Cần làm rõ quy trình cho vay vốn và kê biên tài sản thế chấp

Thay vì trực tiếp điều tra, thu thập thông tin khách hàng một cách cẩn trọng, bên cho vay chỉ thẩm định hồ sơ vay vốn trên giấy tờ và cam kết của bên vay. Khi hợp đồng cho vay đáo hạn, khách hàng không có khả năng thanh toán buộc phải giao toàn bộ tài sản đã thế chấp thì những người có liên quan mới tá hỏa trước thông tin tài sản của mình bị phát mại. Sự tắc trách này đã làm cho một gia đình quân nhân có nguy cơ mất chỗ ở hợp pháp.
Ngôi nhà của vợ chồng chị Trần Thị Hiền được xây bằng nguồn quỹ tình thương đồng đội có nguy cơ bị tháo dỡ.
Ngôi nhà của vợ chồng chị Trần Thị Hiền được xây bằng nguồn quỹ tình thương đồng đội có nguy cơ bị tháo dỡ.

Chị Trần Thị Hiền, trú tại khối 7, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chồng chị là sĩ quan quân đội, trước đây công tác ở biên giới phía nam, xa gia đình biền biệt, mỗi năm chỉ về một lần, không có thời gian giúp đỡ gia đình. Bản thân chị Hiền việc làm không ổn định, con còn nhỏ, cho nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ với khó khăn đó, năm 2009, đơn vị của chồng chị Hiền đã xét hỗ trợ cho gia đình 50 triệu đồng từ nguồn quỹ tình thương đồng đội để làm nhà ở. Cộng thêm số tiền vay mượn, năm 2010, vợ chồng chị Hiền làm được căn nhà trên mảnh đất mẹ đẻ cho (tại khối 7, thị trấn Xuân An). Do chồng thường xuyên phải công tác xa nhà, chị Hiền không có điều kiện để hoàn thiện thủ tục (sang tên quyền sử dụng đất) nên mảnh đất xây nhà vẫn đứng tên mẹ là bà Nguyễn Thị Liên. Đến năm 2011, bà Nguyễn Thị Liên thế chấp thửa đất đang ở (trong đó có mảnh đất bà đã cho vợ chồng chị Hiền) để vay khoản tiền gần 1,3 tỷ đồng tại Ngân hàng Techcombank chi nhánh Nghệ An cho con trai là Trần Ngọc Kỳ (sinh năm: 1971, địa chỉ: khối 5, thị trấn Xuân An), là chủ Doanh nghiệp thương mại tư nhân Dũng Anh.

Do làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán khoản vay, năm 2013, Ngân hàng Techcombank chi nhánh Nghệ An khởi kiện ông Trần Ngọc Kỳ ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Nghi Xuân để yêu cầu trả số tiền vay nêu trên. TAND huyện Nghi Xuân đã ra Quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số: 01/2013/QĐST-KDTM, ngày 3-3-2013, với nội dung: Hai bên thỏa thuận đến ngày 1-6-2013 Doanh nghiệp thương mại tư nhân Dũng Anh không trả số tiền theo thỏa thuận (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi) cho Ngân hàng Techcombank chi nhánh Nghệ An thì bị đơn tự nguyện giao toàn bộ tài sản đã thế chấp theo hợp đồng thế chấp cho nguyên đơn để Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nghi Xuân phát mại, bán đấu giá thu hồi số nợ…

Tất cả việc làm của bà Liên và các thủ tục cho vay vốn của Ngân hàng Techcombank chi nhánh Nghệ An, cũng như quá trình xét xử của TAND huyện Nghi Xuân, gia đình chị Hiền đều không được cơ quan chức năng thông báo. Mãi đến ngày 1-6-2017, gia đình chị Hiền nhận được Giấy báo số 213/GB-CCTHA ngày 1-6-2017 của Chi cục Thi hành án huyện Nghi Xuân với nội dung: Yêu cầu tất cả những cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên thửa đất nêu trên phải có mặt làm việc với cơ quan Thi hành án huyện Nghi Xuân về việc khối tài sản là thửa đất tại khối 7, thị trấn Xuân An, sẽ bị kê biên, phát mại bán đấu giá để trả nợ cho Ngân hàng Techcombank chi nhánh Nghệ An theo Quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số: 01/2013/QĐST-KDTM, ngày 3-3-2013 của TAND huyện Nghi Xuân.

Sau khi tìm hiểu kỹ sự việc và trao đổi với các bên liên quan, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều mâu thuẫn trong quá trình tiếp cận, giải quyết vụ việc. Theo Trưởng Văn phòng luật sư Lê Anh (TP Vinh, Nghệ An) Lê Tuấn Anh, trên mảnh đất bà Liên đưa ra thế chấp còn có gia đình chị Hiền và gia đình ông Trần Ngọc Diệu, bà Trần Thị Châu là hai hộ gia đình đã xây nhà, sinh sống ổn định trước đó. Khi tòa án giải quyết vụ việc nêu trên thì quyền lợi của các gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng TAND huyện Nghi Xuân không thông báo cho họ biết, không đưa họ vào diện người tham gia tố tụng giải quyết vụ án với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Ngoài ra, trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Liên tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” nhưng đã không được TAND huyện Nghi Xuân triệu tập để tham gia giải quyết vụ việc. Không hiểu sao, TAND huyện Nghi Xuân đã cho phép ông Trần Ngọc Kỳ làm thủ tục để bà Nguyễn Thị Liên ủy quyền cho ông Trần Ngọc Kỳ thay mặt bà Liên tham gia hoạt động tố tụng. Như vậy, trong vụ án này ông Trần Ngọc Kỳ tham gia tố tụng với hai tư cách: Vừa là bị đơn, vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu hồ sơ chúng tôi còn phát hiện những việc làm tắc trách, nhất là, khi thực hiện thủ tục cho vay, phía Ngân hàng Techcombank chi nhánh Nghệ An đã không xem xét, tìm hiểu, gặp gỡ những người hiện đang cư trú hợp pháp trong các tài sản là hai căn nhà (trong đó có nhà của vợ chồng chị Hiền) trên thửa đất được thế chấp; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ gia đình sống trên thửa đất đó...

Từ những mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc nhằm giải quyết thấu đáo, công bằng, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của gia đình chị Hiền, trong đó có ngôi nhà được xây bằng quỹ tình thương đồng đội. Mặt khác, việc giải quyết có tình, có lý còn giúp thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội để chồng chị Hiền an tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.