Cẩn trọng với việc mua bán hàng qua mạng

Cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán luôn là thời gian cao điểm trong hoạt động kinh doanh và bán hàng trực tuyến qua in-tơ-nét bởi vì hình thức này đem lại cho người mua hàng nhiều sự tiện dụng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Mua hàng qua mạng trực tuyến đem lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: MINH HÀ
Mua hàng qua mạng trực tuyến đem lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: MINH HÀ

Chị Hoàng Thị Thanh, trú tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết, tháng 12-2019 do con chị đạt danh hiệu học sinh giỏi, cho nên chị đã tìm mua một bộ tai nghe điện thoại không dây trên mạng làm phần thưởng cho con. Lướt trên các trang Facebook bán hàng trực tuyến, chị thấy một tài khoản quảng cáo bán bộ tai nghe không dây giống hệt chiếc Airpods 2 của Apple (giá chính thức hơn bốn triệu đồng) chỉ với 250.000 đồng bao gồm cả phí giao hàng cho nên không ngần ngại đặt mua. Sau khi nhận hàng, mở ra ở bên trong là một cặp tai nghe có dây, giá thị trường chỉ khoảng 30 nghìn đồng, hoàn toàn không giống với hình ảnh và mô tả trên Facebook. Chị Thanh đã liên hệ lại số điện thoại mà chị đã đặt hàng trước đó để phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “tiền nào của nấy”. Sau đó, số điện thoại đó bị khóa và chị không thể liên lạc được.

Cũng giống như trường hợp của chị Thanh, anh Trần Văn Long, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đặt mua trên mạng một chiếc kính mắt mang nhãn hiệu của một hãng nổi tiếng thế giới với giá một triệu đồng. Khi nhận hàng, người giao hàng yêu cầu anh thanh toán tiền rồi mới được mở ra xem vì là hàng “chính hãng nguyên đai nguyên kiện”. Sau khi thanh toán tiền, anh Long phát hiện chiếc kính là hàng cũ, đã qua sử dụng cho nên yêu cầu trả lại hàng. Tuy nhiên, người giao hàng cho biết, chỉ vận chuyển thuê và hướng dẫn anh liên lạc với chủ hàng để giải quyết. Anh Long đã liên lạc nhiều lần nhưng người bán hàng cho biết đã báo lại đơn vị cung cấp hàng tại TP Hồ Chí Minh để đổi lại hàng, nhưng đến nay đã hơn hai tháng anh Long vẫn chưa đổi lại được chiếc kính như đã đặt trước đó.

Hoạt động mua bán hàng trực tuyến mang lại rất nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua, như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… bởi chỉ với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể mua từ những sản phẩm có giá trị lớn như máy điều hòa, tủ lạnh, xe máy cho đến những món hàng thiết yếu như giấy ăn, sữa tắm… và được giao đến tận cửa nhà. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy và rủi ro như trường hợp của chị Thanh và anh Long là những thí dụ điển hình. Vừa qua, lực lượng chức năng của TP Hà Nội kiểm tra ba cơ sở kinh doanh của menshop79.com và menshopfashion.com; Ladystore. Tại các cơ sở này, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ gần 1.300 sản phẩm kém chất lượng được rao bán hàng qua hình thức online gồm: Quần áo, giày dép, túi xách, kính mắt… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ, nhiều người tiêu dùng sẽ mua phải những mặt hàng kém chất lượng này.

Theo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, khó khăn trong việc kiểm soát kinh doanh tại các kênh bán hàng trực tuyến này là các nhà bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 90% giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn chứng từ, cho nên việc tìm ra đầu mối cung cấp hàng lậu, vì thế càng khó. Một trong những thủ đoạn phổ biến hiện nay là người bán sử dụng hình ảnh thật của hàng hóa, sản phẩm chính hãng để quảng cáo nhưng lại chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật và khi giao hàng cho người mua là hàng không giống với hàng thật cả về chất lượng và mẫu mã. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng của chuyển phát cho thương mại điện tử là 60%. Tuy phát triển nhanh và bùng nổ, nhưng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến. Đáng lưu ý, các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh, khó kiểm soát, do vậy hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng khó ngăn chặn, kiểm soát triệt để.

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về thương mại điện tử đã quy định rõ: Sản phẩm do ai bán ra thì người đó phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, thông tin bán trên mạng là ảo cho nên rất khó quy trách nhiệm người bán. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng lại không mấy quan tâm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà chủ yếu quan tâm tới giá cả đắt hay rẻ. Có thể thấy, chính người tiêu dùng cũng đã góp phần tạo ra “ma trận” hàng giả, hàng nhái khi thực hiện mua bán trực tuyến. Thực tế, đối với các sàn thương mại, website của doanh nghiệp có đăng ký với cơ quan chức năng sẽ có địa chỉ, xác định được pháp nhân để liên hệ làm việc nếu có trường hợp khiếu nại. Trong khi đó, những địa chỉ bán hàng của các cá nhân trên mạng thì không thể khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí còn có trường hợp bị phản hồi tiêu cực thì ngay lập tức khóa tài khoản. Điều này khiến công tác phát hiện, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở nên khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, các trang web thương mại phát triển bùng nổ trong bảy năm qua, từ 763 trang web năm 2013 lên 10.000 trang web vào năm 2019. Quy mô thị trường thương mại điện tử cũng tăng lên nhanh chóng từ 5 tỷ USD năm 2016 lên 8 tỷ USD vào năm 2018, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 13 tỷ USD. Hiện, thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường. Bộ Công thương vừa phê duyệt Chiến dịch thanh tra, kiểm tra được bắt đầu từ tháng 10-2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra sẽ là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.