Giàu sang

Trong thời kỳ đổi mới, đời sống nhân dân ngày một khá giả, một số người giàu, có người rất giàu, điều đó có phần mừng. Sở dĩ chỉ nói "có phần" mừng vì còn không ít người nghèo thậm chí rất nghèo, khoảng cách giàu nghèo ngày càng cách xa cho nên chưa hẳn vui.

Nhưng giàu nghèo vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Hãy nói chuyện "Nghèo". Còn nhớ trong dịp kỷ niệm năm chẵn giỗ Tổ Hùng Vương năm 2000. Có bài văn đọc trước mộ Tổ ở Đền Hùng nói thân phận "nghèo hèn" của dân tộc. Nghe thế có người không đồng tình. Họ cho rằng, với từng người thì có thể nghèo hèn, nghèo dẫn tới hèn, còn dân tộc ta trong lịch sử thì nghèo ai cũng thấy rõ nhưng không bao giờ hèn, nghèo thì khổ, thì khó nhưng nghèo không nhất thiết hèn. Xưa đã vậy nay càng phải thế. Ý kiến đó được nhiều người chia sẻ.

Rồi lại nói chuyện "Giàu". Nhưng giàu cũng có năm ba kiểu giàu. Làm ăn chính đáng với sự cần cù và sáng tạo được kính trọng. Nhưng giàu do tham nhũng, lừa đảo là phạm pháp. Giàu do dùng thủ đoạn bóc lột tài nguyên, chèn ép người lao động, lợi dụng sơ hở của chính sách thì không đáng kính trọng. Còn giàu có nhưng không sang trọng, cũng bị coi thường. Ông cha ta nói "Giàu sang" không chỉ nói "giàu".

Nhưng "sang" là gì? Tự điển định nghĩa: sang là lịch sự, e rằng chưa đủ. Theo sự hiểu biết của dân chúng thì người giàu mà không sang là người giàu tiền của nhưng kém kiến thức hay gọi là những người "túi to, đầu bé", là những người giàu có nhưng khoe khoang, hợm của, thích sắm những thứ đắt tiền nhưng kệch cỡm, rồi ứng xử kênh kiệu, ỷ thế đồng tiền không coi ai ra gì... Đó là những người không đáng kính trọng, thậm chí bị xã hội coi khinh.

Người đời thật tinh tường. Nghèo nhưng chớ hèn, giàu nhưng phải sang!