Nông thôn mới nâng cao ở Bình Dương bắt đầu trên nền tảng mới

NDO -

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay 46/46 xã của tỉnh Bình Dương được công nhận hoàn thành xây dựng NTM; có ba đơn vị cấp huyện thị, gồm: huyện Dầu Tiếng, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát được Thủ tướng công nhận thực hiện hoàn thành NTM.

Hệ thống giao thông khanh trang của xã nông thôn mới Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Hệ thống giao thông khanh trang của xã nông thôn mới Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Tại Bình Dương, diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư cải thiện, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn so với thị thành được rút ngắn. Chia sẻ về kết quả xây dựng NTM, đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Dương cho rằng, hoàn thành NTM chỉ là điểm bắt đầu trên nền tảng mới để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Phóng viên: Là một trong những tỉnh có 100% xã được công nhận hoàn thành NTM. Đồng chí có thể cho biết quyết tâm của tỉnh để thực hiện đạt kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng NTM?

Nông thôn mới nâng cao ở Bình Dương bắt đầu trên nền tảng mới ảnh 1

Đồng chí MAI HÙNG DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: Đầu năm 2019 thì 46/46 xã của tỉnh Bình Dương được công nhận là xã NTM và ba đơn vị cấp huyện, thị gồm: huyện Dầu Tiếng, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát được Thủ tướng công nhận thực hiện hoàn thành NTM; đây là kết quả khá tích cực. Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, bước đầu chúng tôi triển khai cũng có một số vướng mắc nhất định, nhất là về mặt nhận thức với đa số các xã chỉ xoay quanh vào các tiêu chí. Tuy nhiên, với nhận định chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh thì việc xây dựng NTM phải do chính người dân tổ chức thực hiện, việc xây dựng NTM là phải nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, đó là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta cần tập trung quan tâm tới. Với chỉ đạo đó, các xã nhận thức được, xây dựng quy hoạch và đề ra giải pháp để thực hiện các tiêu chí. Nhờ vậy, đến nay tỉnh đã thực hiện hoàn thành công tác xây dựng NTM ở cấp xã và cấp huyện. Năm nay cũng dự kiến trình Thủ tướng công nhận thêm hai huyện đã hoàn thành NTM và đến năm 2020, chúng tôi sẽ được công nhận cấp tỉnh hoàn thành công tác xây dựng NTM.

Phóng viên: Để đạt kết quả như trên, đồng chí cho biết vai trò của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể cũng như người dân trong quá trình thực hiện xây dựng NTM tại tỉnh?

Đồng chí MAI HÙNG DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: Chúng tôi cho rằng, đạt được 19 tiêu chí theo quy định trong xây dựng NTM là nhờ: Thứ nhất là Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt vào cuộc xây dựng NTM với cả hệ thống chính trị, các nội dung triển khai Chương trình NTM được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ, chính quyền các cấp… nhằm triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Thứ hai là sự phối hợp rất tốt của Ủy ban MTTQ, Công an, đoàn thanh niên, hội nông dân, cựu chiến binh… Đây là những cơ quan, tổ chức, đoàn thể phối hợp rất tốt với chính quyền để thực hiện công tác xây dựng NTM. Thứ ba là công tác tuyên truyền của cấp huyện, cấp tỉnh rất tốt làm cho người dân nhận thức được việc xây dựng NTM là để cho chính cuộc sống của người dân tốt hơn. Có thể nói, điều quan trọng nhất để hoàn thành NTM đó chính là vai trò của người dân trong công tác xây dựng NTM. Chính nhận thức xây dựng NTM là cho chính mình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính mình nên người dân hưởng ứng đường lối, chủ trương NTM trong triển khai thực hiện. Chính vì lẽ đó mà sau một thời gian việc triển khai NTM của tỉnh vào những năm về sau, nhất là giai đoạn 2016 đến 2018 thực hiện khá tốt, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Phóng viên: Được biết, 100% số xã tại Bình Dương đã hoàn thành NTM nhưng địa phương không có nợ đọng trong công tác xây dựng NTM. Đồng chí có thể cho biết các giải pháp triển khai thực hiện của tỉnh trong quá trình xây dựng NTM?

Đồng chí MAI HÙNG DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: Trong công tác xây dựng NTM giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn để xây dựng NTM tại Bình Dương là 6.600 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách Nhà nước là 42%, phần còn lại 58% là vốn người dân, vốn doanh nghiệp và các tổ chức. Đặc điểm của Bình Dương là chúng tôi bố trí vốn xây dựng NTM lồng ghép qua quá trình xây dựng cơ sở vật chất của các ngành, ví dụ như: xây dựng trường học thì bố trí vốn cho ngành giáo dục, làm đường giao thông nông thôn thì bố trí vốn cho các huyện, thị xã… Cho nên, quá trình xây dựng NTM tỉnh Bình Dương không có nợ đọng về xây dựng NTM. Với cách làm như thế thì việc triển khai cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh rất là chủ động trong quá trình chọn danh mục đầu tư; chủ động trong quá trình phối hợp với nhân dân cho những công trình để đầu tư nhằm đạt chuẩn gắn với nhu cầu bức thiết của địa phương; chủ động trong quá trình tổ chức triển khai thi công và cả quá trình giám sát thi công các công trình NTM. Khi bố trí lồng ghép xây dựng NTM vào các chương trình khác thì thuận lợi là triển khai nhanh hơn, không có nợ đọng và có sự giám sát của người dân ngày càng tốt hơn.

Nông thôn mới nâng cao ở Bình Dương bắt đầu trên nền tảng mới ảnh 2

Nông thôn mới với hạ tầng nông thôn đầu tư thuận lợi, giúp nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Phóng viên: Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tỉnh Bình Dương đang hướng đến xây dựng NTM theo tiêu chí nâng cao. Đồng chí có thể chia sẻ về mục tiêu này mà tỉnh đang tập trung thực hiện?

Đồng chí MAI HÙNG DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định được công nhận NTM cũng chỉ là bước đầu, cái đích cuối cùng của chúng ta vẫn là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng tăng thêm. Với cái mục tiêu đó thì kết quả được công nhận NTM của 46 xã tại tỉnh không phải là điểm dừng, tôi cho rằng đây là điểm bắt đầu và chúng ta bắt đầu trên một nền tảng mới, trên nền tảng cơ sở vật chất tương đối tốt, trên nền tảng đời sống tinh thần của người dân tương đối tốt. Vì vậy việc xây dựng NTM theo tiêu chí nâng cao sẽ thuận lợi hơn vì chúng ta có kinh nghiệm trong giai đoạn đầu, vì chúng ta có nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn, vì sự phối hợp của các ngành với người dân, với đoàn thể ngày càng tốt hơn. Để làm được việc này thì tỉnh cũng đã xây dựng bộ tiêu chí NTM nâng cao, trong năm 2019 này chúng tôi dự kiến có khoảng ba đến năm xã được công nhận theo tiêu chí NTM nâng cao, năm 2020 mỗi huyện có hai đến ba xã hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao.

Phóng viên: Vậy giải pháp cụ thể mà địa phương thực hiện để đạt mục tiêu đề ra là gì?

Đồng chí MAI HÙNG DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: Hiện nay tỉnh đang triển khai nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để làm được việc này thì tỉnh, huyện và các xã phải tập trung nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, các vùng nông thôn, như: triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm mà tỉnh đã có đề án nhằm đưa doanh nghiệp về nông thôn để hỗ trợ, phối hợp giữa doanh nghiệp và hội nông dân nhằm phát triển kinh tế hội; tiếp tục đầu tư nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân bằng cách tập trung đầu tư nâng cao cơ sở vật chất từ điện, đường, nước, y tế, văn hóa… Đây là những việc để thực hiện đạt mục tiêu mới cao hơn, và đưa ra những biện pháp cụ thể hơn nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!