Cần giải quyết dứt điểm việc giao thiếu đất tại khu tái định cư Si Pa Phìn

Nhiều năm qua, người dân các bản tái định cư (TĐC) ở khu TĐC Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, được coi là khu TĐC kiểu mẫu của tỉnh Điện Biên liên tục kiến nghị các cấp, các ngành vào cuộc giải quyết dứt điểm thực trạng giao thiếu đất, tranh chấp đất sản xuất mà chưa được giải quyết. Thực trạng này kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống một bộ phận người dân TĐC, cũng như tiến độ thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Thiếu đất sản xuất, nhà xuống cấp, đời sống nhiều gia đình ở khu tái định cư Si Pa Phìn đang rất khó khăn.
Thiếu đất sản xuất, nhà xuống cấp, đời sống nhiều gia đình ở khu tái định cư Si Pa Phìn đang rất khó khăn.

Bấm đốt ngón tay, ông Điêu Văn Luyện ở bản Tân Lập thuộc khu TĐC xã Si Pa Phìn khẽ nói, để phục vụ dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La, năm 2002, gia đình tôi và nhiều gia đình khác đã chuyển từ xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu cũ) về định cư ở đây. Ngày đó, 200 gia đình được chính quyền chia thành bốn bản, gồm: Tân Lập, Tân Hưng, Chiềng Nưa 1 và Chiềng Nưa 2, với chính sách chung là mỗi gia đình được hỗ trợ một căn nhà bê-tông kiểu nhà truyền thống của dân tộc Thái (trị giá hơn 100 triệu đồng); mỗi gia đình TĐC được chia 3 ha nương và mỗi khẩu được chia 500 m2 đất trồng lúa. Nhưng trước khi giao đất trồng lúa cho người dân TĐC thì các đơn vị thi công đã cho san ủi hết phần đất màu trên mặt nên chỉ còn lớp đất đá ở dưới, dân không canh tác được. Phần lớn diện tích đất trồng lúa không có hệ thống mương thủy lợi dẫn nước cho nên thực tế, dân không thể canh tác được gì. Để có đất trồng lúa, thời gian đầu dân bản Tân Lập cũng như bà con các bản: Tân Hưng, Chiềng Nưa 1 và Chiềng Nưa 2 phải nhờ cậy nhân dân hai bản sở tại là Tân Phong 1, Tân Phong 2 cho mượn đất ruộng, đất nương để trồng lúa. Do vậy, dù có khó khăn, song cơ bản bà con cũng bảo đảm được lương thực cho người và vật nuôi. Từ năm 2013 thì người dân hai bản Tân Phong 1, Tân Phong 2 đòi lại đất, gần 100 hộ dân TĐC hết hẳn kế sinh nhai. Cuộc sống vốn đã khó khăn thêm khó khăn bội phần. “Cả bản Tân Lập có 87 hộ thì tới 90% là hộ nghèo. 100% hộ dân trong bản làm nông nghiệp mà không có ruộng. Đất nương không có nước lại hết màu chả trồng nổi cây gì… ngoài cỏ dại. Giờ đây người dân bản Tân Lập đi tứ xứ tìm việc làm, chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ ở nhà” - ông Điêu Văn Luyện cho biết.

Cùng bản Tân Lập với ông Luyện, rất nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, như: gia đình ông Lò Văn Thuyền, Lò Văn Liến, Lò Văn Học. Ruộng không, nương bạc màu nhiều năm qua, ở đây chẳng mấy nhà đủ ăn. Để gắng gượng qua ngày, hầu hết các gia đình ở bốn bản: Tân Hưng, Tân Lập, Chiềng Nưa 1 và Chiềng Nưa 2 phải bán thóc non để sống với mức lãi suất cao. Cứ một tạ thóc vay thì đến mùa trả thành 1,5 tạ; hai tạ thành ba tạ; ba tạ thành bốn 4,5 tạ. Bởi kiểu vay “cắt cổ” ấy mà nhiều nhà cứ năm này lại nợ nần đeo đuổi năm sau. Mùa nào cố lắm làm được vài tạ thóc mà chẳng được đưa thóc về nhà vì chủ nợ chờ cân thóc tại nương. Trong vòng luẩn quẩn ấy, người dân TĐC ở Si Pa Phìn khó có thể thoát nghèo.

Thừa nhận thực trạng đói nghèo, khó khăn của người dân các bản TĐC mẫu ở Si Pa Phìn là do thiếu đất sản xuất, giao đất chưa đầy đủ cho bà con, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Nguyễn Văn Thái cho biết: Theo Quyết định số 03/2002/QĐ-UB ngày 18-1-2002 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) thì mỗi hộ TĐC ở Si Pa Phìn được chia 3 ha đất trồng cây công nghiệp, trồng rừng; mỗi khẩu được chia 500 m2 đất để làm ruộng. Về cơ bản, nhân dân đã được chia đủ diện tích đất làm ruộng nhưng không canh tác được vì đất đã bị san ủi hết phần đất màu trên mặt; thủy lợi Nậm Chim thấp hơn đất làm ruộng nên chẳng thể đưa nước về. Đất nương đã giao song thiếu rất nhiều. Theo kết quả khảo sát của huyện Nậm Pồ (năm 2018) thì trong số hơn 200 hộ dân TĐC ở bốn bản: Tân Lập, Tân Hưng, Chiềng Nưa 1 và Chiềng Nưa 2 có 186 hộ bị giao thiếu đất nương với tổng diện tích 238,4 ha; nhiều hộ không có hoặc có ít ruộng trồng lúa nên cuộc sống rất khó khăn. Để kiếm kế sinh nhai, thanh niên, đàn ông các bản đi khắp nơi làm đủ nghề kiếm sống.

Được biết, để có cơ sở giải quyết triệt để vướng mắc, kiến nghị của nhân dân, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên, hiện nay Tổ công tác rà soát, đánh giá hồ sơ giao đất tại khu TĐC Si Pa Phìn với 19 thành viên đã chia thành bốn nhóm tiến hành rà soát thực địa tại bốn bản: Tân Lập, Tân Hưng, Chiềng Nưa 1 và Chiềng Nưa 2. Qua rà soát bước đầu, tổ công tác thấy rằng có nhiều vướng mắc. Vì chỉ đất sản xuất có quyết định giao đến từng hộ, còn đất ở không có quyết định và không có cả sơ đồ. Khó khăn nhất là xác định lại nguồn gốc diện tích đất đang có tranh chấp giữa các gia đình; việc tìm lại chủ đất cũ không dễ dàng vì nhiều gia đình đã bán đất chuyển đi nơi khác.

Nhiều lần nêu ý kiến về thực trạng tranh chấp đất, thiếu đất sản xuất ở các bản TĐC Si Pa Phìn mà việc cứ “đâu đóng đấy”, bà Vừ Thị Liên, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh khá bức xúc. Trao đổi với chúng tôi, bà Vừ Thị Liên cho biết, đã hơn hai năm kể từ khi đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh giải quyết dứt điểm việc giao thiếu đất nông nghiệp cho nhân dân ở khu vực TĐC Si Pa Phìn vẫn chưa được giải quyết. Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 10 vừa qua (từ ngày 8 đến 10-7-2019), bà Vừ Thị Liên tiếp tục chất vấn UBND tỉnh về nội dung này, thì ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Nậm Pồ chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Mường Chà, các ngành, đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ, diện tích đất đã giao cho các đối tượng, làm rõ nguyên nhân, diện tích đất thực tế đang có tranh chấp giữa dân sở tại với các hộ TĐC. Trên cơ sở đó, tổng hợp, báo cáo và đề xuất hướng xử lý hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Như vậy, với trả lời của ông Nguyễn Phi Sông thì trách nhiệm, tiến độ từng việc cụ thể trong giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho người dân TĐC Si Pa Phìn cơ bản đã rõ. Song để kiến nghị được giải quyết triệt để, cần sự vào cuộc của từng thành viên tổ công tác và các ngành liên quan. Căn cứ kết quả rà soát thực trạng đất ở, đất sản xuất của người dân TĐC ở Si Pa Phìn, thiết nghĩ UBND tỉnh Điện Biên cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, từ đó làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan để tránh tình trạng “triển khai dự án kiểu ào ào cho xong rồi hệ lụy mặc người sau giải quyết”!