“Ngày thầy trò” - bức tranh đẹp về nghĩa thầy trò trên toàn xã hội

NDO -

NDĐT - Liên tục trong 16 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm ngày 20-11, cầu truyền hình “Ngày thầy trò” mừng ngày Nhà giáo Việt Nam do MobiTV phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình VTC thực hiện đã thu hút hàng triệu khán giả theo dõi.

Bức ảnh đoạt giải nhất “Cô trò vùng cao” của tác giả Hoàng An.
Bức ảnh đoạt giải nhất “Cô trò vùng cao” của tác giả Hoàng An.

Ngoài 7 kênh truyền hình của MobiTV, đã có gần 30 kênh truyền hình tiếp sóng và live stream trên Facebook. Mobifone là nhà tài trợ kim cương, với công nghệ 4G hiện đại nhất giúp bảo đảm chất lượng phát sóng cũng như thực hiện ghi hình, kết nối trực tiếp tại các điểm cầu.

Xúc động trước sự tận tụy của thầy cô trên cả nước

Trước khi chương trình được thực hiện, đã từng có những lo lắng rằng, với 16 tiếng, làm sao để giữ được cảm xúc liên tục và người xem không chuyển kênh? Suốt 16 tiếng, chính khán giả cũng ngạc nhiên bởi mình đã liên tục bị lôi cuốn vào những cung bậc cảm xúc mà chương trình đem lại qua những lát cắt về tình cảm thầy trò, đạo học, đạo hiếu… trên mọi nẻo đường đất nước, từ điểm đầu của Tổ quốc, dưới chân cột cờ Lũng Cú, đến Đất mũi Cà Mau, ra đến nơi hải đảo xa xôi… Liên tục trong 16 tiếng, không khí về ngày 20-11 ở khắp mọi miền, tình cảm thầy trò, đặc biệt là tấm gương của các thầy cô giáo ở những nơi khó khăn nhất, ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất trong cuộc sống vẫn kiên cường vì thế hệ mai sau trong sự nghiệp “trồng người”… đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về những người giáo viên tận tụy với sự nghiệp giáo dục. Mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, từ các em nhỏ, những cựu học sinh tóc đã bạc, các nghệ sĩ, những người công nhân, nông dân, các giáo sư, tiến sĩ… đều cùng chia sẻ tình cảm với những người thầy đã có ảnh hưởng lớn đối với cuộc đời mình.

“Ngày thầy trò” - bức tranh đẹp về nghĩa thầy trò trên toàn xã hội ảnh 1

Giờ thể dục buổi sáng của thầy trò vùng cao Hà Giang.

Cùng với đó, là khối lượng lớn các phóng sự, tin tức về các thầy cô làm cay mắt người xem. Như hình ảnh của cô giáo Mơ, đã gạt bỏ đời sống riêng tư của mình, chấp nhận vất vả lặn lội đi dạy chữ cho những em nhỏ ở xã đảo Cần Giờ; cô giáo Đỗ Thị Thơm, Trường mầm non Chương Mỹ, Hà Nội có chồng làm lính ở đảo xa mỗi năm về 1-2 lần, con đã hơn 1 tuổi còn chưa từng được gặp mặt cha, hay cô giáo Hoài Thương (Khánh Hòa) dành hết tình yêu thương của mình cho học trò nhỏ là con người lính đảo, bởi chồng cô cũng là lính đảo… Chương trình đã kết nối trực tiếp giữa gia đình các cô giáo với những người chồng đang ở đảo xa khiến người xem rưng rưng.

Cô Đỗ Thị Thơm bày tỏ, nhờ “Ngày thầy trò”, ngày 20-11 năm nay ý nghĩa nhất đối với cô từ khi bước chân vào sự nghiệp giáo dục, mặc dù là sự hội ngộ gián tiếp qua màn hình, nhưng đó là giây phút “quây quần” hiếm hoi mà ấm áp của cả gia đình.

Cứ như thế, trong suốt 16 tiếng, những thước phim giá trị của chương trình đã làm người xem khi cười vì hạnh phúc, khi lại bồi hồi nhớ lại thầy cô của mình, khi cảm thấy cay mắt trước những câu chuyện của bao người thầy, người cô dẫu khó khăn vô cùng vẫn kiên cường với công việc, khi nghẹn ngào trước những người thầy đã hy sinh cuộc sống cá nhân, xa vợ con nhỏ, hy sinh niềm vui tuổi trẻ để vì ngày mai của học trò, đổi lấy hạnh phúc bình dị là niềm tin của gia đình học sinh, là những ánh mắt thơ ngây ham học…

Ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc chương trình chia sẻ: “Mặc dù trong xã hội vẫn có những chuyện này, chuyện kia, những ngổn ngang của ngành giáo dục, có điều không vui trong việc dạy, trong đạo lý của người đi học nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, đất nước ta là đất nước của những người coi trọng sự học, đất nước có rất nhiều thầy cô giáo giản dị, cần cù, dốc hết sức mình cho sự nghiệp trồng người”.

“Ngày thầy trò” đã thành ngày hội “tôn sư trọng đạo” của toàn dân

“Ngày thầy trò” - bức tranh đẹp về nghĩa thầy trò trên toàn xã hội ảnh 2

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng tới các thầy cô và học sinh thông qua chương trình.

Một sự kiện đặc biệt của “Ngày thầy trò”, đó là sự kiện Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng tới các thầy và trò thông qua chương trình. Đây cũng là chương trình đầu tiên Chủ tịch nước xuất hiện nhiều lần trong chương trình với những lời chia sẻ đầy thấu hiểu tới thầy cô và học sinh ở mọi nơi như Lũng Cú (Hà Giang), đất mũi Cà Mau, hay vùng đất đang gánh chịu hậu quả bão lũ ở Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh). Không chỉ thế, Chủ tịch nước còn quan tâm đến những cá nhân cụ thể như cô giáo Vừ Thị Thu, gia đình khó khăn của cô giáo Đào (Hua Bum - Lai Châu), hay em nhỏ nghèo Thái Văn Hiếu (Hà Tĩnh)… Cô giáo Đào đã xúc động ngân ngấn nước mắt khi được người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước quan tâm đến cá nhân mình. Sự thăm hỏi giản dị mà ân cần đó, đã khiến những người giáo viên, những người học trò phấn chấn hơn, tin tưởng hơn vào tương lai và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới sự nghiệp giáo dục ở mọi miền đất nước.

Bên cạnh đó, chương trình cũng đón nhận sự quan tâm, chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành... Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ sự xúc động khi được xem những phóng sự về các thầy cô đã vượt lên bao khó khăn vì học sinh thân yêu ở mọi miền và gửi lời chúc đến các thầy cô giáo.

Hòa chung với sự động viên của các đồng chí lãnh đạo, khán thính giả ở khắp mọi miền cũng đã có những sẻ chia cùng các thầy cô, cũng như có những đóng góp về công tác giáo dục. Sự tương tác đặc biệt ấy đã tạo cảm hứng cho hàng vạn khán giả gửi lời chúc đến các thầy cô thông qua chương trình và nồng nhiệt tham gia cuộc thi ảnh tình thầy trò với hàng nghìn bức ảnh. Kết quả, giải nhất thuộc về bức ảnh ý nghĩa “Cô trò vùng cao” của tác giả Hoàng An. Công nghệ 4G hiện đại bậc nhất của Mobifone không chỉ giúp các điểm cầu kết nối trực tiếp với chất lượng bảo đảm nhất, mà còn giúp việc nhận tin chúc mừng, hình ảnh dự thi được liên tục, thông suốt.

“Ngày thầy trò” - bức tranh đẹp về nghĩa thầy trò trên toàn xã hội ảnh 3

Đón nhận lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ Lũng Cú từ chiến sĩ Bộ đội biên phòng Lũng Cú (Hà Giang).

Đại diện lãnh đạo MobiTV chia sẻ, “Ngày thầy trò” đã không những là ngày tạo nên cú hích đối với nhận thức và tình cảm của các tầng lớp nhân dân, góp phần thiết thực vào việc xây dựng một xã hội học tập, mà còn là ngày hội của những người làm truyền hình. Chương trình đã quy tụ hàng nghìn cán bộ kỹ thuật, phóng viên, biên tập viên ở mọi miền đất nước. Với 16 tiếng, vượt qua biết bao khó khăn vì các điểm cầu phần lớn đều ở những vùng khó khăn, thậm chí là xa xôi hẻo lánh, mà vẫn phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật khắt khe để chất lượng truyền dẫn tốt nhất là điều không hề dễ dàng. Việc tổ chức sản xuất cũng rất phức tạp, cần sự phối hợp ăn ý giữa rất nhiều bộ phận ở mỗi đài truyền hình, giữa các kênh khác nhau ở các đài khác nhau. Bởi vậy, “Ngày thầy trò” đã là ngày hội của những người làm truyền hình, là một chiến dịch chung mà mỗi đài, mỗi kênh là một “cánh quân” cùng góp sức vào thành công chung.

“Với sự đầu tư sản xuất chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng khuôn hình, cùng khối lượng phóng sự, tin tức, phỏng vấn, tọa đàm… đan xen với những tiết mục văn nghệ, ca nhạc, phim tài liệu… vô cùng đồ sộ, hiếm có, chúng tôi tin rằng những gì chúng tôi làm đã góp phần “truyền lửa” đến xã hội, giúp mọi người trân quý hơn đạo học nghìn đời của người Việt mình” – lãnh đạo MobiTV phát biểu.

Và đó cũng chính là điều khiến lần đầu tiên những người thực hiện một chương trình truyền hình được trao tặng món quà vô giá, đó là Lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú từ những chiến sĩ Bộ đội biên phòng Lũng Cú (Hà Giang).