Ðánh thức những lãng quên

Mấy năm trở lại đây, sách di sản có dịp "nở rộ", với sự tham gia của nhiều tác giả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, trong đó, nhiều tác giả tuổi đời rất trẻ. Ðây là tín hiệu vui cho lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nhiều di sản không dễ tiếp cận công chúng. Sách di sản cũng vậy.

Nhờ cuốn sách, những ký ức về một dòng tranh cũ đã được khơi gợi lại.
Nhờ cuốn sách, những ký ức về một dòng tranh cũ đã được khơi gợi lại.

Cuốn sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng" (NXB Thế Giới, 2019) vừa ra mắt chưa lâu, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, đồng tác giả của cuốn sách cho biết, sách đã bán hết veo. Nhiều người lùng mua không được đã tìm đến tác giả để giục tái bản. Cuốn sách đã "đánh thức" suy nghĩ của mọi người về một dòng tranh, vốn chìm vào quên lãng.

Tranh dân gian Kim Hoàng (xã Vân Canh, Hoài Ðức, Hà Nội) đã thất truyền 70 năm, từ những năm 40 của thế kỷ trước. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chính là người đã dày công tìm những mẫu tranh cổ của tranh Kim Hoàng, kể cả tìm mua sách về tranh dân gian ở nước ngoài. Căn cứ vào đó, chị phối hợp các nhà điêu khắc, họa sĩ tái tạo ván khắc, chế mầu để khôi phục hàng chục mẫu tranh. Quá trình khôi phục tranh Kim Hoàng chị nhận thấy, tư liệu về tranh Kim Hoàng tản mát, rất thiếu thông tin. Những thông tin quý nhất lại do người Pháp thực hiện. Tích lũy được nhiều tư liệu quý, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã phối hợp PGS Trịnh Sinh, nhà nhiếp ảnh Lê Bích để cho ra đời cuốn sách. Ðây là "cẩm nang" khá đầy đủ về dòng tranh dân gian Kim Hoàng cho đến nay, từ hoàn cảnh, không gian ra đời, cho đến kỹ thuật làm tranh, quá trình khôi phục tranh, những mẫu tranh quý…

Một thời gian dài, những cuốn sách về di sản thường chỉ trông chờ vào công trình của các cơ quan nghiên cứu, hay một số học giả "lão làng". Những năm gần đây, câu chuyện sách di sản đã thay đổi. Sách di sản đã thu hút nhiều đối tượng, ở những lứa tuổi khác nhau tham gia. Trong đó, có nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư ở lứa tuổi 8x, 9x. Cũng về tranh dân gian, cách đây một năm, nhóm S-River, với người sáng lập là nhà thiết kế Trịnh Thu Trang (Trường ÐH Kiến trúc) cho ra mắt cuốn sách "Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống". Khác với "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng", "Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống" hướng đến ứng dụng của tranh Hàng Trống vào trang trí, thiết kế đương đại. Các họa tiết của tranh Hàng Trống được các tác giả khai thác, phối hợp lại thành những hoa văn "mới mà cũ". Ðây là "nguyên liệu" để ứng dụng trong thiết kế mỹ thuật hiện đại.

Những đại diện trẻ tuổi khác phải kể đến nhóm Ðại Việt Cổ Phong với cuốn sách "Hoa văn Ðại Việt", "Lịch sử thư pháp Việt Nam" của Nguyễn Sử hay "Ngàn năm áo mũ" của Trần Quang Ðức. Các tác giả trẻ tuổi đều "khai phá" những lĩnh vực mới mẻ, có cách tiếp cận mới trong nghiên cứu di sản. Cuốn "Hoa văn Ðại Việt" là cuốn sách tô mầu đầu tiên mà các hình tô mầu đều được số hóa từ những họa tiết hoa văn trang trí nổi tiếng của Việt Nam qua các triều đại, từ Lý, Trần, Lê cho đến Nguyễn. Ðể có thể tạo ra những mẫu tô mầu từ họa tiết trang trí cổ truyền, các tác giả phải trải qua quá trình lâu dài sưu tập, nghiên cứu, "véc-tơ hóa" hệ thống hoa văn. Cuốn "Lịch sử thư pháp Việt Nam" cho độc giả cái nhìn toàn diện về di sản thư pháp - một di sản vốn chưa được đề cập, nghiên cứu đầy đủ. Cuốn sách cũng góp phần làm rõ những tranh luận vấn đề liên quan đến thư pháp Việt Nam lâu nay.

Các di sản, di tích cũng được quan tâm hơn trong thời gian gần đây. Cuốn "Song xưa phố cũ" của tác giả Trần Hậu Yên Thế đề cập đến một lĩnh vực mà nhiều người "bỏ quên" - đó là trang trí sắt mỹ nghệ trong kiến trúc Hà Nội đầu thế kỷ 20. Cuốn sách đem đến cho độc giả sự ngạc nhiên về khả năng dung hợp văn hóa Ðông - Tây của cha ông ta trong trang trí sắt mỹ nghệ - thứ trang trí mới được du nhập khi người Pháp đô hộ Việt Nam. Trần Hậu Yên Thế cũng là chủ biên của cuốn "Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa". Ðây là lần đầu tiên, linh vật nghê được nghiên cứu toàn diện và đầy đủ. Ngoài ra, còn phải kể đến những bộ sách về kiến trúc đình, chùa, trang trí di tích của Viện Bảo tồn Di tích. Ở những cuốn sách này, Viện Bảo tồn Di tích đã chú trọng hơn đến những độc giả phổ thông, thông qua việc tăng cường những hình ảnh, bản vẽ để độc giả dễ tiếp cận. Cuối năm 2018, có một cuốn sách gây chú ý là "Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại". Ðiểm đặc biệt của cuốn sách này là Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương tài trợ kinh phí, theo đề xuất của Trung tâm Nghiên cứu
và phát huy giá trị di sản văn hóa, thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Cuốn sách gợi mở việc thu hút các tổ chức xã hội làm sách di sản, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Việc nhiều tổ chức, cá nhân từ chuyên nghiệp đến không chuyên tham gia lĩnh vực xuất bản sách di sản là một tín hiệu vui cho công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa Việt. Song, do tính tự phát, nên mạnh ai nấy làm. Nhiều lĩnh vực cần quan tâm, nhưng các tác giả chưa thể đầu tư. Và khó khăn nhất của các tác giả là quá trình "tự bơi". Nhiều di sản không dễ để công chúng tiếp nhận. Sách về di sản cũng vậy. Trong khi đó, muốn nghiên cứu, xuất bản sách thì cần có kinh phí. Một số tác giả phải làm sách theo hình thức gây quỹ từ cộng đồng. Nếu nguồn quỹ hạn hẹp, thì sách rất khó ra đời. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên xây dựng các quỹ để hỗ trợ, lựa chọn đầu tư cho những cuốn sách thật sự giá trị, góp phần khuyến khích, "khơi thông" dòng chảy sách di sản.