Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh

Bắt đầu từ ngày 23-4-2020, cả nước nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội. Cuộc sống dần nhộn nhịp trở lại sau thời gian "ở yên trong nhà".

Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu và theo phản ánh của bạn đọc, vẫn còn không ít người có tâm lý lơ là, chủ quan.

Sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về việc cách ly xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, nhằm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, có thể nói hiện tình hình dịch Covid-19 ở trong nước đang được kiểm soát tốt. Với mục tiêu chung sống an toàn với dịch, vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống người dân, nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã tiến hành mở rộng diện giám sát; quản lý tốt tình hình lao động ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ của người lao động; quản lý người nước ngoài nhập cảnh, đưa công dân Việt Nam về nước; quản lý các cơ sở cách ly tập trung; chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế; ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh; sản xuất sinh phẩm xét nghiệm; triển khai tư vấn, hỗ trợ, khám, chữa bệnh từ xa; xây dựng tiêu chí bảo đảm hoạt động vận tải hành khách an toàn (hàng không, đường sắt, đường bộ); bảo đảm các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường học…

Tuy nhiên, cùng với các giải pháp nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền để các cơ quan, ban, ngành, nhất là người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo, khuyến cáo, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh. Bởi có một thực tế là sau thời gian cách ly xã hội, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được phép hoạt động trở lại. Vì vậy, một bộ phận người dân đã chủ quan, vội vàng từ bỏ nỗ lực "ở yên trong nhà" để lặp lại thói quen sinh hoạt bên ngoài, bất chấp những nỗi lo từ dịch bệnh vẫn rất phức tạp, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Chẳng hạn như, trên các đường phố ở TP Hà Nội tấp nập người và xe, trong đó có nhiều nhóm thanh niên tập trung đi lại.

Ở vỉa hè một số tuyến đường và các bờ hồ, người dân ở mọi lứa tuổi tập thể dục, trong số đó có nhiều nhóm người tụ tập ở khoảng cách gần nhưng không đeo khẩu trang. Thậm chí, còn nhiều nhóm người tập trung chơi thể thao, cờ tướng trên vỉa hè. Ông Nguyễn Huy, thường xuyên chơi cờ ở phố Ðội Cấn nói: "Anh em chúng tôi đều là hàng xóm láng giềng, nghỉ chơi một thời gian, cho nên thấy buồn chân, buồn tay. Với lại ở khu phố nhà tôi có ai bị nhiễm dịch bệnh đâu mà sợ". Hay trong ngõ và tại các khu chợ dân sinh ngay trên địa bàn quận Cầu Giấy, hoạt động buôn bán diễn ra nhộn nhịp, nhưng nhiều người "quên" không đeo khẩu trang. Rõ ràng, một bộ phận người dân đang chủ quan với dịch bệnh, bất chấp sự an toàn của chính mình, người thân và cộng đồng. Tại các quầy bán thực phẩm, hoa quả, rau xanh là cảnh người dân chen nhau mua bán như trước khi có dịch bệnh.

Ðánh giá diễn biến dịch Covid-19 trong nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, thời gian vừa qua chúng ta đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình. Tuy nhiên, diễn biến dịch còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu. Trong thời gian giãn cách xã hội, không phải chúng ta xử lý hoàn toàn 100% số ca nhiễm mà chỉ là hạn chế mức thấp nhất những người đang mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành, chứ không bảo đảm ngăn chặn triệt để. Do đó, sự chủ quan của người dân là một trong những nguy cơ tiềm ẩn sự bùng phát dịch bệnh trở lại. Bài học về sự chủ quan tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến họ phải chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn hai. Vì vậy, nếu người dân tiếp tục thờ ơ, không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, nguy cơ các giải pháp chống dịch bị vô hiệu hóa là rất cao.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, cùng với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, và các bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cấp, các ngành, cán bộ và mỗi người dân không lơ là, chủ quan trong thực hiện quy định phòng, chống dịch bệnh. Vì sức khỏe của bản thân mình, vì cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, nên hạn chế ra đường, đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách đối với người khác, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế, không tụ tập đông người. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm thực hiện triệt để và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, cũng như không để tái diễn vi phạm các quy định khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.

Ðây chưa phải là thời điểm có thể khẳng định Việt Nam đã an toàn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Do đó, mỗi người dân cần thực hiện những hướng dẫn an toàn: đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, tránh giao tiếp gần; thực hiện vệ sinh khử khuẩn, không chỉ phòng Covid-19, mà còn phòng bệnh cúm, nhất là bệnh tiêu hóa khi chuẩn bị vào mùa hè; tiếp tục khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở.

PGS, TS Trần Ðắc Phu

Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Nhiều hàng quán, địa điểm du lịch được phép mở cửa trở lại không có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm đã hết. Thay vào đó, chúng ta chiến đấu với dịch bệnh trong một tâm thế mới, một giai đoạn mới chứ không hẳn là hoạt động, sinh hoạt lại bình thường.

Nguyễn Hồng Nhung

(Công ty Du lịch Việt, Hà Nội)