Tỉnh Hà Nam hiện có bảy Khu công nghiệp trong đó có hơn 200 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, phần lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Theo Báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, nhiều DN trên địa bàn đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Đó là việc sản xuất cầm chừng do không nhập được nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, không xuất được đơn hàng. Trong khi đó, việc nhập khẩu nguyên liệu thay thế, các phụ liệu, linh kiện từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc đã được các DN tính đến, song do giá thành cao và thời gian vận chuyển hàng chậm. Hầu hết các DN đang sản xuất theo đơn đặt hàng, nên việc chậm tiến độ giao hàng đã xảy ra. Nhiều DN, công suất hoạt động giảm từ 30-50% so với cùng kỳ năm 2019. Trước thực trạng này, các DN đều mong chờ dịch bệnh qua nhanh để sớm khôi phục sản xuất.

Ông Jung Jin Woo, Giám đốc điều hành Công ty TNHH ACE Antena Việt Nam cho biết: “Kế hoạch sản xuất trong tháng 3 này của công ty chúng tôi có khối lượng khá lớn, nhiều hơn các tháng trước. Nếu không đủ nguyên liệu đầu vào, chuyên gia người Trung Quốc không được sang làm việc thì tới đây hoạt động của DN sẽ rất khó khăn, thậm chí chúng tôi sẽ phải ngừng hoạt động một số dây chuyền sản xuất”.

Dịch Covid-19 cũng làm chậm tiến độ thi công nhiều dự án FDI; dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh Hà Nam bị tác động. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tỉnh Hà Nam không thu hút thêm dự án FDI nào; hàng loạt hoạt động sản xuất của các DN bị ảnh hưởng. Cùng với các DN sản xuất, DN thuộc lĩnh vực du lịch, vận tải, lữ hành, kinh doanh dịch vụ… trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn.

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời yêu cầu: các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch. Tăng cường tuyên truyền, cập nhật thông tin tới các DN và người lao động trên địa bàn về tình hình diễn biến dịch bệnh, các biện pháp ngăn ngừa để DN và người lao động yên tâm, ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Jeong Young Jae, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina chia sẻ: “Chúng tôi có một nhà máy ở Trung Quốc. Do nhà máy này giảm sản lượng nên nhà máy ở Hà Nam phải tăng sản lượng sản xuất. Để bảo đảm tiến độ sản xuất, chúng tôi rất mong Chính phủ Việt Nam, UBND tỉnh Hà Nam, Ban quản lý các KCN tạo điều kiện để các chuyên gia Hàn Quốc của công ty chúng tôi sớm được cấp phép lao động trở lại”.

Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Hà Nam đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các DN. Để không giảm sút chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp các ngành liên quan, chính quyền các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, từ đó tham mưu với tỉnh những giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã vào cuộc, tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nghiên cứu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; các tổ chức tín dụng tập trung khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp; triển khai chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp… chủ động về nguồn vốn để mở rộng đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cũng như xem xét, giải quyết các đề nghị của khách hàng.

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp như cấp phép cho các chuyên gia, lao động nước ngoài có nhu cầu làm việc khi có đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh. Tạo điều kiện thông thoáng trong xử lý các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, nhập nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu về hạ tầng, trên cơ sở đó các doanh nghiệp từng bước khắc phục những khó khăn để sản xuất hiệu quả”...