Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường

Ðược xây dựng tại xã Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái), An Lạc là một trong ba xí nghiệp thuộc Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn.

Lĩnh vực hoạt động sản xuất chính của cơ sở này là thu mua nguyên liệu tre, nứa, vầu,… của người dân để mỗi năm sản xuất khoảng 1.800 tấn giấy đế, giấy vàng mã. Quá trình sản xuất thời gian qua, xí nghiệp sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại, nhưng quy trình xử lý nước thải chưa được bảo đảm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kiểm tra tại hiện trường, đầu ra của hai đường ống xả thải của Xí nghiệp Giấy An Lạc có đường kính gần 20 cm, dài khoảng 200 m được đặt sát lòng suối Làng Mường. Mỗi khi vận hành sản xuất, nhiều khối nước thải mầu vàng chảy ra từ hai ống ngầm, bốc mùi hôi nồng nặc.

Bà Nguyễn Thị Hậu, ở xã Yên Thái (huyện Văn Yên), chia sẻ: "Tôi đến nhà con gái ở xã Tô Mậu để trông cháu nhưng chẳng hôm nào hai bà cháu được ngủ yên giấc. Bởi xí nghiệp này sản xuất giấy suốt ngày, suốt đêm, tiếng ồn phát ra đinh tai, nhức óc. Không chỉ có gia đình tôi mà nhiều người già, cháu nhỏ ở đây cũng bị "tra tấn" bởi tiếng ồn. Nước thải nhà máy xả ra môi trường có mầu vàng, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Những hôm thời tiết oi nồng hay gió mùa thì các gia đình phải đóng cửa mới ăn cơm được".

Ðưa tay chỉ những ruộng lúa có nguy cơ mất trắng, ông Nguyễn Xuân Mùi ở xã Tô Mậu, tâm sự: Suối Làng Mường là nguồn nước chính phục vụ sản xuất nông nghiệp của cánh đồng Mường Hạ rộng gần 10 ha thuộc xã Tô Mậu. Biết nguồn nước ô nhiễm do Xí nghiệp Giấy An Lạc thải ra, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng để làm ruộng, trồng trọt, bởi nếu không dùng nguồn nước này thì cũng chẳng tìm đâu ra nguồn nước khác. Không những vậy, mỗi khi xí nghiệp đốt rác thải, mùi rác cháy cộng với mùi lưu huỳnh và nhiều loại hóa chất khác khiến không khí ở đây rất ngột ngạt, khó thở. Thanh niên khỏe mạnh còn đỡ chứ người già, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh viêm phế quản, viêm họng. Không biết có phải do môi trường ô nhiễm hay không mà một số người đã bị ung thư phổi, ung thư vòm họng…

Người dân trong xã nhiều lần phản ánh về tình trạng này đến lãnh đạo xã Tô Mậu qua những lần tiếp dân; hoặc các kỳ họp tiếp xúc cử tri, nhưng không thấy chuyển biến gì. Ðại diện lãnh đạo xí nghiệp cũng nhiều lần hứa sẽ khắc phục tình trạng này, nhưng việc xả thải trái phép, đốt rác vẫn tiếp diễn.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Tô Mậu Hoàng Văn Hóa cho biết: Lãnh đạo UBND xã đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của Xí nghiệp Giấy An Lạc. Vào cuối năm 2019, đại diện các ban, ngành và đoàn thể UBND xã làm việc với lãnh đạo xí nghiệp để giải quyết kiến nghị của người dân. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo xí nghiệp cam kết chỉ xả thải mỗi tuần hai lần do hệ thống xử lý nước thải của đơn vị chưa bảo đảm; đồng thời, đề nghị người dân không lấy nước vào ruộng lúa trong thời gian đơn vị xả thải…

Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Vũ Văn Tỉnh thông tin thêm: Ðầu năm 2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã kiểm tra Xí nghiệp Giấy An Lạc và lập biên bản xử phạt về hành vi xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, Thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt hành chính Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn số tiền 315 triệu đồng, trong đó có cả việc Xí nghiệp Giấy An Lạc gây ô nhiễm môi trường.

Việc Xí nghiệp Giấy An Lạc xả thải trái phép, chưa qua xử lý ra suối Làng Mường gây ô nhiễm môi trường đã rõ. Tuy nhiên, không hiểu sao đến nay các cấp chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Ðề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm chấn chỉnh hoạt động sản xuất của xí nghiệp này, cũng như một số cơ sở khác trên địa bàn đang gây ô nhiễm môi trường.