Những việc làm vì dân - những việc làm phiền dân

Chung tay, góp sức đẩy lùi Covid-19

Trong lúc tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế và sức khỏe của người dân, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp, cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

Ngày 20-2, Quỹ Đổi mới sáng tạo - Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Tập đoàn Vingroup) đã tài trợ 20 tỷ đồng cho ba dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19, nhằm tăng cường các biện pháp khẩn cấp phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ba đơn vị nhận được tài trợ là: Công ty TNHH một thành viên vắc-xin và sinh phẩm số 1, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng.

Cảm nhận được nỗi vất vả, khó khăn của những người trên tuyến đầu chống dịch, Ngân hàng Bắc Á đã trao tặng năm tỷ đồng; Tập đoàn TH đã trao tặng một triệu ly sữa tươi TH true MILK và Công ty cổ phần AVIA (Tập đoàn AMACCAO) đã trao tặng 100.000 chai nước tinh khiết 3A cho đội ngũ bác sĩ, y tá, cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ quân đội, công an và người bị cách ly tại các khu vực cách ly tập trung trong cả nước. Hai món quà nêu trên đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận.

Mới đây, Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông (Rạng Đông Healthcare) cũng tổ chức chương trình tặng 20 nghìn áo y tế và 2.000 mũ y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế tại hai tỉnh Long An và Bình Dương.

Trước đó, để giúp bà con nông dân trồng dưa tại Gia Lai bớt đi gánh nặng do ảnh hưởng dịch bệnh, hàng nông sản không xuất khẩu được, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã kêu gọi các hội viên chung tay hỗ trợ bằng cách đăng ký thu mua dưa hấu với số lượng lớn để phát tại doanh nghiệp. Ngoài hoạt động trên, Hội còn trích quỹ 50 triệu đồng mua khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn, phát miễn phí cho người dân tại nhiều điểm trong thành phố Hà Nội.

Với mong muốn đóng góp một phần công sức trong cuộc chiến chống dịch bệnh, ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng những người bạn là đạo diễn Cao Trung Hiếu, nhà sản xuất Minh Hoàng và bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn đã trao tặng toàn bộ thiết bị máy móc, phụ kiện được nhập khẩu từ Đức để thiết lập ba phòng điều trị cách ly áp lực âm cho bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 cũng như các trường hợp bệnh nhân cần cách ly khác tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh. Chi phí tài trợ cho một phòng là 25.000 euro (tương đương 650 triệu đồng). Ngày 12-3, ba phòng cách ly áp lực âm theo đúng tiêu chuẩn của WHO đã được chuyển giao, đưa vào hoạt động tại Bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội).

Những ngày qua, khi thông tin về các ca bệnh Covid-19 xuất hiện ở Đà Nẵng, nhiều người dân đổ xô đến các siêu thị, đại lý, cửa hàng mua lương thực, thực phẩm để dự trữ. Nhiều cửa hàng, đại lý cũng tranh thủ cơ hội tăng giá hoặc bán hàng với số lượng lớn. Thấy nhiều người lo lắng, xếp hàng dài mua gạo, bà Bùi Thị Hồng, 67 tuổi, chủ đại lý Gạo Hồng, đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) treo biển khuyến cáo bà con chỉ nên mua vừa đủ lượng gạo để dùng như thường ngày và cam kết bán đúng giá, bảo đảm đủ số lượng cung cấp để góp phần ổn định thị trường. Bà Hồng cho biết: Nếu như giá gạo nhập về hoặc các nơi khác có tăng cao thì bà vẫn sẽ cố gắng bán giá thấp nhất có thể để hỗ trợ cho bà con. Bà Hồng cũng là nhà hảo tâm, tham gia nhiều hoạt động từ thiện ở địa phương. Hằng tháng, bà luôn trích một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh của mình để giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi, bệnh nhân tâm thần.

Những hành động chung tay đó đã tiếp thêm nguồn lực, sức mạnh cho đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ quân đội, công an đang ngày đêm căng mình ở tuyến đầu chống dịch và những người cách ly vượt qua khó khăn để quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19.

ANH THƯ(Hà Nội)

----------------------------------------------------------------------------

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Trong lúc cả nước chung sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19, xuất hiện ngày càng nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều tấm gương tình nguyện tiếp sức cho công tác phòng, chống dịch, thì vẫn còn tình trạng có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân lợi dụng cơ hội này để đầu cơ, tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Theo phản ánh của bạn đọc, những ngày qua, lợi dụng tâm lý lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm để tích trữ, siêu thị Mai Long, tại địa chỉ số 437, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã tự ý nâng giá bán mì tôm cao hơn giá thị trường. Cụ thể, giá một thùng mì tôm Hảo Hảo đã được đẩy lên đến 150.000 đồng, đắt hơn từ 30 - 40% so với mức giá hằng ngày.

Trước đó, cũng có tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh đã găm hàng và tăng giá bán khẩu trang y tế, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn với giá cao gấp nhiều lần. Tính đến ngày 24-2, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã xử phạt hơn 8.000 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Vatgia, Chotot, Bibomart, Concung…, với hơn 21.000 sản phẩm vi phạm, chủ yếu là khẩu trang y tế và dung dịch rửa tay hoặc gel rửa tay khô.

Không chỉ xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá các mặt hàng phục vụ phòng dịch mà còn có cả tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngày 19-2, lực lượng chức năng đã phát hiện tại khu vực Trung tâm dược phẩm Hapulico, quận Thanh Xuân (Hà Nội) một đối tượng chào bán gần 300 thẻ đeo diệt vi-rút do nước ngoài sản xuất được nhập lậu, không có kiểm định chất lượng, không có hóa đơn, chứng từ. Đây cũng là sản phẩm được nhiều người công khai chào bán trên mạng là có tác dụng phòng, chống vi-rút SARS-CoV-2, với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/thẻ.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn sản xuất khẩu trang y tế giả từ giấy vệ sinh như Công ty TNHH Việt Hàn, trụ sở ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín (Hà Nội). Doanh nghiệp này sản xuất khẩu trang kháng khuẩn nhưng lớp vải kháng khuẩn ở giữa lại được làm bằng giấy vệ sinh. Còn có cá nhân tự ý sản xuất nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn theo công thức được cung cấp trên mạng, dán tem, nhãn mác giả rồi bán ra thị trường nhằm trục lợi bất chính như trường hợp bà Quách Thị Hà Vân, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Thậm chí, có đối tượng còn làm giả vắc-xin phòng Covid-19, tiêm cho nhiều người để lấy tiền. Đó là bà Tiêu Thị Tuyết Sương, 46 tuổi, trú tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định) đã sử dụng nước cất và kháng sinh để làm giả nhiều loại vắc-xin tiêm phòng các bệnh cho trẻ em, phòng ung thư, đột quỵ và phòng Covid-19.

Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm ổn định thị trường cũng như tạo sự an tâm của người dân trước dịch Covid-19.

MINH QUỐC(Lào Cai)