Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Qua hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với cách làm sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động đã tác động lan tỏa, tạo nên chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam. Tuy nhiên, để người Việt Nam từ ưu tiên đến tự hào dùng hàng Việt Nam, điều quan trọng  là cần xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng vào chất lượng hàng trong nước.

Người tiêu dùng lựa chọn nông sản tại siêu thị Big C Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mai
Người tiêu dùng lựa chọn nông sản tại siêu thị Big C Hà Nội. Ảnh: Ngọc Mai

Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong nhiều sản phẩm phòng dịch, khẩu trang chống giọt bắn bằng vải kháng khuẩn sản xuất trong nước là lựa chọn tối ưu của nhiều người dân. Chị Trần Thu Trang, phường Liễu Giai (Ba Ðình, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình tôi hoàn toàn yên tâm khi sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn của các công ty trong nước sản xuất. Không chỉ dễ chịu khi sử dụng, góp phần phòng dịch tốt, mà giá bán rất hợp lý". Còn chị Nguyễn Mai Trâm ở Cầu Giấy cho biết: "Rau, củ, trái cây... nông dân mình trồng ngon ngọt, siêu thị luôn có hàng mới lại hay giảm giá, không có lý do gì để không mua. Những vật dụng hằng ngày tôi cũng đều đến siêu thị lựa chọn các thương hiệu trong nước. Không chỉ vì ủng hộ, mà hàng Việt chất lượng cho nên tôi tin tưởng dùng, nhiều khi cũng thấy tự hào", chị Trâm chia sẻ. Từ mua để ủng hộ, đến nay, hàng Việt Nam thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng bên trong, mẫu mã bên ngoài.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt Nam tin dùng hàng Việt Nam. Nhóm sản phẩm, hàng hóa có chất lượng tốt với các thương hiệu nổi bật như: Vinamilk, Vinatex, Việt Tiến, VinaCafe, Biti’s. Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) năm 2019 cho thấy, có 67% số người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam; 52% số người được hỏi luôn khuyên người thân, bạn bè sử dụng hàng Việt Nam; 36% số người tiêu dùng chuyển từ mua hàng nhập khẩu sang hàng sản xuất trong nước. Từ sau dịch Covid-19 có đến 76% số người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng trong nước, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Một minh chứng rõ hơn là hàng hóa trong nước đang hiện diện và tiêu thụ ngày càng nhiều tại các hệ thống phân phối. Theo thông tin từ Bộ Công thương, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng 90% tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Vinmart, Intimex, Hapromart… Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Sở Công thương Hà Nội cho biết, đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại tập trung với chủ đề "60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm". Ðến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Khuyến mại tập trung TP Hà Nội năm 2020; tiếp nhận hàng nghìn thông báo/đăng ký khuyến mại của các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình trong tháng 6, tháng 7 và tháng 11-2020 với hạn mức khuyến mại thấp nhất là 10% và cao nhất là 100%. Ngoài ra, Sở phối hợp các địa phương tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn qua các phiên chợ hàng Việt Nam, các chuyến bán hàng Việt Nam lưu động, bán hàng bình ổn giá... Qua đó, vừa tạo điều kiện để người dân mua sắm hàng Việt Nam có chất lượng với giá cả hợp lý, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên hiện chỗ đứng của hàng Việt Nam trên thị trường nói chung chưa thật sự vững chắc. Việc tổ chức đưa hàng Việt Nam về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất gặp nhiều khó khăn. Ðơn vị bán hàng phải trang trải nhiều chi phí vận chuyển, nhân sự, trong khi doanh số thấp cho nên thường không có lãi. Mặt khác, vẫn xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân tổ chức hội chợ thương mại lấy danh nghĩa đưa hàng trong nước về khu vực ngoại thành để bán nhưng vẫn có những sản phẩm, hàng hóa không rõ xuất xứ, chưa bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, người tiêu dùng tại khu vực ngoại thành có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc của đơn vị triển khai bán hàng tại địa phương và hàng hóa không có nguồn gốc, hàng nhái... do tư thương đóng trên địa bàn đưa vào lưu thông, do vậy ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người dân.

Để triển khai hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", và điều quan trọng hơn là người tiêu dùng trong nước tiếp tục tin và sử dụng hàng Việt Nam, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng tốt hơn, nhất là ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, nơi tập trung đông dân cư. Cùng với ý thức của mỗi người tiêu dùng, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc sử dụng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, các ngành chức năng cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trong nước để hàng hóa từng bước chiếm lĩnh thị trường. Song song với đó, công tác thanh tra, kiểm soát thị trường cũng cần được chú trọng hơn nữa để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng. Có thể nói, khi Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng hành thì khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao, hàng Việt Nam mới thật sự trở thành niềm tự hào, mong muốn lựa chọn của mỗi người tiêu dùng.

Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cơ quan chức năng cần vận động doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất,  đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

NGUYỄN TRUNG HẢI
Chuyên gia kinh tế

Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam vào các hệ thống phân phối hiện đại, về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển hàng nội theo hướng chất lượng cao.

ĐỖ MINH QUỐC
Giám đốc Công ty TNHH Quốc Vinh Hà Nội