Ðấu tranh với tội phạm liên quan tiền giả

Những tháng gần đây, cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố nhiều vụ việc liên quan hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Ðể đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, rất cần việc đẩy mạnh tuyên truyền của các cơ quan quản lý tiền tệ nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.

Cán bộ Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Hậu Giang) hướng dẫn người dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ cách nhận biết tiền giả. Ảnh: THANH DANH
Cán bộ Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Hậu Giang) hướng dẫn người dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ cách nhận biết tiền giả. Ảnh: THANH DANH

Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố nhóm đối tượng Trần Hồng Hải (sinh năm 1998, trú tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre); Huỳnh Châu Phú (sinh năm 1995, trú tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang); Tô Văn Ni (sinh năm 1993, trú tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Nguyễn Trần Quốc Nhiên (sinh năm 2002, trú tại TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) và Nguyễn Trà My (sinh năm 1995, trú tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) về hành vi “lưu hành tiền giả”. Trong vụ án này, công an xác định Phú là chủ mưu và đối tượng này đã bán ra 482,5 triệu đồng tiền giả; cơ quan chức năng thu hồi được 91,4 triệu đồng. Trước đó, ngày 20-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Ðỗ Ngọc Long (sinh năm 1990, trú tại quận Hà Ðông, Hà Nội) và Phạm Văn Minh Mạnh (sinh năm 1999, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) về tội “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”. Mạnh bị công an phát hiện khi trên tay cầm nhiều tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và khai nhận số tiền nêu trên mua của Long. Tại cơ quan công an, Long khai tự in tiền giả bằng máy in mầu và ép ni-lông. Tổng số tiền giả Long bán cho Mạnh là 168 triệu đồng.

Không chỉ hai vụ án nêu trên, thời gian qua, cơ quan công an các tỉnh, thành phố liên tục phát hiện, triệt xóa các đường dây làm tiền giả tại địa phương. Chị Phạm Thanh Ngân, trú tại phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: Một lần, khi thanh toán tiền tại quầy hoa quả, tôi được người bán hàng cho biết tờ tiền 200 nghìn đồng mình vừa đưa là tiền giả. Bán tín bán nghi, tôi xem lại thật kỹ thì thấy tờ tiền này được làm giả rất tinh vi, nếu không để ý rất khó phát hiện. Tiền giả xuất hiện trên thị trường, người tiêu dùng sẽ mất số tài sản tương ứng số tiền giả mình “vớ phải”. Các mối quan hệ cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi nhiều người có thể nghĩ rằng chúng tôi cố tình thanh toán, biếu, cho hoặc tặng tiền giả.   

Tội phạm về tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, trật tự xã hội và đời sống nhân dân; xâm phạm an ninh tiền tệ. Qua các vụ án liên quan tiền giả trong thời gian qua, có thể thấy loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, in-tơ-nét, không ít đối tượng bán tiền giả công khai qua các trang mạng xã hội. Tại một nhóm riêng tư trên Facebook có tên “Tiền giả không cọc…”, ghi nhận của phóng viên, có hơn 500 thành viên tham gia nhóm. Ðể được “kết nạp”, người muốn vào nhóm phải trả lời nhiều câu hỏi của admin (quản trị) nhằm thể hiện sự am hiểu về tiền giả. Trong nhóm này, các thành viên trao đổi, mua bán công khai với những quảng cáo kiểu như “Tiền giả không cọc, liên hệ số điện thoại 077…, kiểm tra hàng thoải mái trước khi nhận được hàng…”. Theo tìm hiểu, các giao dịch ở đây diễn ra khá sôi động, chủ yếu chuyển tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng, sau đó, có người giao hàng tận nơi, khách thanh toán nốt số tiền còn lại.

Để đấu tranh với tội phạm liên quan tiền giả, ngoài Bộ luật Hình sự, pháp luật hiện hành cũng có nhiều quy định và chế tài nghiêm khắc. Tại Nghị định số 96/2014/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, nếu không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới; không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;… sẽ bị phạt cảnh cáo. Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật… Theo khoản 1, Ðiều 8 và khoản 1, Ðiều 18 Luật An ninh mạng năm 2018, thì hành vi rao bán tiền giả trên in-tơ-nét bị nghiêm cấm và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc tạo hành lang pháp lý, có chế tài nghiêm khắc cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, để hạn chế lượng tiền giả lưu hành trên thị trường, rất cần Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan quản lý tiền tệ… tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được các đặc điểm bảo an của tiền thật. Các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước… cần niêm yết áp-phích hướng dẫn người dân phân biệt tiền thật, tiền giả; chính quyền địa phương cần tăng cường thông tin, phát cuốn hướng dẫn cách xử lý tiền giả tại trụ sở làm việc và khu vực đông dân cư. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng phòng, Phòng giao dịch Hà Ðông, Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Ðại Dương (OceanBank) cho biết: Ở phòng giao dịch, chúng tôi niêm yết công khai bảng phân biệt tiền thật - tiền giả. Tuy nhiên, người dân cũng cần có ý thức đề cao cảnh giác. Thực tế cho thấy, không ít người nhiều lần gặp phải tiền giả thì mới để ý. Bên cạnh đó, với khách hàng của mình, chúng tôi cũng khuyến khích hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Ðó cũng là một cách để người sử dụng đồng tiền không trở thành nạn nhân của các đối tượng sản xuất, lưu hành tiền giả.

Khi phát hiện tiền giả, người dân cần nộp cho cơ quan chức năng quản lý về tiền tệ hoặc cơ quan công an. Tuyệt đối không được tìm cách sử dụng tiền giả, vì như thế là vi phạm pháp luật. Mọi hành vi mua bán, tàng trữ, lưu hành tiền giả đều có thể bị xử lý hình sự theo Ðiều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, nếu làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 10 đến 20 năm hoặc tù chung thân…

Luật sư Phạm Việt Hưng

Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Hưng và Cộng sự

Ðồng tiền thật được in trên chất liệu pô-li-me, có độ đàn hồi và độ bền cao, có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm. Tiền giả chủ yếu được in trên ni-lông, không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật. Soi tờ tiền trước nguồn sáng, nếu tiền thật, hình bóng chìm có thể nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng. Ở tiền giả, hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo…

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Là người kinh doanh, chúng tôi không ít lần thanh toán qua tiền mặt và rất có thể sẽ mất đối tác nếu vô tình sử dụng tiền giả. Việc tiền giả lưu hành trên thị trường sẽ gây nên những hệ lụy to lớn. Bởi vậy việc xử phạt thật nghiêm hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, tiền giả hiện tại được rao bán công khai trên mạng xã hội, cơ quan chức năng cần quan tâm truy quét, xử lý mạnh tay kể cả với người bán và người cố tình mua tiền giả.

Nguyễn Ngọc Anh

(Xã An Khánh, huyện Hoài Ðức, Hà Nội)