Nên gọi là gì?

Ai cũng thấy ông ta là người có ý chí vươn lên. Khởi nghiệp không có bằng cấp cao nhưng rồi vừa làm vừa học ông ấy cũng có được bằng đại học rồi cao học. Công việc lúc đầu bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen dần, được cất nhắc lên chức lãnh đạo từ nhỏ rồi nhơ nhỡ ở một cơ quan không nhỏ... Con người có khát vọng vươn lên thật sự là một tấm gương. Nhưng những người từng làm việc lâu năm với ông vẫn không hài lòng vì sự đánh giá ấy.

- Họ không đồng ý vì lý do gì?

- Chính là cái từ "khát vọng" mà một số người không hiểu rõ về ông ấy đã đánh giá.

- Phải có bằng chứng gì chứ?

- Phải nhận rằng ông là người có "ý chí" vươn lên, đó cũng là điều đáng học, không thể tranh cãi, nhưng ý chí vươn lên để cống hiến cho xã hội, cho tập thể thì mới có thể gọi là con người có khát vọng cống hiến, không chỉ vì mình mà còn vì cộng đồng. Nhưng ông ta không được như thế.

- Thì ông thử nói xem?

- Các ông và tôi đều làm việc với ông ta, nhưng có thấy ông ta thường "nói quá" lên những gì mình làm được?

- Có thế! - Các ông có thấy trong các cuộc bình bầu những người vào danh sách quy hoạch, tăng lương những lần không được ông ta đều tỏ ra cay cú, nói xấu những người có trong danh sách vượt ông ta! - Cũng thấy rõ, nhưng xem ra cũng là thường tình của những người có khát vọng vươn lên.

- Những người luôn tìm cách đánh bóng tên tuổi mình, hay cay cú được thua khi tranh giành địa vị, đố kỵ với đồng nghiệp và đặc biệt là có lắm mưu mô để "vươn lên" thì phải đánh giá với từ khác.

- Từ gì?

- Sống trên đời phải có ý chí vươn lên nhưng đòi hỏi quá mức đức độ, tài năng của mình, rồi đố kỵ, mưu mô, luồn lách là con người có những "tham vọng" với nghĩa không tốt đẹp! - Thì ra "khát vọng" lại rất gần với "tham vọng"!