Xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng

Mặc dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, song hiện nay, trên thị trường, việc bày bán tràn lan hàng giả, hàng nhái các thương hiệu uy tín và nổi tiếng trên thế giới, thậm chí cả hàng Việt Nam chất lượng cao đang diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp. Tình trạng sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, mẫu mã... đã xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng lớn tới sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

Cán bộ quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm. Ảnh: QUYÊN LƯU
Cán bộ quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm. Ảnh: QUYÊN LƯU

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tập trung kiểm tra một số cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền bắc. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ hơn 2.000 sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như: kính mắt giả nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci; quần áo giả nhãn hiệu Dior, Nike, Adidas… Không chỉ quần áo, các sản phẩm đồng hồ, kính mắt giả thương hiệu nổi tiếng cũng được bán với số lượng lớn, thậm chí được bán theo cân với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng/chiếc, trong khi đó sản phẩm thật ngoài thị trường có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/chiếc. Lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết: “Các tiểu thương ở khắp nơi thường về đây nhập hàng và bán ra cho người có thu nhập thấp, thích sử dụng hàng hiệu, nhưng không có đủ điều kiện kinh tế để có thể sở hữu những sản phẩm chính hãng”.

Hiện nay, ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là các mặt hàng tiêu thụ nhiều, có giá trị cao như dược phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, quần áo, đồ gia dụng, hàng điện tử, hàng tiêu dùng… với quy mô và tính chất rất nghiêm trọng. Nhất là thủ đoạn bóc nhãn xuất xứ từ nước ngoài để ghi xuất xứ sản phẩm Việt Nam, nhiều cơ sở, doanh nghiệp thậm chí còn gửi hồ sơ xin công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao để bán được hàng. Không chỉ với mỹ phẩm, các sản phẩm bánh kẹo, quần áo, giày dép cũng không có nhãn mác, hoặc có thì thông tin sản phẩm cũng bị làm sai lệch. Đáng chú ý hơn, tình trạng một số nhà sản xuất cố tình đặt nhãn hàng hóa có tên gọi gần giống với nhãn hàng của những thương hiệu uy tín để gây sự nhầm lẫn với người tiêu dùng. Chẳng hạn như bột giặt OMON có tên gần giống với tên bột giặt OMO, nước uống đóng chai Aquafinal gần giống tên nước uống đóng chai Aquafina, nước khoáng Lavillle gần giống với sản phẩm La Vie...

Trên thực tế, hầu như ngày nào cũng phát hiện những vụ kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước bức xúc vì hầu như tất cả mọi loại hàng hóa họ sản xuất ra chỉ một thời gian sau sẽ xuất hiện những sản phẩm nhái nhãn hiệu tương tự. Ông Nguyễn Thanh An, chủ một doanh nghiệp sản xuất khăn ăn và giấy vệ sinh ở Bắc Ninh chia sẻ, doanh nghiệp này đã bị thiệt hại hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vì bị nhái nhãn hiệu, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào để giải quyết triệt để.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, trước tình trạng kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, ngành chức năng đã tiến hành việc dán tem kiểm soát, tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ được áp dụng cho nhiều mặt hàng nhập khẩu cũng như hàng hóa trong nước, từ rượu, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, quần áo, hoa quả... Tuy nhiên, còn nhiều bất cập trong sử dụng tem, mục tiêu ngăn chặn hàng giả chưa như mong muốn. Như tem kiểm soát dán trên các chai rượu nhập khẩu vẫn có thể gặp hiện tượng dù đã bóc khỏi chai rượu nhưng tem vẫn còn nguyên vẹn và có thể tiếp tục dán lên chai rượu khác.

Trước tình trạng gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Song, do lợi nhuận cao, chênh lệch về giá giữa hàng hóa ở trong nước và ngoài nước rất lớn, cho nên phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp. Để công tác chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng cần có những cải tiến về chất lượng, mẫu mã cũng như giá thành của sản phẩm, nhằm đưa các sản phẩm Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, cần tự nâng cao kiến thức của mình, chọn mua các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để góp phần ngăn chặn hàng giả.

Thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng không dám đấu tranh, vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mình. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhiều, cơ quan quản lý thị trường cũng xử lý hàng chục nghìn vụ, nhưng hàng giả vẫn tràn lan. Công tác chống hàng giả ngày càng khó khăn, ngay từ nhận diện hàng giả, phát hiện ra đối tượng để xử phạt.

TRẦN HỮU LINH

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, Bộ Công thương

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa được ngăn chặn triệt để là do hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe. Đối với các hành vi vi phạm, mức phạt còn rất thấp so với hậu quả mà các tổ chức, cá nhân đã gây ra cho xã hội.

Luật sư NGUYỄN VĂN HƯNG

(Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng, Hà Nội)

Sự đa dạng cả về mẫu mã, giá cả và sự phong phú về chủng loại khiến người tiêu dùng khó lòng nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Tác động của hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh… giả mà còn khiến các nhà sản xuất lao đao.

NGUYỄN VĂN HẢI

Chuyên gia kinh tế