Ý kiến bạn đọc

Đề phòng cháy nổ tại chung cư

Vừa qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra những vụ cháy chung cư, tòa nhà cao tầng chủ yếu do chập điện hoặc do sự bất cẩn của các chủ căn hộ. Các vụ cháy này đã được Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) kịp thời dập tắt nhưng vẫn làm nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Ðiển hình như vụ cháy tại một căn hộ ở tầng 11, Khu chung cư CT05 Phong Bắc (Cẩm Lệ, TP Ðà Nẵng). Gần đây nhất là vụ cháy một căn hộ, tại tầng 30 tòa nhà CT3, The Pride (Hà Ðông, Hà Nội). Hay như vụ cháy tại một căn hộ ở Khu chung cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội)…

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu các vụ cháy chung cư, nhà cao tầng là do một số chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC. Cụ thể, trong quá trình thiết kế, thi công các hạng mục PCCC các chủ đầu tư tự ý bớt xén, lắp đặt các thiết bị không bảo đảm. Lực lượng PCCC tại các khu vực này không có hoặc có nhưng hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ PCCC. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về PCCC ở các chung cư chưa cao; kỹ năng PCCC cũng chưa tốt. Công tác kiểm tra, giám sát về PCCC của các cơ quan chức năng chưa thật sự hiệu quả. Các chế tài xử phạt trong lĩnh vực PCCC chưa đủ sức răn đe.

Để bảo đảm an toàn về PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng, các cơ quan chức năng cần đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực như thường xuyên kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt phương án PCCC tại chung cư, nhà cao tầng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng PCCC cho người dân; xử lý nghiêm các chủ đầu tư tự ý đưa người dân vào ở tại các chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC. Cần phát huy vai trò người đứng đầu tại các tổ chức, cơ quan, địa phương trong việc bảo đảm an toàn PCCC. Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra cháy nổ tại chung cư, nhà cao tầng thì cá nhân các cán bộ, lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.