Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch tăng cao, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã sử dụng các trang mạng xã hội để rao bán khẩu trang, nhiệt kế điện tử, thẻ diệt vi-rút... nhưng lại bán hàng giả, hoặc không thực hiện theo đúng nội dung đã quảng cáo nhằm chiếm đoạt tiền. Người dân cần nâng cao cảnh giác, sáng suốt phân biệt, tránh mắc "bẫy" các đối tượng lừa đảo.

 Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ đối tượng lừa đảo bán khẩu trang trên mạng xã hội chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng. Ảnh: MINH HẢI
Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ đối tượng lừa đảo bán khẩu trang trên mạng xã hội chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng. Ảnh: MINH HẢI

Theo phản ánh của bạn đọc, từ đầu tháng 2-2020, trên Facebook xuất hiện trang fanpage bán hàng "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam". Trang này đã đăng thông tin quảng cáo bán khẩu trang 3M 9001v với giá 360.000 đồng/hộp (30 cái), mức giá được cho là rẻ hơn ngoài thị trường. Chủ fanpage yêu cầu người đặt mua khẩu trang phải chuyển tiền trước, sau đó nhận khẩu trang qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trường hợp người mua không chuyển khoản trước thì nhận hàng từ shipper (người giao hàng có thu tiền hộ) và chỉ được mở hàng ra kiểm tra sau khi đã thanh toán. Do mặt hàng khẩu trang y tế trên thị trường khan hiếm, cho nên mặc dù có dấu hiệu kinh doanh không minh bạch, trang fanpage này vẫn thu hút hàng nghìn lượt like, bình luận, đặt mua hàng. Nhiều người trong số đó sau khi hoàn tất việc giao dịch, mở hộp khẩu trang mới biết mình bị mắc lừa, bởi đó không phải là những chiếc khẩu trang đúng mẫu như quảng cáo mà là những chiếc khẩu trang bằng vải thường, có chiếc đã qua sử dụng, thậm chí có người mua còn nhận được toàn lá cây. Bức xúc trước những thủ đoạn kinh doanh gian dối nêu trên, nhiều khách hàng đã liên hệ với chủ fanpage yêu cầu trả hàng đúng như cam kết nhưng đều không nhận được hồi đáp. Chủ fanpage "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam" cũng xóa đi những bình luận, chặn các tài khoản phản ánh sự lừa dối khách hàng, đồng thời thay đổi tên trang để lẩn tránh, xóa dấu vết.

Gần đây, còn xuất hiện một số trang fanpage mạo danh cả Bộ Y tế để bán khẩu trang. Ðơn cử, trang fanpage "Khẩu trang chuẩn Bộ Y tế" tự giới thiệu là hiệp hội các bác sĩ đại diện Bộ Y tế trực tiếp cung cấp khẩu trang. Thậm chí, trang này còn giả mạo giấy kiểm nghiệm của Bộ Y tế để quảng cáo chất lượng khẩu trang đạt chuẩn, đăng tải vi-đê-ô được lồng ghép, giả mạo chương trình của Ðài Truyền hình Việt Nam về cách phân biệt khẩu trang chuẩn của Bộ Y tế và khẩu trang nhái để tạo niềm tin với khách hàng. Tương tự, trang fanpage có tên "Tổng kho Thiết bị Y tế - Bộ Y tế" quảng cáo bán khẩu trang y tế tiệt trùng bốn lớp kháng khuẩn, lọc khuẩn, vi-rút, ngăn ngừa khói bụi, giá 79 nghìn đồng/hộp (50 cái). Trong khi Bộ Y tế là cơ quan quản lý về trang thiết bị y tế, không phải là cơ quan phân phối khẩu trang ra thị trường.

Thời gian qua, lực lượng công an các tỉnh, thành phố liên tục phát hiện nhiều vụ việc lợi dụng dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tại Hà Nội, đối tượng Ðỗ Thành Nam, sinh năm 1990, trú tại xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường (Nam Ðịnh) đã rao bán nhiệt kế điện tử trên mạng xã hội. Tin tưởng Nam, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản của Nam để đặt cọc mua nhiệt kế, sau đó Nam chiếm đoạt toàn bộ số tiền này, tổng cộng là 600 triệu đồng. Ðối tượng Trần Ngọc Anh, sinh năm 1990, trú tại phường Ðịnh Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tự nhận mình là nhân viên sân bay và đang có lô hàng máy đo thân nhiệt nhập ngoại giá rẻ chỉ bằng một nửa giá chính hãng. Sau khi thông tin này được đăng lên trang Facebook cá nhân, một số người đã liên lạc với Ngọc Anh và đặt cọc hàng trăm triệu đồng để mua hàng. Thế nhưng, Trần Ngọc Anh đã sử dụng toàn bộ số tiền này để đánh bạc, trả nợ, chi tiêu cá nhân. Hiện nay, cả hai đối tượng nêu trên đã bị Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) khởi tố, bắt giữ để điều tra và xử lý hành vi có dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định của pháp luật.

Ngày 18-2, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Liên, sinh năm 1992, trú tại xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, đối tượng đã lập tài khoản Facebook "Vy Lê", địa chỉ ở TP Ðà Nẵng, rồi đăng thông tin hiện đang có một số lượng lớn khẩu trang y tế của một nhà máy cần bán, ai cần mua bao nhiêu cũng có thể đáp ứng. Sau khi Liên đăng tin, một số người đã liên hệ, rồi chuyển tiền vào tài khoản của Liên để mua hàng, trong đó có người đã chuyển cho Liên hơn 560 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền đã chuyển mà chờ mãi không thấy hàng gửi về, lúc đó người mua mới biết mình bị lừa. Tương tự, lợi dụng tình hình khan hiếm khẩu trang y tế để phòng dịch, Ðặng Thị Bích Thùy, sinh năm 1992, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã lên mạng xã hội đăng thông tin có thể cung cấp 80 thùng khẩu trang y tế với giấy tờ đầy đủ, giá 3,2 triệu đồng/thùng. Tin lời Thùy, hai nạn nhân đã chuyển số tiền đặt cọc 650 triệu đồng và bị Thùy chiếm đoạt. Ngày 27-2, Công an tỉnh Hải Dương ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Thùy để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 17-3, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xử phạt hành chính 14,5 triệu đồng đối với một trường hợp trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) do có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; đăng mạng xã hội nội dung sai sự thật để quảng cáo, bán hàng. Trước đó, người này đã đăng thông tin bán thẻ chống vi-rút Corona với giá 280.000 đồng/thẻ trên trang Facebook cá nhân. Ngày 23-2, trong lúc người này đang lừa bán thẻ cho người có nhu cầu thì bị công an phát hiện, thu giữ 35 thẻ đeo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước tình trạng nêu trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Ðể tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua. Trường hợp bị lừa đảo, người dân nên chủ động, bình tĩnh đến cơ quan công an để trình báo sự việc. Mỗi người dân cùng với việc nêu cao tinh thần phòng, chống dịch, còn cần nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm mới này.

Hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài và lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân để rao vặt, bán hàng qua mạng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp mà còn cần bị lên án mạnh mẽ về đạo đức. Căn cứ Ðiều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có hình phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc chung thân; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật gia PHẠM VĂN NGHĨA

(Hội Luật gia quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)

Ðề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án khẩn trương xác minh, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm lừa đảo liên quan dịch bệnh, truyền thông rộng rãi những vụ điển hình để mọi người được biết.

Ông ÐẶNG THẾ HÙNG

(Phường Nguyễn Trãi, quận Hà Ðông, TP Hà Nội)