Giải quyết dứt điểm tranh chấp tại chợ Sáng Ðại Mỗ (Hà Nội)

Thời gian vừa qua, một số hộ kinh doanh tại chợ Sáng Ðại Mỗ (phường Ðại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không đồng thuận với quyết định tăng phí thuê mặt bằng kinh doanh của đơn vị quản lý chợ. Giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn làm ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh, gây mất an ninh trật tự, an toàn cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ.

Chợ Sáng Ðại Mỗ đã xuống cấp, nhiều năm không được đầu tư, cải tạo.
Chợ Sáng Ðại Mỗ đã xuống cấp, nhiều năm không được đầu tư, cải tạo.

Vì sao tiểu thương không đồng thuận mức phí mới?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Sáng Ðại Mỗ (chợ Sáng) là chợ dân sinh được hình thành và hoạt động từ những năm 1980, do chính quyền địa phương quản lý. Năm 2009, do nhu cầu thực tế, UBND huyện Từ Liêm, TP Hà Nội giao cho Công ty TNHH đầu tư thương mại xây dựng Hoa Mai (Công ty Hoa Mai) quản lý, khai thác các hoạt động kinh doanh tại chợ (theo Quyết định số 379/QÐ-UBND ngày 3-2-2009). Công ty Hoa Mai phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm, tiền thuế, thu phí thuê mặt bằng của các hộ kinh doanh theo đơn giá do TP Hà Nội quy định. Ðơn giá thuê sử dụng đất được tính điều chỉnh 5 năm một lần, kể từ thời điểm ký hợp đồng. Từ năm 2011 đến 2016, mức giá Công ty Hoa Mai phải nộp cho ngân sách là 232.829.208 đồng/năm (theo Quyết định số 3365/QÐ-STC ngày 9-8-2011 của Sở Tài chính TP Hà Nội). Trong thời gian này, giữa công ty và các hộ kinh doanh ký hợp đồng thống nhất mức giá thuê mặt bằng kinh doanh theo các mức 1, 2, 3, lần lượt là 60.000 đồng, 55.000 đồng và 50.000 đồng/m2/tháng. Công ty chịu trách nhiệm sửa chữa, cải tạo cũng như bảo đảm các điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ. Ðơn vị này cũng đã thanh toán hoàn trả kinh phí xây dựng chợ cho ngân sách.

Ngày 5-9-2011, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Hà Nội ký Hợp đồng thuê 3.482 m2 đất số 136/HÐTÐ với Công ty Hoa Mai tại chợ Sáng, xã Ðại Mỗ (nay là phường Ðại Mỗ), mục đích để quản lý kinh doanh, khai thác chợ; thời hạn hợp đồng là 50 năm. Công ty Hoa Mai cũng đã được Sở TNMT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2012.

Từ năm 2011 đến 2016, tình hình kinh doanh, an ninh trật tự tại chợ và khu vực lân cận ổn định. Giữa đơn vị quản lý và các tiểu thương đều thống nhất các phương án đưa ra. Tuy nhiên, đầu năm 2016, sau khi TP Hà Nội quy định mức giá thu tiền sử dụng đất mới của chợ Sáng là 589.764.000 đồng/năm (tăng hơn 2,5 lần mức giá cũ), Công ty Hoa Mai cũng tiến hành xây dựng mức giá mới đồng thời thông báo lấy ý kiến của tiểu thương đối với phương án này. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, đại diện Công ty Hoa Mai cho biết, đơn vị xây dựng đơn giá mới căn cứ mức tăng giá tiền sử dụng đất và thu phí chợ trên địa bàn do TP Hà Nội ban hành. Sau khi có ý kiến của tiểu thương, Công ty Hoa Mai đề xuất đối với diện tích các khu vực kinh doanh loại 1, 2, 3 là 75.000 đồng, 70.000 đồng và 65.000 đồng/m2/tháng. Ðây là mức giá nằm trong khung giá quy định tại Quyết định số 56/2016/QÐ-UBND ngày 31-12-2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng trên địa bàn.

Tuy nhiên, cho rằng mức phí thuê mặt bằng như vậy là quá cao so với một số chợ khác trên địa bàn, tiểu thương chợ Sáng kiên quyết không chấp thuận. Hơn 200 hộ kinh doanh trong chợ đồng thời yêu cầu đơn vị quản lý giữ nguyên giá cũ, ít nhất là trong vòng 5 năm nữa, nếu không các hộ sẽ không ký tiếp hợp đồng, không nộp tiền thuê mặt bằng. Trong thời gian này, trong khi Công ty Hoa Mai chờ ý kiến của các cơ quan chức năng và vẫn đồng ý cho các hộ tiếp tục kinh doanh trên diện tích cũ, thì một số thành phần quá khích còn kích động, lôi kéo tiểu thương gây rối trật tự công cộng; phá hoại tài sản; ngăn cản hoạt động của nhân viên quản lý chợ, tụ tập đông người tại trụ sở chính quyền,…

Chính quyền địa phương cần quyết liệt vào cuộc

Trước hết, trên cơ sở những văn bản, giấy tờ chúng tôi có được, phải khẳng định, Công ty Hoa Mai là đơn vị có quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp trong việc quản lý, khai thác, kinh doanh tại chợ Sáng. Do vậy, bên cạnh việc bảo đảm các hoạt động bình thường của chợ, công ty có quyền đề xuất các phương án thu phí quản lý, giá thuê mặt bằng kinh doanh theo quy định. Sự việc vừa qua, công ty đưa ra phương án đơn giá mới sau khi có ý kiến của các hộ kinh doanh, trên cơ sở mức giá UBND thành phố Hà Nội ban hành là hoàn toàn đúng quy định, phù hợp quyền và lợi ích của doanh nghiệp đã được pháp luật công nhận. Các hộ kinh doanh trong chợ có quyền đồng ý hoặc không đồng ý phương án giá thuê trên cơ sở thương lượng với đơn vị quản lý. Nếu không thể thương lượng, các bên có thể chấm dứt hợp tác, hoặc có thể yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp, hoặc khởi kiện… nếu có cơ sở.

Tuy nhiên, mặc dù không thống nhất được phương án giá thuê mặt bằng kinh doanh, nhưng các hộ vẫn hoạt động trên diện tích Công ty Hoa Mai quản lý. Trong khi không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê mặt bằng, họ lại tụ tập làm mất an ninh trật tự trong khu vực. Ðại diện ban quản lý chợ cho rằng, những hành vi này không chỉ là yêu sách đòi giảm giá thuê mặt bằng, đòi quyền "tự quản" mà còn nhằm mục đích không trả nợ tiền thuê mặt bằng suốt từ năm 2017 đến nay.

Xác định đây là vụ việc phức tạp, sẽ tạo thành "điểm nóng" nếu không giải quyết ổn thỏa, UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Ðại Mỗ đã đứng ra tổ chức 17 cuộc làm việc cùng Công ty Hoa Mai, các ngành chức năng và toàn bộ tiểu thương chợ Sáng. Tuy nhiên, tất cả các cuộc làm việc đều không đạt được kết quả do thiếu hợp tác từ các hộ kinh doanh. Ðể ổn định tình hình, UBND quận Nam Từ Liêm tiếp tục yêu cầu Công ty Hoa Mai quản lý, điều hành chợ đồng thời tăng cường vận động, tuyên truyền tiểu thương thực hiện trách nhiệm trong việc sử dụng mặt bằng kinh doanh. "Ðây là sự việc phức tạp, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự, kiên trì vận động, thuyết phục…" (Báo cáo số 218/BC-UBND ngày 4-6-2019 của UBND quận Nam Từ Liêm). Ðồng chí Trần Ðức Hoạt, Chủ tịch UBND quận (nay là Bí thư Quận ủy) cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan đồng thời đề nghị tranh thủ các sở, ngành, chính quyền TP Hà Nội để xử lý dứt điểm vụ việc.

Vậy nhưng, đã gần hai năm sau khi UBND quận Nam Từ Liêm yêu cầu tất cả hệ thống chính trị của quận vào cuộc, vụ việc không có dấu hiệu dừng lại. Ðiều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế khá lớn đối với đơn vị quản lý, đa số tiểu thương mà còn khiến hạ tầng cũng như hệ thống phòng, chống cháy, nổ của chợ Sáng xuống cấp nghiêm trọng do không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên.

Những vấn đề tồn tại ở chợ Sáng Ðại Mỗ đã kéo dài gần bốn năm qua nhưng không được giải quyết dứt điểm khiến địa bàn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Hạ tầng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng như việc thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của chợ Sáng xuống cấp nghiêm trọng do không được kiểm tra, sửa chữa, cải tạo, bảo trì thường xuyên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, đổ sập bất cứ lúc nào, làm mất an toàn tính mạng và tài sản của tiểu thương và người đi chợ. Ðề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và quận Nam Từ Liêm sớm có những giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm những tồn tại nêu trên. Kiên quyết xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; lôi kéo, kích động gây rối; nhanh chóng tổ chức lại hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Sáng theo quy định của pháp luật.

Vụ việc ở chợ Sáng Ðại Mỗ kéo dài nhiều năm nhưng chưa giải quyết được dứt điểm do có nhiều yếu tố phức tạp. Quan điểm của chính quyền địa phương là kiên trì vận động, thuyết phục tiểu thương chấp hành đúng quy định, đúng pháp luật. Tôi đã yêu cầu bộ phận chức năng xuống cơ sở nắm bắt tình hình và đề xuất phương án xử lý sớm nhất để ổn định tình hình.

Nguyễn Huy Cường

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm