Bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa càng trở nên cấp thiết. Ðể đủ hàng và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi các ngành chức năng cần có kế hoạch cân đối cung, cầu, dự trữ, kết nối giao thương, đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý.

Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm tại Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ
Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm tại Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Cứ đến dịp Tết thì nhu cầu một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, các loại thịt, rau, củ, bánh mứt kẹo, bia, nước giải khát… lại tăng mạnh. Giá các mặt hàng trong dịp Tết, nhất là thực phẩm thường có xu hướng tăng, là nỗi lo của nhiều người dân. Chị Thu Trang ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết: “Giá rau, giá thịt cứ đồng loạt tăng, đi chợ thấy mình như bị móc túi. Số tiền mà cách đây vài ba tháng có thể mua thực phẩm cho cả nhà ăn trong hai bữa, thì giờ chỉ mua được một bữa”. Thực phẩm tăng giá, cũng khiến cho chị Thu Hà, tiểu thương ở chợ Ðồng Xa (Mai Dịch, Hà Nội), không khỏi lo lắng. Chị cho biết, để tránh sự biến động về giá cả, chị luôn phải gom hàng trước thời điểm Tết gần hai tháng.

Thực tế, Hà Nội có dân số đông cho nên nhu cầu về thực phẩm rất lớn. Ðể đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân Thủ đô, đến nay, việc chuẩn bị nguồn hàng Tết đã được các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai tích cực với yêu cầu kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, đồng thời bảo đảm bình ổn giá thị trường. Theo lãnh đạo Sở Công thương, trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai sớm kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Theo đó, thành phố đẩy mạnh đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi nhất; tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở sản xuất, phân phối tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; mở rộng nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh… Các nhóm hàng trong chương trình bình ổn thị trường, gồm: Lương thực; thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến; rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát… Cùng với việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, thành phố cùng các doanh nghiệp phân phối cũng tiếp tục tổ chức đưa hàng hóa đến khu vực ngoại thành, khu công nghiệp; xây dựng chương trình khuyến mại phục vụ người dân có thu nhập trung bình và thấp, gắn với kích cầu tiêu dùng trong nước. Dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở còn tổ chức các chương trình bán hàng kích cầu tiêu dùng phục vụ người dân như tổ chức các phiên chợ Việt, 300 chuyến hàng lưu động, hội chợ hàng Việt Nam, hội chợ hàng hóa sản phẩm vì người tiêu dùng đã thu hút đông đảo nhiều người tham gia.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, để bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, cùng với việc tập trung tuyên truyền, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường dịp Tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp về vốn, mặt bằng... Ðối với doanh nghiệp cung ứng cho thị trường Hà Nội, cần có kế hoạch chi tiết trong việc phân bổ, điều tiết hàng hóa giữa các khu vực. Dự báo sát nhu cầu của người dân cũng như khả năng đáp ứng những mặt hàng còn khan thiếu để chuẩn bị kỹ càng; rà soát việc tích trữ hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá, tác động xấu đến thị trường. Cùng với đó, để góp phần thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam trong dịp Tết, cần đẩy mạnh hơn việc quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, bán hàng khuyến mại, bình ổn giá... Những hoạt động này cần được tổ chức khoa học, tránh để hàng kém chất lượng trà trộn; tổ chức đều ở các vùng miền, nhất là ở khu vực nông thôn, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các lực lượng chức năng cần thanh tra, kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, bán hàng đúng giá niêm yết, để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý. Việc bán hàng bình ổn giá phải được quản lý chặt chẽ, có giải pháp can thiệp kịp thời khi thị trường có dấu hiệu bất thường, không để người tiêu dùng bị trục lợi. Giữ được thế chủ động trong cung ứng hàng hóa dịp cuối năm, ổn định thị trường, góp phần bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ðể cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ dự trữ lượng hàng hóa đã tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết.

Bà Trần Thị Phương Lan

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

Cùng với việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, chúng tôi mong thành phố cùng các doanh nghiệp phân phối tiếp tục tổ chức đưa hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, xây dựng nhiều chương trình khuyến mại để người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có cơ hội được mua sắm hàng Việt Nam.

Nguyễn Văn Quang

(Huyện Ba Vì, TP Hà Nội)