Bảo đảm an toàn thực phẩm những ngày đầu xuân

Đã thành thông lệ, cứ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh. Cùng với nỗi lo về giá cả, vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là điều khiến người tiêu dùng lo lắng.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra số bánh kẹo nhập từ nước ngoài.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra số bánh kẹo nhập từ nước ngoài.

Vài năm trở lại đây, cứ đến dịp Tết là gia đình anh Trần Văn Huy, ở quận Ba Đình (Hà Nội) lại lên kế hoạch đặt thực phẩm sạch ở quê. Anh Huy cho biết: “Năm nay do giá thịt lợn biến động, cho nên ngay từ cuối tháng 12 là gia đình mình đã nhờ ông bà ở Phú Thọ đặt trước thịt lợn, gà, và một số loại thực phẩm khác. Mình rất ít mua ở ngoài, một phần do giá cả, nhưng quan trọng hơn là lo ngại không bảo đảm an toàn”. Còn chị Đinh Hạnh, ở quận Hoàn Kiếm lại chỉ tin tưởng mua thực phẩm Tết từ người quen tự làm và nói không với các loại bánh, mứt, giò, chả bán tràn lan ngoài thị trường. Theo chị Hạnh: “Trào lưu mua bán hàng qua mạng xã hội len lỏi đến từng gia đình, nhưng chị chỉ mua thực phẩm của bạn bè, người quen tự làm vì biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và cũng thấy hài lòng về chất lượng”. Không tin tưởng, lo ngại thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng... là tâm lý chung của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng ở Hà Nội. Và rõ ràng, lo lắng đó của họ là có cơ sở khi mà cận Tết, tình trạng buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn Hà Nội diễn ra phổ biến. Qua khảo sát và tìm hiểu tại một số chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy và các tuyến phố Hàng Buồm, Hàng Giấy... những ngày giáp Tết, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại từ bánh kẹo, rượu, giỏ quà Tết của nhiều hãng khác nhau. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin, vẫn còn không ít loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn được bày bán trong thời gian khá dài, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng và làm mất vệ sinh ATTP. Đáng lo ngại, tại các chợ tạm này, thực phẩm tươi sống bày bán lẫn lộn với thức ăn chín, không được che đậy, vệ sinh môi trường không bảo đảm; hàng hóa chưa được kiểm soát tốt về nguồn gốc, thậm chí, nhiều loại hải sản được bày trên nền đất... Tuy vậy, người tiêu dùng có vẻ không mấy quan tâm do đây vẫn là địa điểm mua bán quen thuộc của họ. Khi được hỏi lý do vì sao biết thực phẩm tại các chợ cóc, chợ tạm không bảo đảm vệ sinh ATTP nhưng vẫn mua, nhiều người lý giải vì các chợ này thường nằm sát khu dân cư, tiện cho việc mua sắm.

Bên cạnh hàng trăm chợ tạm, chợ dân sinh, Hà Nội còn có bốn chợ mang tính chất đầu mối là chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ và chợ đêm Văn Quán. Các chợ này hiện nay đang cung cấp khoảng hơn 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Theo đánh giá của Sở Công thương, tuy lượng hàng hóa bán ở các chợ này rất lớn, nhưng qua công tác kiểm tra, nhiều mặt hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Và không chỉ dừng lại ở thực phẩm, các mặt hàng bánh kẹo không bảo đảm vệ sinh ATTP cũng như vậy. Tại các tuyến phố chuyên bán bánh kẹo của Hà Nội như chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hàng Giầy..., nhiều loại bánh, kẹo, mứt được bày bán theo cân, không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng. Khi được hỏi về chất lượng sản phẩm, các chủ cửa hàng ở đây đều khẳng định hàng của mình là hàng công ty, hạn sử dụng lâu dài, đóng gói trong các bao bì lớn để nhập với giá rẻ hơn so với thông thường. Rõ ràng, tình trạng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… được bày bán tràn lan trên thị trường khiến cho người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp Đội 11 quản lý thị trường bắt giữ hai xe công-ten-nơ chở hàng thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại siêu thị MM Mega Market, đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều thùng có chứa hàng tấn lưỡi vịt, trứng non và nầm lợn đông lạnh có tem nhãn nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ của các mặt hàng nêu trên. Theo giá thị trường, 1 kg lưỡi vịt có giá 450 nghìn đồng, 1 kg trứng gà non có giá 300 nghìn đồng. Cơ quan chức năng đã lập biên bản và làm thủ tục tiêu hủy toàn bộ lô hàng này. Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 15 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng phối hợp lực lượng chức năng, tổ chức bắt giữ hơn một tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó, chủ yếu là bánh kẹo và thịt cấp đông tại một điểm tập kết trên phố Linh Đường, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời điểm đầu năm, lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng tăng vọt, kéo theo số lượng các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” cũng tăng. Do chạy theo lợi nhuận, nhiều đối tượng sẵn sàng tung ra thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Để bảo đảm ATTP, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng, các cơ quan chức năng TP Hà Nội cần phát triển mạnh các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý các chợ, siêu thị; xây dựng, nâng cấp các cơ sở kiểm nghiệm ATTP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm... Mỗi người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng tại những cửa hàng bán thực phẩm uy tín, an toàn; không mua thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng; tẩy chay các cơ sở không bảo đảm ATTP, vì sức khỏe của mình và cả cộng đồng.

Để đẩy lùi tình trạng thực phẩm “bẩn”, cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Ngoài ra, bản thân người tiêu dùng cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, có ý thức tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP.

TRẦN HỮU LINH
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng đối với thực phẩm có mầu sắc bắt mắt, vì có thể chứa phẩm mầu, phụ gia độc hại. Mặt khác, cần chủ động thông tin, hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện thực phẩm nghi ngờ hàng nhái, hàng giả; cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP để có biện pháp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời.

NGUYỄN VĂN AN
(Bộ Y tế)
Hiện nay, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra một cách phổ biến, những mặt hàng này chủ yếu xuất hiện ở các chợ dân sinh, nơi cung cấp chủ lực các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và người lao động. Đây là mối nguy tiềm tàng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

TRẦN THU HUYỀN
(Phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)