Sớm giải quyết vướng mắc thủ tục công nhận liệt sĩ

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi những chiến sĩ, du kích tỉnh Ninh Bình hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến nay vẫn còn hàng trăm trường hợp chưa được công nhận là liệt sĩ.

Ông Phạm Quang Chất là con trai của cụ Phạm Văn Dương, quê quán xã Thái Hòa (nay là xã Ân Hòa), huyện Kim Sơn (Ninh Bình) kể: Bố tôi hy sinh từ năm 1954, khi đó tôi mới biết bò. Nghe mẹ tôi kể lại, lúc bố bị thương nặng, đồng đội của bố báo cho mẹ biết, mẹ bế tôi sang huyện Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh) để chăm sóc bố. Bố tôi bị mảnh đạn pháo găm vào bụng, máu chảy nhiều, đến đêm hôm đó thì hy sinh. Năm 1957, chính quyền địa phương và nhân dân đưa thi hài bố tôi vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh). Từ những năm 80 của thế kỷ trước, mẹ tôi nhiều lần đề nghị UBND xã Thái Hòa xem xét, làm thủ tục xác nhận bố tôi là liệt sĩ nhưng không được giải quyết. Mấy chục năm trôi qua, gia đình tôi luôn khắc khoải chờ đợi đến ngày bố tôi được Tổ quốc ghi công.

Qua xác minh hồ sơ, chúng tôi được biết: Cụ Phạm Văn Dương, sớm được giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào thanh niên cứu quốc, rồi tham gia hoạt động du kích từ năm 1948, hy sinh ngày 22-2-1954, khi đó ông là tiểu đội trưởng du kích xã. Sự hy sinh của cụ Phạm Văn Dương đã được các cán bộ cách mạng hoạt động cùng thời kỳ tại địa phương ghi nhận. Ðồng chí Vũ Ngọc Hồ, nguyên là cán bộ vùng địch hậu, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Ân Hòa viết trong điếu văn truy điệu cụ Phạm Văn Dương: "... Trước sự khủng bố đe dọa dã man của địch, đồng chí vẫn kiên trì hoạt động, đưa đường dẫn lối cho bộ đội, cán bộ hoạt động bí mật, phối hợp với bộ đội phá tề trừ gian. Ðồng chí đã từng chỉ huy tiểu đội du kích chống bốn cuộc càn quét của địch, có trận đuổi hàng trung đội giặc. Chiều 21-2-1954, đồng chí được xã đội cử sang huyện Nghĩa Hưng để công tác, trên đường đi làm nhiệm vụ, qua Bốt Ðò Mười, đồng chí đã bị địch phát hiện, bắn bị thương nặng...". Cụ Phạm Ngọc Phương, ở xóm 2, xã Ân Hòa xác nhận: "Từ năm 1948 đến năm 1954, tôi và đồng chí Dương cùng tham gia hoạt động du kích. Ngày 21-2-1954, đồng chí Dương được xã đội cử đi công tác, rồi bị địch bắn. Khi đồng chí bị thương, tôi là người chăm sóc và đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng". Từ năm 2017, Báo Nhân Dân đã có bài phản ánh trường hợp cụ Phạm Văn Dương đủ điều kiện xác nhận là liệt sĩ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28, ngày 22-10-2013, liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH), Quốc phòng; đồng thời có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, xác nhận, cấp Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Văn Dương.

Ngày 10-7-2019, làm việc với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB và XH tỉnh Ninh Bình Trần Xuân Trường cho biết: Ngày 5-9-2018, Sở LÐ-TB và XH tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cụ Phạm Văn Dương do UBND huyện Kim Sơn chuyển đến. Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, ngày 1-11-2018, UBND tỉnh Ninh Bình có Tờ trình số 78/TTr-UBND gửi Bộ LÐ-TB và XH về việc đề nghị Bộ LÐ-TB và XH thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cụ Phạm Văn Dương. Sau đó, Sở LÐ-TB và XH tỉnh Ninh Bình đã tích cực liên hệ Cục Người có công (Bộ LÐ-TB và XH) cập nhật thông tin, mới đây chúng tôi được biết Thủ tướng Chính phủ đã ký Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phạm Văn Dương. Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7 sắp tới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ tổ chức trang trọng lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tặng thân nhân liệt sĩ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, tỉnh Ninh Bình vẫn còn gần 300 trường hợp đã xác lập hồ sơ nhưng chưa được công nhận liệt sĩ, phần lớn hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Như trường hợp cụ Trần Ky, sinh năm 1933, quê quán xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tham gia cách mạng tháng 8-1951, đơn vị B280 - Yên Mô, hy sinh tháng 4-1952 tại Bốt Chùa Cao, huyện Yên Khánh, chức vụ chiến sĩ. Ngày 5-6-1993, Chủ tịch nước Lê Ðức Anh đã tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba cho liệt sĩ Trần Ky. Tuy nhiên, đến nay cụ Trần Ky vẫn chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, dù thân nhân trước đây đã được hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ. Hay như trường hợp cụ Ðỗ Văn Thùy, sinh năm 1928, quê quán xóm 3, thôn Cam Giá, xã Ninh Khánh, huyện Hoa Lư, nhập ngũ năm 1948, hy sinh năm 1951, cấp bậc chiến sĩ tỉnh đội Ninh Bình. Năm 1969, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ký trao Bảng vàng danh dự tặng gia đình cụ Ðỗ Văn Thùy, trong đó ghi rõ liệt sĩ Ðỗ Văn Thùy và liệt sĩ Ðỗ Văn Thủ, nhưng đến nay cụ Ðỗ Văn Thùy vẫn chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Cụ Vũ Văn Cát (Vũ Thiện Cát), sinh năm 1924, quê quán xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, nhập ngũ năm 1947, hy sinh năm 1953, cấp bậc trung đội trưởng, đơn vị Huyện đội Yên Khánh, thi hài được mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Yên Khánh. Ngày 20-6-1963, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tặng thưởng liệt sĩ Vũ Văn Cát Huân chương Chiến thắng hạng ba. Ngày 5-6-1993, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng liệt sĩ Vũ Văn Cát Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho ông Vũ Văn Cát được xác lập theo Thông tư số 16/2014/TT-BLÐTBXH ngày 30-7-2014 của Bộ LÐ-TB và XH (Thông tư số 16) nhưng do vướng mắc về thủ tục cho nên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tại Ðiều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLÐTBXH ngày 30-7-2014 của Bộ LÐ - TB và XH quy định việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công được thực hiện đối với những trường hợp hồ sơ có căn cứ xác định thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi trước ngày 1-1-1995 và các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh. Tuy nhiên, thân nhân ông Vũ Văn Cát không còn lưu giữ được quyết định hưởng chế độ trợ cấp tuất liệt sĩ mặc dù thực tế trước đây đã được hưởng chế độ này.

Trưởng phòng Người có công (Sở LÐ-TB và XH tỉnh Ninh Bình) Trần Thị Can cho biết, tỉnh Ninh Bình hiện còn 57 trường hợp hy sinh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, hoặc Chính phủ tặng Bảng vàng danh dự, thân nhân trước đây đã được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi, nhưng do hiện nay không còn lưu giữ được giấy tờ gốc cho nên việc đề nghị công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho người đã hy sinh vẫn chưa được giải quyết.

Phần lớn các trường hợp hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hiện không còn thân nhân ruột thịt, việc thờ cúng thường do thân nhân trong họ tộc đảm nhiệm. Vì vậy, việc đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công không vì mong có chế độ đãi ngộ mà mong được Ðảng, Nhà nước ghi nhận những cống hiến, hy sinh, xã hội tôn vinh, tri ân người đã ngã xuống vì Tổ quốc, cũng là niềm tự hào, là truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương.

Những trường hợp trước đây, thân nhân đã được giải quyết chế độ, chính sách đối với gia đình liệt sĩ nhưng do thời gian quá lâu, không còn lưu giữ được quyết định hưởng trợ cấp, thì nên sử dụng các căn cứ khác để giải quyết, không nên quy định phải có giấy tờ chứng minh đã được giải quyết chính sách ưu đãi trước ngày 1-1-1995 như quy định hiện hành.

Bà TRẦN THỊ CAN

Trưởng phòng Người có công, Sở LÐ-TB và XH tỉnh Ninh Bình

Những trường hợp hy sinh trong kháng chiến, đã có các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý ghi nhận là liệt sĩ (hay hy sinh) hoặc đã được chính quyền và nhân dân địa phương suy tôn là liệt sĩ, thì nên để cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương kiểm tra, xác minh, khẳng định, chịu trách nhiệm để thực hiện việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Ông PHẠM QUYẾT

(Xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình)