Trên tuyến đầu chống dịch

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cùng người dân cả nước đã nỗ lực triển khai và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Góp phần để những giải pháp này trở nên thật sự hiệu quả; từng bước đẩy lùi dịch bệnh, không thể không nhắc đến những tấm gương, vai trò xung kích trên tuyến đầu của những đoàn viên thanh niên, bộ đội biên phòng (BĐBP), Mẹ Việt Nam Anh hùng hay những bác sĩ hết lòng vì người bệnh…

Đồn Biên phòng Xín Cái (Hà Giang) phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tặng khẩu trang y tế cho người dân. Ảnh: Khánh Toàn
Đồn Biên phòng Xín Cái (Hà Giang) phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tặng khẩu trang y tế cho người dân. Ảnh: Khánh Toàn

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, cùng với việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tại TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động, ý nghĩa, thắm tình đoàn kết, sẻ chia trong xã hội. Trong hàng trăm câu chuyện, nhân vật thiện nguyện đó, hình ảnh của Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, ngụ ở khu phố 6, phường 5 (quận Gò Vấp), khiến chúng tôi không khỏi cảm động mỗi khi nghĩ đến mẹ. 97 tuổi, ông trời vẫn ban cho mẹ Quýt sự minh mẫn, lanh lẹ nên khi hay tin có thứ dịch bệnh nguy hiểm ập đến, người dân phải sử dụng khẩu trang để phòng bệnh, vậy là mẹ lại ngồi vào chiếc máy khâu quen thuộc để cho “ra đời” những chiếc khẩu trang từ đôi tay gầy guộc của mình.

Trò chuyện với mẹ, chúng tôi mới được biết, chẳng phải bây giờ mẹ mới “ra tay” may khẩu trang tặng người dân chung quanh mà nhiều năm nay, hễ thấy khỏe trong người, mẹ vẫn may những tấm mền (chăn) để tặng những mảnh đời khó khăn. Mẹ Quýt bảo: “Mẹ bây giờ là “tỷ phú thời gian”, hễ ai cần gì mà mẹ giúp được thì mẹ chẳng nề hà…”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp Nguyễn Thị Lan cho biết: “Khi dịch xảy ra, Hội đã vận động các cơ sở hội cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Riêng mẹ Quýt, chị em chúng tôi không dám phiền vì mẹ đã cao tuổi nhưng khi biết chuyện mẹ vẫn may khẩu trang cùng mọi người, đó là một tấm lòng thật đáng trân quý”. Không thể cản tấm lòng của mẹ, chị em trong Hội cùng nhau hỗ trợ một số công đoạn để mẹ cùng mọi người chung tay thực hiện nghĩa cử của mình. Chúng tôi càng cảm động hơn khi hay biết, thời còn phục vụ kháng chiến, mẹ Quýt thường xuyên may áo cho bộ đội. Khi chồng hy sinh trong chiến tranh, mẹ Quýt để lại con cho gia đình để vào chiến trường. Mẹ công tác ngành quân nhu. Bốn năm sau, mẹ bị bắt đày ra Côn Đảo. Nơi đây giam giữ rất nhiều những chiến sĩ cách mạng kiên trung và vốn được mệnh danh “địa ngục trần gian”. Chiến tranh ác liệt, mãi sau này mẹ mới hay tin con trai của mình lớn lên theo cách mạng và hy sinh khi tuổi đời mới tròn 21. Thời bình, mẹ vẫn không bao giờ nguôi ý định làm những điều có ích cho cuộc sống, thế nên, hàng trăm cái mền, hàng trăm cái khẩu trang cho những người cần trong hoàn cảnh khó khăn như lúc này thật sự là điều đáng trân quý biết bao.

Còn tại thành phố biển Đà Nẵng, ngay từ những ngày đầu xảy ra dịch bệnh, bạn Phan Tăng Bình, sinh viên năm thứ 5, Khoa Y dược Đại học Đà Nẵng đã đăng ký tham gia lực lượng tình nguyện viên. Được chọn làm tình nguyện viên của chốt chặn đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), Bình nhận thấy ca trực ban đêm thường ít người đăng ký cho nên xung phong thực hiện trực hai ca từ 18 giờ đến 24 giờ và từ 0 giờ đến 6 giờ. Tại chốt trực, Bình cùng các cán bộ y tế, công an,… làm nhiệm vụ kiểm soát người và các phương tiện đi vào thành phố như đo thân nhiệt, khai báo y tế, lịch sử đi lại; tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra, Bình còn trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải công cộng, bảo đảm tất cả hành khách đeo khẩu trang, phương tiện có trang bị nước rửa tay sát khuẩn... Thời gian đầu, lượng khách nước ngoài khá đông nhưng với khả năng giao tiếp tiếng Anh khá tốt, Bình đã chủ động phiên dịch giúp các cán bộ tại chốt; đồng thời, hướng dẫn du khách nước ngoài phối hợp thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay bằng nước sát khuẩn... Nhấp chén trà còn âm ấm, bỗng giọng Bình trùng xuống chia sẻ: “Lúc đầu, bố mẹ và những người thân trong gia đình phản đối kịch liệt, không muốn em tham gia vì lo sợ dễ nhiễm bệnh. Khi đó em đã suy nghĩ rất nhiều, thậm chí vừa nói, vừa khóc qua điện thoại với mong muốn bố mẹ đồng ý. Sau đó, em quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về dịch Covid-19, cũng như phương pháp phòng, chống căn bệnh này. Khi đã hiểu rõ thì em tiếp tục giải thích để bố mẹ cũng hiểu hơn về dịch bệnh và an tâm cho em tham gia công việc này. Được làm việc tại chốt cùng các anh chị tổ công tác liên ngành, em cảm thấy rất tự hào vì được đóng góp một phần sức lực của mình vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19”.

Ngược lên vùng đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, tỉnh Lào Cai, chúng tôi gặp Trung úy Đường A Liểu, dân tộc Giáy, ở chốt chống dịch Tân Giang (xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát). Lúc này, anh Liểu đang cùng đồng đội chốt trực, ăn ngủ cả ngày lẫn đêm ngay sát đường biên, trên bờ sông Hồng ù ù gió lạnh. Gọi là chốt, thực ra đó chỉ là chiếc nhà bạt dã chiến, với tám ô cửa vuông và cửa lớn ở chính giữa, trong đó đủ kê hai tấm phản ghép vội bằng gỗ, với chăn màn của người lính để làm chỗ chợp mắt qua đêm, vì liên tục thay phiên đi tuần biên, vào bản hướng dẫn đồng bào cách đeo khẩu trang, rửa tay xà-phòng, giữ vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh đang hoành hành. “Hơn một tháng nay, em và các đồng đội thường xuyên bám trụ ở đây, không về đồn, dù chỉ cách đó mấy cây số, để bám biên, chống dịch, mọi sinh hoạt ăn uống, tắm giặt đều tại chỗ” - Trung úy Liểu chia sẻ. Thiếu tá Phạm Trường Giang, Chốt trưởng chốt chống dịch Tân Giang cho biết, tổ chốt có năm người, đảm nhiệm hơn 10 km đường biên, anh em phải chia làm hai ca, thay phiên nhau “trực chốt, bám biên” kiểm soát người ra vào địa bàn, ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép. Ngoài chốt chặn các lối mòn, lối mở, anh em còn phối hợp các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn vận động người dân tộc thiểu số thực hiện “một có, hai không” là: có đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên; không đi làm ăn qua biên giới và không tụ tập đông người. Gợi chuyện mãi, Trung úy Liểu mới bộc bạch, anh đã hy sinh việc riêng để ở lại chốt bám biên cùng đồng đội chống dịch mùa cao điểm. Đó là ngày 11-3, nhận được tin vợ sinh con, sức khỏe yếu, phải mổ sinh, nhà ở thôn Đá Đen, thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng, Lào Cai), cách xa chốt gần trăm cây số, nhưng gác lại việc riêng, anh đã quyết định ở lại chốt Tân Giang để làm nhiệm vụ được giao. Chỉ huy Đồn Biên phòng Trịnh Tường động viên, tạo điều kiện cho anh liên lạc về gia đình, nhờ ông bà ngoại và người thân chăm sóc vợ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. “Quyết định ở lại chốt không về nhà, nhưng em cũng khá lo, vì vợ sức khỏe yếu, mổ sinh không biết “vuông tròn” thế nào, nhưng được người nhà và các bác sĩ ở bệnh viện động viên nên cũng yên tâm hơn” - Trung úy Liểu chia sẻ. Suốt ca phẫu thuật, chị gái Trung úy Liểu luôn dùng điện thoại thông tin cho anh diễn biến sự việc. Và, vào 10 giờ sáng hôm ấy (11-3), vợ anh đã sinh con gái, “mẹ tròn con vuông” tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tuy nhiên thì từ đó đến nay, vì nhiệm vụ chống dịch anh vẫn chưa về nhà, chưa biết mặt con gái thân yêu, vì ngay cả dùng zalo ở chốt cũng không được vì sóng chập chờn. Anh Liểu đặt tên con gái là Đường Nhật Linh, để ghi dấu một ngày đáng nhớ, con gái ra đời khi cha đang ở chốt chống dịch Covid-19, cùng đồng đội bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người.

Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, việc làm cao đẹp của các cán bộ công an, bác sĩ, BĐBP… đang ngày đêm căng mình chống dịch. Họ xứng đáng là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ghi nhận những cống hiến không biết mệt mỏi của các chiến sĩ, vừa qua các ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã tổ chức khen thưởng rất nhiều cá nhân và tập thể. Thời gian tới, lãnh đạo Sở Nội vụ sẽ phối hợp các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, phát hiện để đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh khen thưởng kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

VŨ QUYẾT TIẾN

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh
Để góp phần phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh BĐBP đã điều động hơn sáu nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch trên toàn tuyến biên giới. Các đồng chí này có nhiệm vụ chốt chặn, bảo đảm tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các đường mòn, lối mở; tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Vất vả là vậy, nhưng tất cả mọi người luôn xác định thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các đơn vị đều trực sẵn sàng 100% quân số. Nhiều đồng chí vì nhiệm vụ đã gác lại việc riêng như hoãn đám cưới, vợ sinh con, có trường hợp bố, mẹ mất cũng chưa thể về chịu tang. Sau mỗi ca trực họ chỉ kịp tắm rửa, ăn vội lưng cơm rồi lại bám chốt chặn để thực hiện nhiệm vụ…

Đại tá ĐỖ HIỆP THẮNG

Phó Cục trưởng Hậu cần (Bộ Tư lệnh BĐBP)