Bất cập trong việc phát triển thủy điện ở Hà Giang

Thời gian qua, Báo Nhân Dân nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về những bất cập trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai một số dự án phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, những bất cập này chậm được xử lý, phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình xây dựng, Công ty Thuận Hòa đã tự ý san ủi đất, đá xuống vùng lòng hồ thủy điện Sông Miện 5, gây tranh chấp, khiếu kiện.
Trong quá trình xây dựng, Công ty Thuận Hòa đã tự ý san ủi đất, đá xuống vùng lòng hồ thủy điện Sông Miện 5, gây tranh chấp, khiếu kiện.

Bất cập trong quy hoạch...

Hà Giang là tỉnh có địa hình tự nhiên phù hợp việc phát triển xây dựng thủy điện vừa và nhỏ. Từ năm 2005, Hà Giang xác định phát triển thủy điện là một trong những ngành công nghiệp mới của tỉnh, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, UBND tỉnh Hà Giang đã quy hoạch 72 dự án thủy điện. Ðến tháng 4-2013, sau khi cùng Bộ Công thương rà soát các dự án thủy điện, UBND tỉnh đã loại 27 trong số 72 dự án ra khỏi quy hoạch vì năng lực yếu, không khả thi. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh còn lại 46 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy là 774,8 MW; trong đó, các dự án thủy điện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm 13 dự án, tám dự án đã và đang triển khai xây dựng, 25 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư đang hoàn thiện để tổ chức khởi công hoặc có chủ trương đầu tư giao cho các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư.

Trong quá trình đầu tư phát triển thủy điện ở Hà Giang đã xuất hiện những bất cập như: Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chưa sát với thực tế, chưa khoa học dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh và loại bỏ nhiều dự án ra khỏi quy hoạch. Việc xây dựng nhà máy thủy điện đã chiếm dụng đất nông nghiệp, đất rừng, đồng ruộng để làm hồ. Thủy điện hình thành bậc thang từ thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, chế độ thủy văn, ảnh hưởng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa cho con người. Năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, việc quản lý hồ sơ thủ tục các dự án còn nhiều thiếu sót, dẫn đến việc triển khai một số dự án còn chậm. Việc xây dựng nhà máy thủy điện chưa đồng bộ với xây dựng hệ thống truyền tải điện, dẫn đến không phát huy hết công suất các nhà máy, gây lãng phí cho doanh nghiệp và cho xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành còn yếu, các ngành chức năng chưa tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết xử lý kịp thời các lỗi vi phạm của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công về bảo đảm chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, tiến độ thực hiện dự án...

Theo Nghị định số 99/2010/NÐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR), quy định doanh nghiệp bán mỗi KW điện phải trả 20 đồng tiền dịch vụ MTR. Số tiền này dành để cấp cho những người dân mất đất rừng, đất sản xuất thuộc lưu vực các nhà máy thủy điện. Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang) Ðinh Xuân Lượng cho biết: Số tiền hiện nay mà 10 doanh nghiệp thủy điện nợ phí dịch vụ MTR đã lên đến con số 38 tỷ đồng. Về việc nhiều doanh nghiệp thủy điện mặc dù đã nộp đầy đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước, nhưng lại chây ỳ chưa nộp tiền phí dịch vụ MTR, ông Lượng cho biết: Các doanh nghiệp thủy điện chậm nộp tiền với lý do là họ đang tập trung trả những nguồn vốn vay (đầu tư ban đầu) cho các ngân hàng. Ðể đôn đốc các doanh nghiệp trả tiền đúng hạn, vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản gửi các doanh nghiệp còn nợ tiền dịch vụ MTR nếu đến hết ngày 30-9-2015 mà không trả, UBND tỉnh sẽ có văn bản báo cáo Bộ Công thương đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động...

Tham mưu không đúng gây tranh chấp

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang rất khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp giữa Công ty cổ phần thủy điện Sông Miện 5 (Công ty Sông Miện 5) và Công ty cổ phần thủy điện Thuận Hòa (Công ty Thuận Hòa) trong việc sử dụng hành lang bảo vệ cũng như việc thi công xây dựng thủy điện trên dòng sông Miện. Theo phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đã có mặt tại khu vực ranh giới tranh chấp giữa hai công ty và nhận thấy phản ánh của bạn đọc về việc Công ty Thuận Hòa tự ý ủi đất đá xuống lòng hồ thủy điện Sông Miện 5 là chính xác.

Theo chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp nói trên là do việc Sở Công thương tỉnh Hà Giang tham mưu không đúng trong việc lập, thẩm định và phê duyệt bổ sung dự án thủy điện Thuận Hòa. Theo phương án được phê duyệt thì thủy điện Sông Miện 5 có mực nước dâng bình thường là 155 m; cao trình đỉnh đập là 159,8 m; ranh giới vùng lòng hồ đã giải phóng mặt bằng và được cấp sổ đỏ theo Nghị định 112 của Chính phủ đến cao trình 163 m. Và dự án thủy điện Thuận Hòa (Sông Miện 4) do Công ty Thuận Hòa làm chủ đầu tư có công suất là 13,5 MW được phê duyệt tháng 1-2005. Trong năm 2011, chủ đầu tư dự án thủy điện Thuận Hòa đã lập hồ sơ thiết kế cơ sở nâng chiều cao đập, hạ vị trí xây dựng nhà máy xuống vùng lòng hồ thủy điện Sông Miện 5 để tăng công suất từ 13,5 lên 30 MW. Hồ sơ điều chỉnh vị trí xây dựng để tăng công suất nói trên đã được Bộ Công thương tiếp nhận và sau đó Bộ Công thương đã có văn bản trả lời số 8958/BCT-TCNL ngày 28-9-2011 do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký. Trong văn bản này nêu rõ, phải kiểm tra lại sự phù hợp của dự án thủy điện Thuận Hòa với quy hoạch các dự án thủy điện khác và quy hoạch mỏ sắt Tùng Bá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 124/QÐ-TTg ngày 30-5-2006 và cần cập nhật các mực nước thiết kế hồ chứa thủy điện Sông Miện 5 phía dưới hạ lưu đang vận hành và có văn bản báo cáo Bộ Công thương. Nhưng bất chấp các nội dung đã được Bộ Công thương nêu rõ tại Văn bản số 8958/BCT-TCNL và Nghị định 112/2008 của Chính phủ quy định rõ tại các Ðiều 3, Ðiều 5 và Ðiều 8, trong đó nêu rõ: ... xây dựng công trình mới chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý của chủ đập..., Sở Công thương tỉnh Hà Giang đã tự ý chấp thuận toàn bộ hồ sơ thiết kế của chủ đầu tư để điều chỉnh tăng công suất Nhà máy thủy điện Thuận Hòa từ 13,5 MW lên 38 MW tại Thông báo kết quả thẩm định số 18/TB-SCT ngày 25-4-2014. Việc Thông báo kết quả thẩm định nói trên dẫn tới việc vi phạm của chủ đầu tư thủy điện Thuận Hòa, đó là: Thi công chồng lấn lên vùng lòng hồ thủy điện Sông Miện 5, gây ô nhiễm môi trường và gây tai nạn nghiêm trọng làm ba người chết.

Trong buổi làm việc với chúng tôi ngày 19-5-2015, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hà Giang cho rằng, việc tham mưu để UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy điện Thuận Hòa từ 13,5 MW lên 38 MW là tuân thủ đúng theo các quy định. Tuy nhiên, căn cứ vào những hồ sơ tài liệu do chính lãnh đạo Sở Công thương cung cấp thì có nhiều mâu thuẫn: Tại buổi làm việc với Bộ Công thương, UBND tỉnh Hà Giang đã đề nghị Bộ cho ý kiến đối với việc điều chỉnh quy hoạch Nhà máy thủy điện Thuận Hòa từ 13,5 MW lên 38 MW. Do vậy, từ kết luận của Bộ trưởng tại Thông báo số 325/TB-BCT ngày 12-10-2011, tỉnh Hà Giang coi như Bộ Công thương đã có ý kiến điều chỉnh đối với dự án thủy điện này. Nhưng theo nội dung Thông báo số 325/TB-BCT của Bộ Công thương gửi Tỉnh ủy, HÐND và UBND tỉnh Hà Giang lại hoàn toàn khác, cụ thể: Ðối với đề xuất để UBND tỉnh Hà Giang được chủ động phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch thủy điện, Bộ Công thương cho rằng, việc chủ động xem xét phê duyệt việc điều chỉnh thông số quy hoạch của các dự án thủy điện thuộc phạm vi thẩm quyền quyết định của tỉnh, khi điều kiện thực tế thay đổi không lớn (công suất thay đổi không đáng kể, không ảnh hưởng đến các dự án thuộc đơn vị khác trên cùng hệ thống sông...). Như vậy, việc Sở Công thương tham mưu điều chỉnh quy hoạch Nhà máy thủy điện Thuận Hòa từ 13,5 MW lên 38 MW (gần gấp ba lần công suất so với trước đây) là hoàn toàn không đúng với nội dung tại Thông báo số 325/TB-BCT của Bộ Công thương.

Trao đổi về việc giải quyết tranh chấp liên quan việc chồng lấn trong việc sử dụng hành lang bảo vệ cũng như việc thi công xây dựng thủy điện trên dòng sông Miện giữa Công ty Sông Miện 5 và Công ty Thuận Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Về những thắc mắc, kiến nghị của Công ty Sông Miện 5 và Công ty Thuận Hòa, ngày 6-1-2015, UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định số 16/QÐ-UBND về việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành. Khi nào đoàn thanh tra có Kết luận thì UBND tỉnh sẽ thông tin khách quan để các bên biết và thực hiện.

Trước thực trạng trên, đề nghị các bộ, ban, ngành của Trung ương cũng như tỉnh Hà Giang sớm khắc phục những bất cập trong việc phát triển các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, để điện lưới quốc gia đến với từng hộ gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo nơi địa đầu Tổ quốc.

"Ðến nay, việc tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang không những đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư, mà còn thu hút được lao động tại chỗ của địa phương, tạo ra nguồn thu cho ngân sách ổn định hàng trăm tỷ đồng mỗi năm".

ÐÀM VĂN BÔNG

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

"Một số đơn vị chưa nộp tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, kịp thời, nợ đọng tiền dịch vụ môi trường do chưa có chế tài xử lý vi phạm. Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 157/2013/NÐ-CP của Chính phủ theo hướng: Ðối với những đơn vị chậm nộp tiền phí dịch vụ môi trường rừng đề nghị mức xử phạt cao nhất lên đến 50 triệu đồng".

ÐINH XUÂN LƯỢNG

Giám đốc quỹ bảo vệ và phát triển rừng

(Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang)