Quản lý chất lượng nguồn dược liệu và thuốc đông y

Những năm qua, mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng nguồn dược liệu và thuốc đông y, tuy nhiên theo phản ánh của bạn đọc, hiện trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều loại dược liệu không rõ tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm nghiệm, kém chất lượng… Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc đông y, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp các cơ quan chức năng thu giữ hơn bảy tấn nguyên liệu thuốc bắc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ảnh: Linh Chi
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp các cơ quan chức năng thu giữ hơn bảy tấn nguyên liệu thuốc bắc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ảnh: Linh Chi

Tại phố Lãn Ông (Hà Nội), khi ngỏ ý muốn mua đông trùng hạ thảo, chúng tôi được một chủ hiệu thuốc cho biết: Sản phẩm này thường có giá dao động từ khoảng vài triệu (sản phẩm đã qua chế biến) đến vài chục triệu đồng (sản phẩm nguyên con), tùy theo nhu cầu của người dùng. Còn ở một hiệu thuốc đông y khác, chúng tôi lại được giới thiệu cho loại đông trùng hạ thảo, với giá chỉ vài trăm nghìn với lời giải thích: Cửa hàng lấy sản phẩm từ đầu mối, cho nên giá hạ hơn nhiều so với nhiều cửa hàng bên cạnh. Thắc mắc về sự chênh lệch giá của sản phẩm, một thầy thuốc trên phố Lãn Ông (Hà Nội) giải thích: “Khách hàng dễ mua nhầm hàng giả, nhất là đông trùng hạ thảo, bởi đây là một loại thuốc quý giúp tăng cường sức khỏe sinh lực. Ðông trùng hạ thảo thật có giá rất cao, giá xuất xứ từ Trung Quốc đã là 50 triệu đồng/kg, khi đến thị trường tiêu thụ thì giá đã lên khoảng 75 triệu đồng. Do vậy, ở Việt Nam, nếu muốn mua hàng thật rất khó, nhiều người do thiếu hiểu biết đã mua phải hàng “rởm”, gồm bột thảo dược trộn với... bột mì cho nên giá rẻ. Và không chỉ có các loại thuốc quý như đông trùng hạ thảo, mà hiện nay rất nhiều loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên thị trường với những lời quảng cáo “có cánh” của những người bốc thuốc tự xưng “lương y”. Tại khu vực chùa Hương (Mỹ Ðức, Hà Nội), thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tràn lan. Nhiều du khách không ngần ngại bỏ tiền mua những sản phẩm thuốc này với lời quảng cáo chữa bách bệnh. Ngoài những vị thuốc quý đang được nhân dân truyền khẩu chữa bệnh như đông trùng hạ thảo, thì các loại tam thất, nhân sâm, cao ngựa… hiện cũng bị làm giả khá nhiều nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Theo lời kể của một hộ chuyên kinh doanh dược liệu ở khu vực gần cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), để người mua lầm tưởng là tam thất lâu năm, người bán sẽ dùng cách nối nhiều củ với nhau để tạo thành củ tam thất lâu đời nhằm nâng giá bán.

Thực tế, với quan niệm thuốc đông y lành, bổ và không có tác dụng phụ như thuốc tây, đã khiến nhu cầu mua bán, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng tăng cao. Nhiều người có tiền, thích xài sang, cho nên không tiếc tiền mua các loại thuốc “quý” như sâm, nấm linh chi, cao hổ, cao khỉ... chỉ để bồi bổ. Và để đáp ứng nhu cầu, tăng lợi nhuận, nhiều chủ kinh doanh trộn các mặt hàng dược liệu rởm, kém chất lượng để kiếm lời. Hậu quả là do thiếu hiểu biết, nhiều người “tiền mất, tật mang” không thấy khỏe lên mà còn phải nhập viện vì ngộ độc dược liệu. Ðiển hình như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị M. ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), phát hiện ung thư vú ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi là rất cao. Khi đó bác sĩ khuyên chị nên phẫu thuật và hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, một phần do hoàn cảnh khó khăn, và lại do nghe theo lời mách bảo của bạn bè, chị M. đã quyết định không điều trị tại bệnh viện mà tìm đến thầy lang chữa bằng thuốc đông y. Kết quả, sau một thời gian chữa trị, bệnh của chị M. không những không đỡ mà càng trầm trọng hơn… Hay như trường hợp chị Nguyễn Minh T. (Ninh Bình), nghe giới thiệu, chị lặn lội về tận Bắc Ninh cắt thuốc đông y để điều trị vô sinh. Chỉ sau 10 ngày uống thuốc, chị thấy đau bụng, cảm giác tức ngực, đưa đến viện thì được xác định ngộ độc chì với nồng độ gần 60mcg/dL. Ðáng tiếc hơn, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H. 60 tuổi, ở Bắc Ninh, vốn bị bệnh tăng huyết áp, đang uống thuốc điều trị, bệnh khá ổn định. Vì nghe lời khuyên của hàng xóm, cho nên bà H. bỏ thuốc tây, chuyển sang dùng thuốc đông y cho mát và bổ. Ðược một thời gian ngắn, bà H. phải nhập viện trong tình trạng suy tim rất nặng với các rối loạn nhịp tim phức tạp và được chẩn đoán viêm cơ tim do thuốc đông y.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), một trong những nguyên nhân gây ngộ độc cho người bệnh khi dùng thuốc đông y là những tồn dư hóa chất dùng bảo quản, chế biến thuốc, chống ẩm mốc như: Lưu huỳnh, phốt-pho, thủy ngân... Còn theo lương y Vũ Hưng, Hội Ðông y Việt Nam, ngộ độc thuốc đông y có thể do độc tố tồn tại trong chính bài thuốc, bởi thuốc đông y có nhiều nguồn gốc: Ðộng vật, thực vật, côn trùng, khoáng vật… mỗi loại có thể có tới hàng nghìn vị, trong đó một số vị thuốc bản thân trong nó đã chứa chất độc. Do đó, khi sử dụng thuốc đông y, nếu không biết rõ về các vị thuốc, kết hợp sai vị, sai liều lượng, hoàn toàn có thể bị ngộ độc.

Hiện nay, trung bình mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 60 nghìn tấn dược liệu các loại vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước; còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, tình hình kinh doanh dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền diễn ra phức tạp. Hiện, phần lớn lượng dược liệu trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch, cho nên gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng. Các hành vi vi phạm tinh vi, đa dạng; chủ yếu là không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng sơ chế để làm thuốc. Hơn nữa, việc sử dụng lưu huỳnh để chống ẩm mốc đã ảnh hưởng chất lượng thuốc và sức khỏe người tiêu dùng.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều quy định để quản lý thị trường dược liệu nhập khẩu như yêu cầu chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, dược liệu nhập khẩu trong danh mục phải có phiếu kiểm nghiệm của từng lô của cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP hoặc phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp… Tuy nhiên, để quản lý, kiểm soát được thị trường đông dược, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần có chế tài mạnh hơn đối với dược liệu nhập lậu, dược liệu là hàng giả và xử lý nghiêm như thuốc giả để người dân không phải dùng thuốc kém chất lượng. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, cần đầu tư, phát triển nuôi trồng dược liệu trong nước. Ðẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng qua các phương thức chẩn trị, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền. Hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền; tôn vinh và bảo đảm quyền lợi của các danh y. Có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm, ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu.

Hiện nay ở nước ta, đông y vẫn đang giữ thế mạnh trong chữa nhiều loại bệnh như bệnh thần kinh ngoại biên, các phương pháp xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt... Tuy nhiên, khi muốn sử dụng thuốc đông y, người bệnh cần đến cơ sở y học cổ truyền có uy tín như Viện Y học dân tộc, Bệnh viện Y học cổ truyền hay những phòng mạch của các lương y có kinh nghiệm, chuyên môn là thành viên của Hội Ðông y để được khám và bốc thuốc.

NGUYỄN VĂN HUY (Hội Ðông y Việt Nam)

Dược liệu làm thuốc đông y chữa bệnh có rất nhiều loại, do vậy, người bệnh phải thật tỉnh táo khi lựa chọn sử dụng sản phẩm thuốc. Bởi vì, chỉ cần sử dụng nhầm phải thuốc đông y bẩn, hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng tới sức khỏe người bệnh, gây suy gan, thận, thủng dạ dày hoặc một căn bệnh nan y khác.

TRẦN HOÀNG HƯNG

Bác sĩ, lương y Nhà thuốc gia truyền Hoàng Hưng, Hà Nội