Cẩn trọng trước những thông tin sai lệch về dịch bệnh

Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 thì tình trạng tung tin đồn sai sự thật cũng lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội, gây hoang mang cho người dân, làm gia tăng tâm lý sợ hãi và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Vừa qua, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết đã lập hồ sơ xử lý một nam thanh niên có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook về người bệnh thứ 17 nhiễm Covid-19. Theo thông tin, tài khoản Facebook Đ.T. của Đ.T., sinh năm 1998, trú tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã đăng tải hình ảnh của một cô gái nằm trên giường bệnh, người chằng chịt dây kèm theo chú thích là người bệnh thứ 17 đang nguy kịch, khiến nhiều người hoang mang. Trước đó, Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất Chủ tịch UBND huyện này xử phạt tổng cộng 17,5 triệu đồng đối với ba trường hợp tung tin sai sự thật dịch Covid-19 trên Facebook. Sau khi đăng tải các thông tin không đúng sự thật này, đồng thời nhận thấy đây là việc làm sai trái cho nên các cá nhân đã tự nguyện gỡ bỏ và kèm theo lời xin lỗi cộng đồng mạng.

Qua tìm hiểu, sau khi người bệnh thứ 17 này (N.H.N., 26 tuổi, trú tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) dương tính với Covid-19 khi đi du lịch ở Anh, Pháp, I-ta-li-a trở về nước, rất nhiều người tung tin đồn sai sự thật trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Thậm chí, một số nghệ sĩ được công chúng mến mộ như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân và Cát Phượng cũng bị xử phạt mỗi người 10 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên tài khoản Facebook cá nhân.

Trong thời điểm cả nước tập trung dồn sức phòng, chống dịch Covid-19, đề cao kỷ cương, trách nhiệm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, thật đáng chê trách khi có những cá nhân vì thiếu hiểu biết mà làm ảnh hưởng đến xã hội, đời sống của người dân, doanh nghiệp khu vực mà họ thông tin. Trên thực tế, có xu hướng là có những người muốn thể hiện họ nhạy cảm với tin tức xã hội, muốn tham gia thông tin, cảnh báo về dịch bệnh nhưng cũng có những người sẵn sàng đưa những thông tin sai sự thật, bịa đặt hoặc chưa được kiểm chứng nhằm quảng cáo bán hàng trên mạng hoặc đơn giản chỉ để câu like (lượt thích), câu view (lượt xem).

Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền mạnh mẽ công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta cũng cần phổ biến rộng rãi đến người dân về Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, trong đó nêu rõ hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt tiền 10 đến 20 triệu đồng. Đồng thời, khuyến cáo mọi người tìm hiểu thông tin ở các nguồn tin chính thống như cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Y tế… Tất cả đều nhằm giúp cộng đồng chủ động, bình tĩnh trong phòng, chống dịch bệnh, không vì những thông tin sai lệch mà hoang mang, lo lắng thái quá, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của toàn xã hội.