Cần lắm những mùa xuân yêu thương

Là những người phải chịu nhiều đau đớn thể chất và tinh thần do bị di chứng mắc bệnh phong, hơn ai hết, những người bệnh hiện nay đang sống ở các trại phong luôn khao khát những vòng tay yêu thương, chăm sóc từ cộng đồng để họ có được một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Bà Ngô Thị Lanh đón nhận quà của đoàn thiện nguyện.
Bà Ngô Thị Lanh đón nhận quà của đoàn thiện nguyện.

Trại phong Quả Cảm (Bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh) chăm sóc và điều trị gần 80 người mắc bệnh phong, bị di chứng bệnh phong từ nhiều năm trước. Trại nằm dưới chân đồi thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Sáng 6-1, đoàn bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương và tổ chức thiện nguyện đến thăm, tặng quà, chúc Tết các bệnh nhân. Đoàn đã trao quà Tết đến từng người bệnh, mỗi suất trị giá 700 nghìn đồng. Những bệnh nhân nặng không thể có mặt, đoàn đã đến tận phòng ở để động viên, thăm hỏi, tặng quà.

Bác sĩ CKI Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh cho biết: Phần lớn bệnh nhân là người già đơn thân, chủ yếu sống nhờ trợ cấp của Nhà nước. Hiện nay, bệnh nhân phong được hỗ trợ theo mức độ tàn tật từ 1,3 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cụ không chỉ mắc bệnh phong, mà còn mắc nhiều bệnh mạn tính khác như tiểu đường, huyết áp, một số cụ di chứng nặng không thể tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân, mọi sinh hoạt phải dựa hoàn toàn vào cán bộ, nhân viên y tế.

Cụ Nguyễn Xuân Phước, 83 tuổi, quê ở xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) hai chân bị cụt đến đầu gối. Hai bàn tay cụ bị vi khuẩn phong ăn mòn chỉ còn lại mấy ngón tay co quắp run run đưa lên đón nhận phần quà. Cụ Phước ở trại phong này từ năm 1953, mấy năm sau cụ chuyển vào trại phong Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, rồi về quê sinh sống. Nhưng từ năm 1990, cụ trở lại Trại phong Quả Cảm và ở cho đến nay. “Ngày trước, chúng tôi bị mọi người kỳ thị, xa lánh, kể cả gia đình, các y sĩ, bác sĩ còn ghê sợ, không muốn lại gần, tiếp xúc, chúng tôi tủi thân lắm. Những năm gần đây, chúng tôi được Nhà nước, xã hội quan tâm hơn, các y sĩ, bác sĩ cũng chăm sóc tận tình chu đáo, không còn giữ khoảng cách như trước. Năm nào cũng có các đoàn từ thiện đến thăm hỏi, tặng quà, có đoàn còn ngồi ăn cùng chúng tôi như những người bình thường, chúng tôi rất phấn khởi”, cụ Phước xúc động nói.

Nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có hơn 32 năm gắn bó với Trại phong Quả Cảm. Năm 1957, khi đang là cô giáo mầm non, với tấm lòng yêu thương vô hạn, cô Xuân đã tìm đến nơi này tình nguyện xin vào làm việc để được hằng ngày chăm sóc những người bệnh phong. Quyết định được thực hiện ngay sau khi cô lần đầu chứng kiến một cụ già ở trại phong từ giã cõi đời trong cảnh cô đơn, không người thân, không một tiếng khóc, không một vành khăn trắng. Trước lúc lâm chung, cụ chỉ mong ước được gặp con, cháu một lần cuối cùng. Cô cũng lần đầu chứng kiến rất nhiều người bệnh cụt tay, cụt chân bò lê lết trên nền đất, vết thương rớm máu, da thịt hoại tử. Hằng ngày, ngoài công việc chăm sóc y tế, phục hồi chức năng cho người bệnh, cô còn nấu cơm, giặt giũ, vệ sinh cá nhân, cõng người bệnh đi lại, không nề hà gì. Từ năm 2012, cô Xuân được về hưu theo chế độ, nhưng cô xin ở lại để được tiếp tục chăm sóc người bệnh. “Nhiều người nói tôi có tuổi rồi, hưu thì về quê nghỉ ngơi, nhưng các cụ rất cần tôi, tôi không nỡ rời bỏ nơi này. Ở đây, có cụ đã 90, 95 tuổi rồi, cụ thì cụt tay, cụ thì cụt chân, cụ thì mù mắt. Nhiều khi các cụ chẳng cần gì, chỉ cần một lời thăm hỏi, có người rót cho cốc nước, mắc hộ cái màn, hay dìu bước đi là các cụ vui rồi. Được chăm sóc các cụ, tôi cũng thấy vui như được chăm sóc bố mẹ mình”, cô Xuân chia sẻ.

Gương mặt hằn lên những nét ưu tư, hai bàn tay đã cụt ngón đặt trên đùi, cụ Nguyễn Thị Liên, quê ở Bắc Giang nhớ lại: “Tôi vào đây từ năm 1971, lúc đó trại đông hơn. Chúng tôi sống cách biệt với bên ngoài, cô đơn lắm. Mỗi khi về quê, tôi phải đi từ lúc trời chưa sáng, hoặc tối muộn để tránh ánh mắt ghê sợ của mọi người. Trước đây, chẳng ai nghĩ đến Tết cả. Mấy năm gần đây, có các đoàn từ thiện đến thăm, cho quà, các cháu thanh niên đến trò chuyện, nấu cơm, cùng ăn giống như bữa cơm gia đình. Ngày Tết cũng có tấm bánh chưng, có cành hoa đào, có phong bao mừng tuổi. Cứ gần đến những ngày này là chúng tôi lại thấp thỏm chờ đợi, cũng không mong quà cáp gì nhiều đâu, chỉ mong có người đến thăm hỏi, trò chuyện là vui rồi”.

Phần lớn các bệnh nhân phong ở đây đã ở độ tuổi gần đất xa trời và không có con, cháu. Nhiều cụ không có người thân thăm hỏi trong suốt nhiều năm. Nhiều cụ không nhớ nổi tên mình, cũng không nhớ quê quán, nơi mình sinh ra. Nỗi đau về thực thể do di chứng của bệnh phong để lại còn chưa lớn bằng nỗi đau do bị người thân, cộng đồng kỳ thị. Ở nơi này đã có không biết bao nhiêu cái Tết trôi qua trong lặng lẽ, mùa xuân dường như không về đến đây. Thế nên, ngày nào có đoàn khách đến thăm đều là ngày đặc biệt. Những nụ cười đã xuất hiện trên những gương mặt đượm buồn. Giờ đây, Tết đã trở lại, xuân đã về bên những căn phòng bệnh nhân phong của Trại phong Quả Cảm.

Những ngày qua đã có nhiều đoàn, hội, tổ chức từ thiện đến với trại phong với mong muốn xóa bỏ sự kỳ thị, xa lánh của xã hội, mang đến sự quan tâm chân thành và ấm áp, giúp người bệnh vợi bớt nỗi cô đơn, cảm nhận hơi ấm của tình người, cảm nhận không khí Tết sum vầy.

Bây giờ thì cộng đồng cũng bớt thành kiến, kỳ thị người bệnh phong, nhất là giới trẻ. Bệnh nhân phong thật sự là những người rất cần sự quan tâm của cộng đồng.

Bác sĩ chuyên khoa I PHẠM VĂN TUẤN

Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Bắc Ninh

Hoạt động thiện nguyện với bệnh nhân phong được Bệnh viện Da liễu trung ương tổ chức nhiều năm nay, không chỉ vào dịp Tết mà trong năm, cứ có dịp là chúng tôi lại về thăm với mong muốn các cụ sống vui, sống khỏe.

Bác sĩ LÊ THỊ MAI

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu Trung ương