Những việc làm vì dân

Lớp học nặng tình người ở làng Wâu

Tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai nhưng lại không có duyên trở thành giáo viên đứng lớp chính thức, cô Mlê (sinh năm 1992) vẫn giữ vẹn tình yêu với nghề khi mở lớp học miễn phí cho hàng chục học sinh người dân tộc thiểu số làng Wâu, xã Chư Á, TP Plây Cu (Gia Lai).

Ðã ba năm nay, lớp học tình thương của cô Mlê duy trì đều đặn ngày hai buổi. Học sinh nào có thời khóa biểu chính khóa vào buổi sáng thì tìm đến lớp của cô Mlê vào buổi chiều và ngược lại. Mùa thi, lớp học còn chong đèn đến khuya để cô trò cùng ôn bài. Cô Mlê kể: Năm 2016, khi tích góp đủ tiền xây ngôi nhà nhỏ để đón đứa con đầu lòng, hai vợ chồng đã quyết định dành quỹ đất để xây một phòng học rộng hơn 30 m2 làm nơi dạy học miễn phí cho trẻ em trong làng. Lớp học xây xong, hai vợ chồng lại đi vận động bà con trong làng gửi con em cho anh chị kèm cặp miễn phí.

Thời gian đầu, lớp chỉ có khoảng chục em ở độ tuổi tiểu học được bố mẹ đưa đến. Ðến nay, lớp học của cô Mlê lúc đông nhất thu hút tới 50 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Ðến lớp học của cô Mlê, các em được chia thành từng nhóm theo khối lớp, được cô hướng dẫn cách tự học, cách làm việc nhóm và hình thành nhiều "đôi bạn cùng tiến". Dù khá bận rộn với công việc của một cán bộ Hội Phụ nữ bán chuyên trách của xã và phụ chồng lo chuyện đồng áng, gia đình, nhưng trước sự say mê của học trò, cô Mlê luôn sắp xếp dành thời gian cho lớp học. Ðể vợ có thể hoàn thành tốt cùng lúc nhiều vai trò khác nhau, anh A Trăng (vốn cũng là giáo viên, tốt nghiệp ngành Lịch sử: Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai) luôn hỗ trợ hết mình. Những hôm chị bận họp hành, lớp học sẽ do anh phụ trách. Từ nỗ lực ấy của anh chị, nhiều em vốn học kém, tự ti với bạn bè, từng muốn bỏ học nay đã trở thành học sinh tiên tiến. Cô Mlê tin tưởng bày tỏ: "Mong muốn lớn nhất của vợ chồng tôi khi mở lớp học là giúp trẻ em trong làng mình học tập tốt hơn, giúp bà con nâng cao ý thức để cùng với nhà trường chăm lo các em học tập. Dù mới chỉ ba năm, nhưng tôi rất vui khi ngày càng có nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con theo học. Ðây là chuyển biến tích cực về mặt giáo dục để làng Wâu từ đó phát triển".

Sự tiến bộ của những học trò trong làng chính là động lực để hai vợ chồng cô giáo Mlê duy trì lớp học mỗi ngày và nói như Mlê, rất đơn giản rằng: "Lớp học này chính là nơi để hai vợ chồng thực hiện ước mơ còn dang dở khi không có may mắn đứng lớp chính thức"!