Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Nguy cơ từ việc lộ thông tin cá nhân

Chị Vũ Thu Hằng, tên Facebook HangVu kể: “Chỉ có một lần tôi chọn xem một trang bán quần áo, thế là hàng loạt trang bán hàng tương tự nhảy vào Facebook của tôi để quảng cáo.

Xóa đi không hết, có cái còn không xóa được. Cuối cùng đành chấp nhận “sống chung” dù rất bực mình”. Anh Nguyễn Hồ Quang, trưởng ban phụ huynh của một trường tiểu học ở Hà Nội phản ánh việc mình bị nhiều người nhắn tin, gọi điện trách oan. Số là một ngày đẹp trời, danh sách kèm số điện thoại, tài khoản mạng xã hội của các phụ huynh trong trường mà anh được giao tập hợp đồng loạt bị nhiều trang quảng cáo khai thác, làm phiền. Mà thời điểm đó bản danh sách anh đã nộp cho nhà trường để trường nộp về Phòng Giáo dục. Lộ, lọt danh sách ở khâu nào không biết nhưng anh Quang không chịu được áp lực phải xin thôi không tham gia ban phụ huynh trường nữa.

Một trong những “đầu mối” khiến những phần mềm không phù hợp tự động xâm nhập trang cá nhân của người dùng mạng xã hội là việc lộ, lọt thông tin cá nhân. Việc lộ, lọt thông tin trên mạng xã hội hiện nay cũng đã từng xảy ra đối với các mạng viễn thông cách đây vài năm. Hầu hết các thuê bao sau khi đăng ký chính chủ “bỗng nhiên” bị hàng loạt số điện thoại lạ hoặc đầu số 1900xxx nhắn tin, gọi điện mời chào quảng cáo sản phẩm, thông báo trúng thưởng. Những số lạ như vậy biết rất rõ bạn là ai, làm nghề gì, ở đâu... Hiện tượng này chỉ giảm khi Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt việc đăng ký đầu số thuê bao cũng như nghiêm cấm các đơn vị nắm giữ danh sách khách hàng có hành vi mua, bán thông tin hoặc cung cấp cho bên thứ ba khi không được phép.

Bên cạnh yếu tố người dùng vô ý để lộ thông tin cá nhân thì việc lộ, lọt thông tin của người dân từ các dịch vụ công là một hiện tượng đáng lo ngại. Thông tin trong quá trình điều tra dân số, xây dựng dữ liệu dân cư, danh sách hội, đoàn, tổ chức, trường học, công sở, cơ sở dịch vụ... đều có thể bị khai thác nếu không được bảo mật tốt. Bên cạnh đó, trên in-tơ-nét, nhiều phần mềm gián điệp được cài đặt tự động trong một số trang mạng hoặc thiết bị di động cũng có thể tự xâm nhập thiết bị của người dùng để lấy cắp thông tin. Việc lộ thông tin cũng có thể do bất cẩn hoặc nhằm mục đích khác của bên thứ ba được giao nắm giữ, xây dựng, quản lý dữ liệu thông tin dịch vụ công…

Sự “tiến công” với cường độ cao của các nội dung không phù hợp đối với người dùng mạng xã hội không chỉ khiến người dùng bức xúc mà còn làm ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự, văn hóa xã hội, đạo đức, lối sống… Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý những đơn vị, cá nhân tự động đăng tải những nội dung không phù hợp trên mạng xã hội cũng như trong tài khoản của người sử dụng.