Hành vi nguy hiểm cho cộng đồng

Trong khi các lực lượng chức năng đang ra sức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thì một số người lại có hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng cộng đồng khiến dư luận rất bức xúc, phẫn nộ. Mới nhất là trường hợp cô gái đi từ vùng dịch Ðê-gư (Hàn Quốc) về nước nhưng khai báo gian dối để trốn tránh cách ly, hay trước đó cô gái ở Quảng Nam đi du lịch từ Trung Quốc về nhưng lại không khai báo và cơ quan chức năng không biết...

Việc trốn cách ly không chỉ làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng, vi phạm pháp luật mà còn được coi là tội ác. Bởi việc trốn cách ly hay khai báo gian dối về lịch trình đi lại trong vùng dịch là gây nguy hiểm rất lớn cho cộng đồng. Với hành vi vô ý thức của mình, người trốn cách ly có thể gián tiếp gây nên đại dịch và tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19, do đó mọi hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý nghiêm. Cụ thể, theo Ðiều 10 Nghị định số 176/2013/NÐ-CP thì người từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng.

Ngoài ra, đây còn là hành vi hủy hoại nỗ lực phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Bởi như các chuyên gia y tế cảnh báo nếu thực hiện khoanh vùng cách ly mà chỉ cần để lọt một trường hợp bị bệnh ra cộng đồng là mọi công sức đều đổ bỏ.

Vì vậy, bên cạnh tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khu vực cách ly, tuyên truyền cho người dân về tác hại khi trốn cách ly thì cần xử lý nghiêm hành vi trốn cách ly hoặc khai báo gian dối. Ðây không đơn giản chỉ là vi phạm đơn thuần mà thực chất là hành vi vô đạo đức, thậm chí là hành vi tội ác. Ðiều này không những góp phần cho việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người dân mà còn nhằm răn đe, phòng ngừa các trường hợp vi phạm tương tự về sau.