Những trải nghiệm khó quên

NDO -

NDĐT- Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới khiến các du học sinh phải trở về Việt Nam, tiếp tục chương trình học trực tuyến. Ngay sau khi đặt chân trở về Tổ quốc, các bạn trẻ đều được bố trí đến các khu cách ly tập trung để theo dõi sức khoẻ. Quãng thời gian sinh hoạt tại các đơn vị đã giúp các bạn trẻ có thêm nhiều trải nghiệm, trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ và hành động. Nhân Dân Điện tử xin giới thiệu bài viết của một du học sinh vừa hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung.

Khu cách ly tập trung tại Trung tâm đào tạo nghề Thành An.
Khu cách ly tập trung tại Trung tâm đào tạo nghề Thành An.

Sau một chặng bay dài từ châu Âu về đến Tổ quốc, chúng tôi được bố trí nơi cách ly y tế tập trung tại Trung tâm đào tạo nghề Thành An nằm trên địa bàn xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) - một đơn vị thuộc Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng.

Những ngày sinh hoạt tại khu cách ly này đã giúp những bạn trẻ như chúng tôi hiểu được ý nghĩa của câu nói: “Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu". Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến tối khuya, các anh bộ đội lúc nào cũng tất bật với công việc nhằm chăm lo chu đáo, cố gắng đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu của người cách ly. Cũng chính vì thế mà các anh thường hay gọi đùa rằng thời gian chúng tôi cách ly tập trung này chính là hai tuần nghỉ dưỡng kiểu quân đội. Từ bữa ăn, sinh hoạt hàng ngày, giấc ngủ, mọi thứ đều được các chiến sĩ thu xếp một cách gọn gàng và chu đáo.

Những trải nghiệm khó quên ảnh 1

Khu vực bàn tiếp nhận người cách ly được các chiến sĩ bố trí ngay trong khuôn viên trung tâm dạy nghề.

Hôm đầu tiên đến đơn vị, mọi người xếp hàng theo thứ tự ưu tiên để khai báo thông tin y tế cá nhân. Những gia đình có con nhỏ được ưu tiên làm trước, tiếp đó là những người cao tuối (từ 50 tuổi trở lên). Còn nhóm các bạn du học sinh được làm sau cùng. Việc chờ đợi sau cả một chuyến bay dài quả là không dễ dàng gì với bọn tôi. Thấy vậy, một chú bộ đội trong trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang kín mít tiến về phía chúng tôi, hỏi thăm rất thân tình, còn xưng thầy, gọi bọn tôi là “trò” cho thân mật. “Các trò học ở nước nào?” “Trò kia mặt mũi sáng láng nhỉ, con đi du học ở đâu?” … bầu không khí mệt mỏi bị xua tan. Và chú bộ đội đó được bọn tôi gọi với cái tên thân mật là “thầy Trung” sau buổi gặp ấy.

Những trải nghiệm khó quên ảnh 2

“Thầy Trung” tâm sự với các du học sinh mới về.

Sau khi kiểm tra y tế, ổn định vị trí và bước vào phòng cách ly được phân, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi chính là mọi thứ trong phòng đều gọn gàng, thoáng mát, hầu hết vật dụng trong phòng đều mới được trang bị. Các không gian chung khác như hành lang, cầu thang, khu vực sinh hoạt chung đều luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ. Các đồ dùng sinh hoạt cá nhân, vật dụng trong phòng luôn được chu cấp đầy đủ, từ khăn mặt, bàn chải đánh răng, nước rửa tay đến khẩu trang, nước xúc miệng,… thậm chí cả những thứ nhỏ như tăm xỉa răng cũng được các chiến sĩ chuẩn bị chu đáo, luôn kèm theo một câu nói “Nếu các em dùng hết thì cứ nói với anh nhé, không phải ngại đâu”

Những trải nghiệm khó quên ảnh 3

Phòng ốc luôn được các anh chiến sĩ bố trí sao cho gọn gàng nhất để bảo đảm việc học tập, sinh hoạt của mọi người trong khu cách ly.

Sự quan tâm của đơn vị với những người cách ly qua việc chăm lo từng bữa ăn. Ngoài số tiền thành phố Hà Nội hỗ trợ cho những người cách ly, mỗi ngày, Binh đoàn 11 hỗ trợ thêm cho người cách ly lương thực, thực phẩm trị giá 20 nghìn đồng/người, từ nguồn rau, củ, thịt các loại do đơn vị tăng gia được để cải thiện chất lượng bữa ăn. Đồ ăn trong khu cách ly được các cô, các chú bộ đội chế biến nóng sốt, ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng, với thực đơn khá đa dạng, không ngày nào giống ngày nào. Mỗi khi đưa đồ ăn cho chúng tôi, các anh bộ đội luôn kèm theo những câu dặn dò: “Các em có đói thì bảo anh lấy thêm nhé” “Em ăn có no không? Chưa no thì em cứ bảo dưới nhà bếp nhé.” Các anh cũng biết phòng tôi toàn nam thanh niên và người lao động, ăn rất khoẻ, nhưng chúng tôi không dám hỏi thêm, một phần là vì ngại, một phần là cũng thương các anh vất vả. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, mấy bữa sau, phòng tôi đều được nhận thêm hai suất cơm nữa từ các anh.

Những trải nghiệm khó quên ảnh 4

Mọi người nhận suất ăn trưa.

Những trải nghiệm khó quên ảnh 5

Hình ảnh suất cơm với đầy đủ dinh dưỡng.

Buổi sáng trước khi chia tay, các cô chú bộ đội còn trổ tài chiêu đãi chúng tôi những tô phở bò tái chín. Theo chúng tôi đánh giá chất lượng của tô phở chả kém gì phở bò Lý Quốc Sư”, thậm chí còn ngon hơn bất kỳ tô phở của bất kỳ thương hiệu phở nổi tiếng nào ở Hà Nội, bởi chúng được làm bởi bàn tay khéo léo và tình cảm chất phác của các những người lính dành cho chúng tôi.

Không chỉ chăm lo chu đáo những bữa ăn, giấc ngủ, các nhu cầu sinh hoạt thể thao, văn hoá, văn nghệ của chúng tôi cũng được các chú, các anh chăm lo đầy đủ. Trong khuôn viên khoảng 300m2 của khu cách ly tập trung, đơn vị đã bố trí bàn bóng bàn, bi-a trong nhà, sân bóng chuyền, cầu lông ngoài trời,… Có một kỷ niệm khiến tôi luôn nhớ đến mỗi khi nhắc đến sự quan tâm chu đáo của các chú bộ đội. Phần đông các bạn trẻ ở đây đều hứng thú với môn bóng rổ. Trong một lần nói chuyện với “thầy Trung”, một bạn ngỏ ý với thầy “Trại mình mà có cột rổ chơi bóng thì tuyệt quá, thầy nhỉ". Ngay sáng hôm sau, khi chúng tôi thức dậy đã thấy trong khoảng sân trong khu cách ly được biến thành sân bóng thu nhỏ với cột rổ và bóng mới toanh, khiến chúng tôi vui sướng vô cùng.

Những trải nghiệm khó quên ảnh 6

Bàn bóng bàn được các chiến sĩ bố trí tại sảnh toà nhà cách ly.

Nhận thấy phần đông những bạn trẻ trong khu cách ly là du học sinh vẫn phải tiếp tục duy trì học và thi trực tuyến, đơn vị đã chủ động bố trí thêm một phòng học online, nâng cao tốc độ đường truyền wifi để bảo đảm việc kết nối internet không bị gián đoạn. Các chú, các bác trong đơn vị rất quan tâm đến việc học của các bạn du học sinh, thường xuyên thăm hỏi, động viên các bạn. Một số bạn phải thức khuya để lên lớp do chênh lệch múi giờ được các chú, các bác bật đèn, bật quạt ở phòng học đến tối muộn.

Những trải nghiệm khó quên ảnh 7

Phòng học trực tuyến được bố trí ngay tại sảnh khu cách ly.

Các hoạt động sinh hoạt văn hoá cũng được các anh, các bác trong binh đoàn quan tâm. Mỗi sáng, sau khi phát đi các thông tin, lịch trình sinh hoạt của ngày hôm đó, hệ thống phát thanh trong doanh trại lại phát những bản nhạc chào ngày mới. Từ những ca khúc cách mạng, những bài hát dành cho thiếu nhi đến những giai điệu, ca khúc mà giới trẻ hâm mộ cũng được các chiến sĩ phát để mọi người thư giãn. Mỗi tối, sau khi kết thúc công việc, các chiến sĩ cùng các bạn lại ngồi ở khoảng sân (với một khoảng cách an toàn) và cùng hát, đệm đàn cho nhau nghe. Vào những ngày cuối cùng trong quá trình cách ly, các chiến sĩ cùng nhau tổ chức một cuộc thi “tìm hiểu về cách phòng tránh dịch Covid-19” cho các thành viên trong khu cách ly và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ.

Với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau,” các chiến sĩ rất quan tâm đến các thành viên trong khu cách ly. Những gia đình có con nhỏ được sắp xếp ở cùng nhau. Các em nhỏ còn được nhà bếp nấu riêng cho các suất cháo ăn hàng ngày để bảo đảm dinh dưỡng. Một khu vui chơi nho nhỏ gồm nhà bóng, cầu trượt cũng được các anh dựng lên để các em nhỏ có không gian vui chơi. Những người bị đau ốm trong thời gian cách ly cũng được các anh quan tâm tận tình. Một lần, anh Tú cùng phòng tôi phải bỏ bữa ăn sáng vì gặp phải một cơn đau răng. Ngay chiều hôm đó anh đã được cấp cho thuốc giảm đau và hẹn lịch với Quân y để được đi khám. Những người cao tuổi trong khu cách ly cũng được chăm sóc và ưu tiên trong những hoạt động chung của khu.

Chu đáo, tận tình trong công tác chăm lo cho đời sống của các người cách ly như vậy, các chiến sĩ vẫn không quên nhiệm vụ chính là phòng dịch, chống dịch. Các quy trình phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Mỗi ngày hai lần, các anh đến từng phòng để điểm danh, kiểm tra thân nhiệt và phun thuốc khử trùng cho các phòng, không quên hỏi thăm tình hình mọi người. “Các bác ở trong này có gì thiếu thốn không?” “Có ai trong phòng cảm thấy người không khoẻ không?”… những câu hỏi rất đỗi tự nhiên và chân tình làm cho mọi người trong phòng đều cảm nhận được sự quan tâm chân thành của các anh.