Khắc phục hạn chế của các lễ kỷ niệm

Dự thảo Nghị định quy định ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) soạn thảo đang trong quá trình xin ý kiến. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước thực trạng ngày càng tràn lan các lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống thì những quy định nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế là vô cùng cần thiết, đặc biệt là các buổi lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí.

Các lễ kỷ niệm thường phải chi một khoản kinh phí không nhỏ cho các phần quà.
Các lễ kỷ niệm thường phải chi một khoản kinh phí không nhỏ cho các phần quà.

Lễ kỷ niệm cả ngàn người "ngốn" hết bao nhiêu tiền?

Theo thống kê sơ bộ của Cục Văn hóa cơ sở, hiện có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành và địa phương. Số lượng nhiều và xu hướng ngày càng nở rộ nhưng việc quy định cụ thể về tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống… cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục. Mạnh ai nấy làm, mỗi cơ quan, đơn vị tổ chức một cách thức khác nhau.

"Dư luận ồn ào chung quanh chuyện một địa phương chi cả chục tỷ đồng để mua quà tặng nhân kỷ niệm ngày tái lập tỉnh. Nhiều tỷ đồng khác cũng được vung ra cho những hoạt động lễ lạt, màu mè không cần thiết. Việc mời khách trong các buổi lễ quá đông, tràn lan không còn là hiếm. Ðương nhiên, việc chiêu đãi, tặng quà kèm theo cũng đã gây nên nhiều lãng phí, tốn kém, khiến dư luận và nhân dân bức xúc...", bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở chia sẻ.

Một câu hỏi lớn cũng được đặt ra trước thực trạng này? Có thống kê nào cho thấy mỗi lễ kỷ niệm mời đến hàng nghìn quan khách đó đã "ngốn" hết bao nhiêu tiền? Phô trương, lãng phí dường như còn là một khái niệm mang tính hình dung nhưng chưa làm bộc lộ hết thực chất của những bất hợp lý khi mỗi năm, có quá nhiều ngày kỷ niệm như vậy được tổ chức.

Cũng theo đánh giá thực trạng từ Cục Văn hóa cơ sở, thiếu các quy định chi tiết về quy mô, nghi thức và quy trình buổi lễ, thành phần và số lượng khách mời trong các văn bản luật đã dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị tự tổ chức các lễ kỷ niệm với quy mô ngày càng phình đại. Nhiều nghi thức rườm rà, thành phần, số lượng khách mời quá đông, gây tốn kém và ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Dự thảo Nghị định về ngày truyền thống, ngày thành lập của các bộ, ngành, địa phương, vì vậy, được nhận định là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý, đưa việc tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống ở các cấp theo hướng quy định cụ thể về quy mô, nghi thức và quy trình buổi lễ, thành phần, số lượng khách mời. Qua đó khắc phục những hạn chế trong việc quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống trong thời gian qua, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Cơ sở pháp lý cần thiết

Khắc phục những bất cập, dự thảo Nghị định này lần đầu tiên đã đưa ra những quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, quy định chi tiết về quy mô, nghi thức cũng như quy trình, thành phần, số lượng khách mời của các lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống.

Theo Dự thảo Nghị định, việc công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống trong thời gian tới sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh. Mục tiêu của quy định này nhằm xóa bỏ hiện tượng công nhận tràn lan, không rõ ràng về thẩm quyền. Ðồng thời, nhằm đơn giản, minh bạch hóa các thủ tục và loại bỏ, giảm thiểu những thủ tục rườm rà, gây trở ngại cho việc phát triển các quan hệ xã hội; góp phần giảm lãng phí, tốn kém.

Ðồng tình với những quan điểm về sự cần thiết phải siết chặt các quy định hướng đến sự tiết kiệm, tránh lãng phí trong tổ chức các lễ kỷ niệm, trả lời báo chí, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nước ta đang có quá nhiều lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, với những con số kinh phí khổng lồ đã chi ra thì thiết thực hơn cả là những hoạt động lao động sản xuất, thái độ làm việc tích cực chứ không phải là tụ tập, múa hát, tổ chức những buổi lễ na ná nhau.

Liên quan một số quy định mang tính cụ thể về đối tượng, quy mô, thành phần khách mời, ông Lê Như Tiến nhận định: "Mục đích hướng đến của Nghị định là nhằm siết chặt các lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí. Ðiều này rất cần thiết và đáng hoan nghênh. Vì thế, tôi cho rằng những quy định cụ thể ở dự thảo Nghị định cũng phù hợp và cần thiết". Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đề xuất, đối với những quy định cụ thể về thành phần, số lượng khách mời, trong quá trình triển khai cần tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao cần phân công trách nhiệm với nhau nhằm bảo đảm tính khả thi của Nghị định. Như vậy cũng sẽ tránh tình trạng vừa lãng phí thời gian, công sức, vừa lãng phí tiền bạc và các cơ sở vật chất khác...

Trong quá trình triển khai xin ý kiến, dự thảo Nghị định cũng thu hút sự quan tâm của dư luận với những quy định cấm được nêu rõ: Cấm lợi dụng hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm nhằm mục đích chống phá đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cấm buổi lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí; cấm tổ chức kỷ niệm các ngày thành lập, ngày truyền thống mà chưa được các cấp có thẩm quyền công nhận.

Dự thảo Nghị định hiện đang trong quá trình thẩm định trước khi Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.