Hà Nam bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi

Hệ thống đê tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài 362,98 km, trong đó đê sông Hồng (đê cấp I) là 38,973 km, đê sông Đáy 49,516 km, còn lại là sông con, đê bối và các tuyến đê phụ. Để đạt mục tiêu công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2020, bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng phương án PCTT và TKCN năm 2020.

Đắp đê sông Đáy, đoạn qua xã Phù Vân, TP Phủ Lý.
Đắp đê sông Đáy, đoạn qua xã Phù Vân, TP Phủ Lý.

Xử lý vết nứt trên đê tả sông Đáy

Ngày 8-6, Hạt quản lý đê huyện Thanh Liêm phát hiện trên đoạn đê tả sông Đáy thuộc địa bàn 2 xã Thanh Nghị và Thanh Hải từ K130+096 - K130+365, chiều dài 269 m xảy ra hiện tượng nứt dọc giữa mặt đê kéo dài theo chiều dài tuyến đê, chiều rộng vết nứt từ 1 đến 3 cm và có độ sâu trung bình khoảng 5 đến 25 cm. Hai bên mái thượng, hạ lưu cũng xuất hiện một số vết nứt dọc theo mái đê nhưng không xảy ra hiện tượng sụt, trượt. Sau đó, trên tuyến đê tả Đáy tiếp tục xuất hiện thêm năm vết nứt dọc giữa mặt đê. Cụ thể, đoạn từ K130+500 - 130+512, dài 12 m; K130+563 - K130+6904, dài 41m; K131+007 - K131+017, dài 10 m; K131+048 - K131+098, dài 50 m; K131+114 - K131+200, dài 86 m. Các vết nứt này có chiều rộng từ 1 đến 2 cm, chiều sâu từ 5 đến 20 cm. Tuyến đê khu vực xảy ra sự cố có mặt đê rải đá cấp phối rộng khoảng 3,6 m, sát chân đê là ruộng và nhà dân và cách bờ sông Đáy khoảng từ 100 đến 170 m. Đây là sự cố rất nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê đặc biệt khi có mưa lũ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Minh Tiến cho biết, đoạn đê này đã được đắp từ lâu, mặt đê nhỏ hẹp, rải cấp phối, lưu lượng xe tải lưu thông không nhiều, cách xa sông, chưa xảy ra hiện tượng sạt, trượt. Vì vậy, việc đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố là rất khó. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân xảy ra sự cố có thể là do địa chất nền đê yếu; nắng nóng kéo dài nhiều ngày dẫn đến hiện tượng co ngót không đồng đều.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định về việc tình huống khẩn cấp khắc phục sự cố nứt đê tả Đáy đoạn từ K130+096 - K130+365. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cũng đã triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục. Huyện Thanh Liêm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phối hợp Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Nam tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sự cố; thực hiện các biện pháp cấm xe ô-tô lưu thông qua đoạn đê này; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm tuyến đê khu vực xảy ra sự cố; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, lực lượng và phương án huy động theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm đối phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra.

Xử lý vi phạm

Theo đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2020 và khả năng chống lũ của các tuyến đê trên địa bàn từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, có đoạn chưa có cơ đê, nhiều nơi nền, thân yếu, mặt đê nhiều đoạn bị sụt lún; hệ thống kè mỏ chưa đủ số lượng, mỏ thiếu chiều dài, còn nhiều vị trí vẫn bị sạt lở và đặc biệt tại những công trình xung yếu như cống Mộc Nam, cống và âu thuyền Tắc Giang trên tuyến đê hữu Hồng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, nếu thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện và xử lý tốt ngay từ đầu giờ những sự cố xảy ra trong mùa mưa lũ thì khả năng của công trình đê điều tuyến đê hữu Hồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam giữ được an toàn ở mức thiết kế quy định.

Huyện Thanh Liêm là huyện đồng chiêm trũng, bán sơn địa của tỉnh Hà Nam, có tuyến đê tả Đáy dài hơn 20 km, hơn 700 km kênh tưới tiêu và 96 trạm bơm nội đồng. Trên tuyến đê, bối và bờ kênh thủy lợi vừa là công trình ngăn lũ phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão vừa là đường giao thông do vậy công tác quản lý, bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi luôn gặp khó khăn. Năm 2019, huyện Thanh Liêm có 27 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và các công trình thủy lợi. Trong đó còn sáu vụ chưa xử lý được do chưa có đường hành lang dân sinh, cho nên các hộ sống ở ven đê không có lối đi lại, dẫn đến tình trạng, các hộ dân phải làm dốc lên đê để làm lối đi lại nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều. Một số vụ việc vi phạm tồn tại từ nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm nguyên nhân do mặt đê, cơ đê được mở rộng lấn vào diện tích của một số hộ dân nhưng chưa được bồi thường. Một số vụ việc tái vi phạm chưa được xử lý kịp thời nhất là ở các bãi vật liệu xây dựng; tình trạng lợi dụng mặt đê, cơ đê để chứa vật liệu xây dựng vẫn xảy ra chưa được xử lý triệt để. Những hình thức vi phạm tồn đọng nhiều hiện nay rất khó xử lý như: xây tường kè làm dốc lên đê, đổ nền làm lối ra vào nhà, xây dựng công trình kiên cố trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, xe quá tải trọng cho phép đi trên đê.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các công trình đê điều, thủy lợi, tỉnh Hà Nam cần sớm hoàn thành cắm mốc hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Xử lý nghiêm các vi phạm; thực hiện tốt công tác quy hoạch để có cơ sở xử lý các vi phạm có tính hệ thống như quy hoạch khu chợ để giải tỏa lều quán tự phát, quy hoạch bãi rác tập trung để người dân có vị trí đổ rác, quy hoạch đường hành lang chân đê để hạn chế vi phạm... Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Đê điều, luật và các văn bản triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi để người dân hiểu và thực hiện. Công khai các quy định hành lang bảo vệ của các công trình về đê điều, công trình thủy lợi để nhân dân nắm được và tổ chức thực hiện.