Cần xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc chống lại những người đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đây là hành vi chống người thi hành công vụ, cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án chống người thi hành công vụ liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, ngày 4-4, tại quán “Phát Quán” ở phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), Trần Đăng Minh (SN 1991, ở phường Phú Diễn cùng Nguyễn Đắc Tùng, Lê Ngọc Linh (đều SN 1991; cùng trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đã tổ chức tụ tập ăn uống, hát ka-ra-ô-kê gây mất an ninh - trật tự, vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19... Nhận được thông tin phản ánh của người dân, các cán bộ Công an phường Phú Diễn đã đến giải thích và yêu cầu dừng việc tụ tập đông người. Tuy nhiên, thay vì chấp hành yêu cầu của các cán bộ công an thì cả Tùng, Minh và Linh đều cố tình lăng mạ, thách thức những người đang thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, Nguyễn Đắc Tùng đã lao đến hành hung, gây thương tích cho một cán bộ công an phường. Tại phiên tòa, sau khi xem xét cáo trạng của Viện kiểm sát; các hồ sơ, chứng cứ tại tòa và căn cứ Khoản 1, Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đắc Tùng chín tháng tù giam; các bị cáo Lê Ngọc Linh, Trần Đăng Minh cùng bị tuyên mức án tám tháng tù giam.

Trước đó, TAND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã xét xử sơ thẩm vụ án chống người thi hành công vụ đối với các bị cáo Vũ Văn Huy (SN 1990, trú phường Phong Cốc); Vũ Văn Phong (SN 1993), Nguyễn Văn Tuyển (SN 1994) và Lê Minh Thức (SN 1990) cùng trú tại phường Phong Hải (thị xã Quảng Yên). Phiên xét xử được phát trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của tất cả các nhà văn hóa trên địa bàn thị xã Quảng Yên. Nguyên nhân vụ việc, khoảng 21 giờ 45 phút ngày 12-4, Tổ công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 phường Phong Cốc làm nhiệm vụ tại khu vực ngã ba Đình Cốc thì phát hiện Vũ Văn Huy điều khiển xe mô-tô chở Vũ Văn Phong, Nguyễn Văn Tuyển, cả ba đều không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang. Trước tình hình này, các cán bộ tổ công tác đã yêu cầu những người này dừng xe, đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang theo quy định. Tuy nhiên, Huy không chấp hành và có lời lẽ thách thức, thóa mạ rồi cùng Phong, Tuyển lao vào đánh Trung úy Bùi Quang Anh. Tại thời điểm này, Lê Minh Thức đi xe máy đến và cùng tham gia chống đối tổ công tác. Sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ công an thị xã Quảng Yên đã khống chế và bắt giữ tất cả những đối tượng nêu trên... Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Căn cứ vào Khoản 1, Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), TAND thị xã Quảng Yên đã tuyên phạt các bị cáo Vũ Văn Huy, Vũ Văn Phong mỗi người chín tháng tù giam; Nguyễn Văn Tuyển và Lê Minh Thức mỗi người sáu tháng tù giam…

Theo Luật gia Nguyễn Sinh Đức, Trưởng Văn phòng đại diện - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội): Những vụ án chống người thi hành công vụ được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây là bài học cảnh tỉnh đối với những ai không chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, khi được các cán bộ trong tổ công tác liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 kiểm tra y tế thì người dân cần tuân thủ nghiêm. Bởi, nếu bất cứ ai có hành vi chống người thi hành công vụ, các cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố hình sự. Cụ thể, theo Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17-12-2013 quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ nêu rõ: “Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”. Tại Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định: Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ có thể bị phạt tiền từ hai đến ba triệu đồng. Thậm chí, bị phạt tiền đến năm triệu đồng nếu có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ... hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Liên quan vấn đề này, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi TAND các cấp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn xử lý các tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19, căn cứ theo Khoản 1, Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người vi phạm có thể tùy vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Mức phạt cao nhất đối với người phạm tội này là bảy năm tù nếu phạm tội có tình tiết tăng nặng theo quy định tại Khoản 2 Điều 330...

Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu đối với những người đang thi hành công vụ thì tùy theo mức độ có thể bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm...

Thượng úy NGUYỄN MẠNH TUẤN (Bộ Công an)

Để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, cũng như các quy định xử phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ thì các ban, ngành, đoàn thể cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa như tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vận động các gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh;...

TRẦN VĂN HÙNG (Huyện Văn Chấn, Yên Bái)