Ý KIẾN BẠN ÐỌC

Ðốt rơm rạ gây ô nhiễm tại ngoại thành Hà Nội

Sau khi thu hoạch lúa, người dân tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội thường chọn cách đốt rơm rạ ngay tại ruộng. Hành động này khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Sau khi thu hoạch lúa, người dân tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội thường chọn cách đốt rơm rạ ngay tại ruộng. Hành động này khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Tại các xã của huyện Sóc Sơn gần sân bay quốc tế Nội Bài như: Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Ðình..., một số người dân vẫn đốt rơm tại ruộng hoặc ven đường nội đồng.

Không chỉ làm ô nhiễm môi trường, hành động này còn ảnh hưởng trực tiếp đến các tuyến đường giao thông gần đó, khiến người đi đường khó chịu vì khói bụi bay vào mắt, tăng nguy cơ mất an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Chị Nguyễn Trần Huyền Chi, người dân huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết: "Mỗi lần đi qua khu vực người dân đốt rơm rạ, tôi cảm thấy rất khó thở và cay mắt. Khi đi qua khu vực có nhiều khói, tôi rất sợ sẽ xảy ra va chạm giao thông".

UBND các huyện ngoại thành đã tăng cường tuyên truyền với mong muốn thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Một số địa phương trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng rơm rạ phủ gốc cây, làm phân bón, dùng máy phay cắt bỏ gốc rơm rạ ngay tại ruộng. Người dân được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rơm thành phân bón ruộng. Nhiều địa phương kêu gọi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thu mua rơm làm nguyên liệu sản xuất.

Chính quyền và các cơ quan chức năng cần có hướng giải quyết phù hợp, quyết liệt hơn, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn giao thông. Quan trọng hơn, bản thân người nông dân cần thay đổi thói quen của mình.